Niềm tự hào và nỗi xót xa của những cựu sĩ quan xuất thân từ một quân trường danh tiếng.


Một Đại Hội 21 của các cựu SVSQ Trường VBQGVN vừa được tổ chức vào những ngày 11, 12 và 13 tháng 5/2018 tại thành phố San Jose, miền Bắc Cali, đã thành công tốt đẹp. Xin được chúc mừng và ngợi ca ban tổ chức đã bỏ nhiều công sức để có được một Đại Hội với nhiều hình thức truyền thống Võ Bị đáng được tự hào. Đại Hội cũng đã bầu ra một vị Tân Tổng Hội Trưởng, tốt nghiệp Khóa 24, có đầy đủ khả năng để chu toàn trách nhiệm.Tuy nhiên bên cạnh sự thành công và niềm tự hào đó, dường như vẫn phảng phất điều gì làm người ta cảm thấy ít nhiều tiếc nuối, xót xa. Bởi chỉ hơn một tháng sau, vào các ngày 23-24 và 25 tháng 6 tới đây, cũng sẽ có một Đại Hội 21 nữa được tổ chức tại Westminster, miền Nam Cali, và cũng để bầu một Tân Tổng Hội Trưởng. Điều khó hiểu là cả hai Đại Hội cùng mang tên Đại Hội 21 này đều nhân danh Tổng Hội Cựu SVSQ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
Tôi không có vinh dự được xuất thân từ ngôi trường Võ Bị danh tiếng này, nhưng từng là một người lính, tôi vẫn luôn có niềm tự hào khi trong QLVNCH của chúng tôi đã có một quân trường nổi danh như thế. Ngôi trường đã đào tạo hầu hết những sĩ quan ưu tú, có những vị đã từng là cấp chỉ huy hay là bạn đồng đội mà tôi hằng kính mến, ngưỡng phục. Tôi đã từng nhìn vào họ như những tấm gương để học hỏi, noi theo. Bên cạnh sự can trường, thao lược, tôi còn đặc biệt cảm phục họ về cái tình đồng môn huynh đệ, thường được họ gọi là Tình Tự Võ Bị. Chính cái tình tự thiêng liêng này đã gây cho tôi bao điều xúc động khi chứng kiến trên chiến trường, trong những nhà tù Cộng sản, hoặc được nghe chính người trong cuộc kể lại câu chuyện của mình.
Tôi đã nhìn thấy bạn tôi, một anh Tiểu Đoàn Trưởng, tốt nghiệp Khóa 19 đau đớn như thế nào khi niên đệ Khóa 24, một Đại Đội Phó của anh, bị tử thương tại chiến trường Kontum vào mùa hè 1972. Lúc ấy, tôi có cảm giác anh vừa phải mất đi một đứa em ruột thịt trong gia đình hơn là một cấp chỉ huy mất đi một thuộc cấp. Một anh bạn khác cũng Khóa 19, khi biết tin đại đội của niên đệ Khóa 22 bị địch quân phục kích, đã trực tiếp điều quân tiếp ứng, tả xung hữu đột, xông pha dưới đạn bom để cứu “thằng em”, nhưng cuối cùng niên đệ thì vô sự mà niên trưởng thì bị trọng thương, và trong đau đớn anh vẫn cố nở một nụ cười mãn nguyện. Một anh Trung Đoàn Trưởng, Khóa 17, khi biết tin một Tiểu Đoàn Trưởng là niên đệ Khóa 19 tử thương mà không mang xác ra được, đã đích thân điều động một chi đoàn chiến xa có bộ binh tùng thiết, đạp lên đầu địch để rửa hận và đưa xác “thằng em” ra khỏi vùng chiến địa. Tôi đã chứng kiến một anh Trung Tá Khóa 16, Phi Đoàn Trưởng trực thăng, đích thân bay chiếc CNC đáp xuống bốc một niên đệ Khóa 20 bị trọng thương, trong lưới đạn phòng không của địch, sau khi trực thăng tản thương bị bắn hư, không thể nào xuống được. Tôi đã chứng kiến một Thiếu Tá Khóa 17, Phi Đoàn Trưởng Hỏa Long, đã liên