NGUYEN MANH TRINH :ÐỌC NHỮNG TRANG SÁCH LỊCH SỬ LÃNG QUÊN

alt
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, cuộc chiến Việt Trung bắt đầu với quân Trung Hoa tấn công vào 39 mục tiêu dọc biên giới trong đó có 26 mục tiêu bị tấn công từ cấp tiểu đoàn trở lên. Riêng ở các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng bị tấn công cấp sư đoàn. Quân số Trung Hoa tham chiến khởi đầu là 80 ngàn cuối cùng tăng lên tới 150 ngàn. Con số này không kể mấy trăm ngàn quân sĩ có nhiệm vụ yểm trợ tiếp vận hoặc dự bị ở tuyến sau. Chỉ huy tổng quát là Hứa Thế Hữu đặt Bộ Tư Lệnh ở Nam Ninh. Phụ tá cho Hữu là Dương Ðắc Chí về sau thay Hữu khi giai đoạn đầu tiên bị thất bại. Cả hai đã bị truyền thông của Cộng Sản Việt Nam kết tội là dã man trong khi tiến hành cuộc chiến xâm lược. Nhưng sau này khi đầu hàng và thần phục Trung Hoa sau hội nghị Thành Ðô thì lại ca tụng Hữu và Chí như là những dũng tướng tài ba anh dũng.
Nhổ lại liếm, có lẽ là thủ đoạn quen thuộc của Cộng Sản Việt Nam. Hội nghị Thành Ðô giữa NguyễnVăn Linh, Ðỗ Mười, Phạm Văn Ðồng phía Cộng sản Việt Nam và Giang Trạch Dân, Lý Bằng phía Cộng Sản Trung Hoa đã thay đổi phương cách đối nội và đối ngoại của Cộng sản Việt Nam. Truyền thông, báo chí, văn học cũng theo chỉ đạo của chính trị mà thay đổi theo. Bọn tay sai Trung Hoa vì quyền lợi riêng tư cũng theo thời a dua làm nhiều hành động lố lăng ca tụng những tên xâm lược.
1979-2018, 39 năm. Lịch sử đã qua nhiều trang giở. Bạn. Thù. Ðổi thay. Thay Ðổi. Cái nhìn và nhận định thay đổi đến 180 độ. Từ vị trí quân thù, trở thành đồng minh và luận điệu cũng như xử sự thay đổi đến làm những người đã tham dự cuộc chiến phải chạnh lòng đau xót. Hàng trăm ngàn tử sĩ hai bên chắc phải đau lòng trước thời thế quái gở và đầy bí ẩn.
Nhân tháng 2, Báo Thanh Niên có bài: “Lạng Sơn, những ngày tháng 2” có đoạn: “Từng là lính nhập ngũ trong thời kỳ “Chống Trung Quốc xâm lược” tui rất cảm động. Nhiều đoan rưng rưng nước mắt. Ðến khi nhìn thấy bức ảnh “Tấm bia kỷ niệm chiến thắng tại đầu cầu Khánh Khê” thì sững sờ rực lên một nỗi đắng cay. Tấm bia kỷ niệm chiến thắng mà tan nát thế này a? Bốn chữ “Trung Quốc xâm lược” đã bị đục bỏ trắng trợn. Từ Trung Quốc đã bị xóa gần như hoàn toàn, từ xâm lược cũng thế. Tấm bia ghi chiến tích đánh Trung Quốc của quân đội Việt Nam trong cuôc chiến biên giới 1979 đã bị đục nát như là bằng chứng cho sự khiếp nhược không thể nào diễn tả bằng lời. Sự khiếp nhược được che đậy bằng cái gọi là khôn khéo.”
Và như thế. Thời sự đã ảnh hưởng như thế nào trong văn chương? Có những dữ kiện, qua những mốc thời gian, đã được nhìn ngắm lại với những nhậnđịnh khác nhau. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc tràn vào miền Bắc Việt Nam gây ra một cuộc chiến mà cả một vùng thượng du Bắc Việt bị phá thành bình địa trước khi quân Tàu rút về bên kia biên giới. Lúc đó, văn chương mà nhà văn Bảo Ninh gọi là “văn chương trực chiến” nở rộ trong khoảng 10 năm trời với nỗi căm thù quân cướp phương Bắc. Hơn ba mươi năm sau, tưởng những ấn tượng ấy sẽ không phai nhòa. Nhưng, ngược lại, gió xoay chiều, chế độ hiện hữu ươn hèn vì quyền lơi cá nhân mà bán đứng đất đai, khiếp nhược trước quân thù và quên đi những hậu quả của một cuộc chiến quá nhiều tang tóc.