tục lên vùng soi sáng, yểm trợ cho một niên đệ Khóa 19, khi tiểu đoàn bộ binh của anh bị một lực lượng địch quân, với quân số cấp trung đoàn, tấn công vây hãm suốt đêm, trên cao nguyên đầy ắp sương mù. Cá nhân tôi, một lần khi được tạm thay thế anh Đại Đội Trưởng Khóa 16 (vừa bị thương đang nằm trong QYV) để chỉ huy đại đội tham dự hành quân phối hợp với một Duyên Đoàn Hải Quân ở Ninh Thuận, đã được vị Trung úy Duyên Đoàn Trưởng gốc Khóa 16VB tận tình giúp đỡ và đối xử chí tình với bọn tôi, những sĩ quan bộ binh em út, chỉ vì anh cùng Khóa 16 với anh Đại Đội Trưởng của chúng tôi, dù khi ấy anh không có mặt. Một vị Trung uý TQLC trẻ tuổi, Khóa 16VB, đang làm Quận trưởng một quận lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa, khi đơn vị tôi tạm dừng quân ở đây, đã chí tình với đám sĩ quan chúng tôi, mua tặng nem chua, mấy chai rượu ngon và đích thân lái xe chở bọn tôi rong chơi, chỉ vì anh đại đội trưởng của tôi cùng Khóa 16 với anh. Tôi đã chứng kiến một anh Khóa 17 VB được thượng cấp đề bạt lên chỉ huy một đơn vị cao hơn, nhưng anh dè dặt xin khước từ, chỉ vì biết nếu nhận chức vụ mới này, dưới quyền mình sẽ có một vị niên trưởng Khóa 16, mặc dù anh có cấp bậc cao hơn. Và cũng chính anh, khi thấy một niên đệ Khóa 20, dù không trực tiếp dưới quyền mình, bị vị Tư Lệnh Sư Đoàn phạt khá nặng, vì một cái lỗi vô tình, đã tìm mọi cách xin cho “thằng em” được giảm nhẹ hình phạt hầu không ảnh hưởng nhiều đến việc thăng tiến trong tương lai.
Và tôi còn nghe bạn bè kể lại rất nhiều trường hợp khác cảm động hơn về tình bạn cùng khóa, tình huynh đệ Võ Bị trong cuộc chiến hay trong các trại tù CS.
Chính những ký ức ấy, những hình ảnh vô cùng cao quý và đẹp đẽ ấy, đã làm lòng tôi nhói đau khi biết được có hai Đại Hội cùng tên 21 của những vị cựu sĩ quan cùng xuất thân từ mái trường danh tiếng này, mà tất cả các anh thường hãnh diện và âu yếm gọi là “Trường Mẹ”. Tôi tự hỏi, chẳng lẽ đây là một hiện tượng báo hiệu một tập thể bị chia làm hai, đưa tới hậu quả đau lòng khi trong hầu hết các khóa, có người ở bên này kẻ ở bên kia, ngay cả những huynh đệ từng sống chết một thời, giờ cũng mỗi người một phía. Điều làm tôi cảm thấy đau đớn hơn là trong số ấy có những cấp chỉ huy và bạn bè trong cùng đơn vị của tôi ngày trước, hay cùng một lớp, một trường thời chúng tôi còn đi học. Điều này còn kéo theo sự chia hai của tổ chức Phụ Nữ Lâm Viên và Tập thể Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu, bởi lẽ thường tình, vợ luôn theo chồng và con thì theo cha, về cùng một phía.
Tôi là kẻ ngoại cuộc, người đứng bên lề, nên không thể (và cũng không dám) nhận định đúng, sai, khi tất nhiên bên nào cũng nói lẽ phải ở về phía của mình. Tôi chỉ biết tôn trọng ý kiến và quyết định của mỗi người, như ngày xưa tôi từng luôn tôn trọng họ. Chỉ biết thành tâm chia sẻ nỗi ngậm ngùi khi có một số vị Võ Bị bậc thầy, lớn tuổi, trong tình thân thiết, đã buồn bã nói với tôi trong sự xót xa lẫn chút chán chường.
Tôi luôn an ủi mấy “ông thầy” và bảo rằng sự kiện này không làm chia rẽ được những con người đã từng sẵn sàng hy sinh xương máu cho quê hương, cho đồng bào và cho cả những đồng môn Võ Bị. Họ từng tự hào với phương châm “Tự Thắng Để Chỉ Huy” với phẩm cách “Đa Hiệu”, thì nhất định chuyện hôm nay cũng chỉ là một phản ứng, một biện pháp nhất thời để cùng tìm giải pháp kết thành một khối chặt chẽ yêu thương hơn trong mai sau.
Sáng nay, tôi có anh bạn học cũ ghé thăm. Ngày trước anh không chọn binh nghiệp. Anh thông minh và học giỏi hơn tôi nhiều nên trở thành một bác sĩ. Bên tách cà phê, hai thằng bàn về chuyện lịch sử, chiến tranh và cuối cùng vô tình dẫn đến chuyện của trường Võ Bị. Khi đề cập tới sự kiện Đại Hội 21, anh ưu tư tới việc chắc chắn tập thể này sẽ có hai Tổng Hội. Anh nói với tôi:
– Lịch sử dân tộc mình thật bất hạnh, bởi ngay từ truyền thuyết tổ tiên, Ông cha Lạc Long Quân nhận mình là rồng, nên đã dẫn 50 đứa con xuống biển, còn mẹ Âu Cơ là Tiên nên đã dắt 50 đứa con khác lên non, khởi đầu cho lịch sử chia hai. Tới thời Trịnh, Nguyễn phân tranh đã lấy sông Gianh phân chia Nam, Bắc. Sau này Hiệp định Genève lại dùng sông Bến Hải chia cắt hai bờ. Có lẽ tại vì cái huông này nên bây giờ tập thể Võ Bị, những người con ưu tú của miền Nam nước Việt, lại sang tận nước Mỹ này đào thêm một dòng Bến Hải giữa hai vùng Nam – Bắc Cali!
Tôi không đồng tình và phản bác tức thì:
– Dường như bạn đã giải thích lịch sử sai rồi. Bạn đưa truyền thuyết Tiên Rồng để so sánh với sự kiện này, nghe qua rất lý thú, nhưng xét ra có vẻ nghiêng về cảm tính hơn là ý nghĩa triết lý chính của huyền sử, mà tôi cũng vừa mới học được từ một ông Thầy dạy Triết, đã về hưu và hiện sinh hoạt chính trị ở San Jose. “Cha Rồng dẫn 50 con xuống biển không phải là một chia lìa hay dứt tình chồng vợ, mẹ con, trái lại chính là đi sâu vào lòng mẹ Tiên vốn thuộc hành Thủy của Âm được coi là Tổ Mẫu của vũ trụ. Cũng thế, mẹ Tiên dẫn 50 con lên núi không phải là chia lìa vợ chồng và cha con, mà chính là đi sâu vào lòng cha, vốn ở hành Kim thuộc Dương, được coi là Tổ Phụ của nhân loại. Như thế, lên núi xuống biển không phải là một chia lìa, mà chính là tìm cách hòa nhập vào nhau, trải rộng Âm Dương đến tận năm châu bốn bể.”
Với ý nghĩa ấy, tôi tin là chuyện Đại Hội 21 của Tập thể Võ Bị không phải là mục tiêu chia rẽ, mà chính là tạm chia hai nhánh để cùng tìm đường về lại một đỉnh Lâm Viên, nơi họ đã từng chinh phục và còn vang vọng mãi lời thề sắt son của thời trai trẻ. Chính vì vậy, trên các Trang Nhà của hai bên đều tô đậm cùng một câu khẩu hiệu giống y nhau “ Trường Võ Bị Là Một Tập Thể Bất Khả Phân” như để khẳng định một lời thề, như ngày xưa họ đã từng quỳ xuống, đưa tay lên thề trên Vũ Đình Trường Lê Lợi trong các buổi lễ ra trường.
Tôi tin tương họ nhất định sẽ làm như thế, cho dù hôm nay, mới xem qua câu “khẩu hiệu” ấy của cả hai bên, ta cảm giác có điều gì khập khiễng.
Cầu xin hồn thiêng sông núi, anh linh của những huynh đệ Võ Bị đã vị quốc vong thân hãy phù trợ những đồng môn của mình trên hành trình tìm lại những “Tình Tự Võ Bị” thiêng liêng.
 
Phạm Tín An Ninh
(một người lính Bộ Binh)

Comments

Popular posts from this blog