Và, lịch sử đã được bôi xóa, sửa chữa theo nhu cầu của những người cầm quyền thông qua sự kiểm soát của ban Khoa Giáo trung ương. Ðề tài chiến tranh Việt Trung tự nhiên thành một đề tài cấm kị và thời gian qua có một tác phẩm của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai: Rồng Ðá, sách bị cấm và nhà xuất bản Ðà Nẵng bị đóng cửa.
Theo dư luận thì cuốn sách này bị cấm vì đã có truyện ngắn đề cập đến cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc và theo các nhà lãnh đạo văn nghệ thì tác phẩm này có ngôn ngữ không trong sáng.
Thật ra cái ngôn từ “không trong sáng” quá mù mờ và khó xác định thế nào là trong sáng thế nào không. Do đó, đấy chỉ là một cách nói của người có quyền thế áp đặt theo một đường lối văn học đã được chỉ đạo bởi chính trị.
Tác phẩm Rồng Ðá bị tịch thu bởi ba truyện ngắn: Vi Phồn ThựcÂm bản Chiến Tranh, và Chú Mìn Phủ và Tôi. Hai Truyện ngắn Vi Phồn Thực  Âm Bản Chiến Tranh thì có liên quan đến cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc, còn Chú Mìn Phủ và Tôi thì đề cập đến cuộc chiến Việt Nam- Trung Quốc năm 1979.
Tác giả Vũ Ngọc Tiến đã phát biểu về truyện ngắn của mình:“Truyện ngắn Chú Mìn Phủ và Tôi đề cập đến cuộc chiến biên giới phía Bắc (1979). Nó là cuộc chiến phi lý nhất trong thế kỷ 20 đối với cả hai dân tộc mà cả ta và phía bên kia đều phải nghiêm túc nhìn ra là cần phải tránh và có thể hoàn toàn tránh được. Những thảm cảnh do cuộc chiến ấy gây ra thì nhiều lắm, khốc liệt hơn cả những gì mà tôi mô tả. Giờ ta không thể bình thản coi đó như một vụ va quệt xe trên đường mà phải tỉnh táo và sòng phẳng với lịch sử.”
Những truyện ngắn của tập Rồng Ðá có gì đặc biệt để gây nên sự ồn ào trong dư luận giới văn chương như vậy? Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên mà hiện nay làm Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội ở trong nước thì:
“Thật ra tôi phải nói là cuốn Con Rồng Ðá cũng chưa phải là một cuốn sách nổi bật, là một cuốn sách gây dư luận gì cả. Rất nhiều người không biết. Riêng tôi may mắn có được cuốn sách là bởi vì tác giả có tặng tôi khi in sách ra. Anh Lê Mai là một trong tác gỉa đứng chung trên tập truyện này của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai, Rồng Ðỏ hay Mũi Uốn Ván. Tôi đọc thì tôi cũng không có ấn tượng gì lắm và còn hỏi rất nhiều người nữa thì nói không biết. Có thể nói đó là một cuốn sách bình thường, một sáng tác bình thường. Nhưng đến khi thông tin ra thì bản thân tôi cũng ngạc nhiên và như vậy họ xoáy vào 3 truyện của Vũ Ngọc Tiến là truyện Âm Bản Chiến Tranh, Vi Phồn Thực và Chú Mìn Phủ và Tôi, và trong đó có hai truyện đều viết về chiến tranh chống Mỹ còn Chú Mìn Phủ và Tôi thì nói về chiến tranh biên giới 1979. Ðứng ở góc độ tôi là một người đọc và là một người làm phê bình văn học thì tôi thấy đây là một cách viết mà nó tiếp tục thì mạch viết đã được khơi mở trong thời kỳ đổi mới tức là nói về chiến tranh một cách đầy đủ và toàn diện, nói về những cái đau thương mất mát, những mặt tối mặt khuất để cho bức tranh được sâu rông hơn, toàn diện hơn. Một mặt nữa, các nhà văn viết về chiến tranh, viết về thân phận con người, về những đau thương mất mát của con người. Thì tôi thấy cái đó là bình thường thôi, không có gì cả. Nhưng sự quy kết và đánh giá đấy thì tôi lại thấy là hơi bất thường…”
Ở trên những trang mạng xuất hiện trong nước nhiều ý kiến được nêu ra, sôi nổi. Có tán đồng và có phản bác. Một ý kiến cho rằng, thật ra, chẳng có gì là bất thường cả! Chỉ là một sự thayđổi tùy tiện lịch sử. Một độc giả (Z28) trên mạng X-Café viết:“lịch sử là gì? Là chuyện đã xảy ra có nhiều người biết đến, nhiều người nghe đến nhưng hễ không có lợi cho đảng là đảng cần phải bịt mồm. Chiến Tranh biên giới Trung Việt có nhiều thương tâm tàn bạo mà những người trong cuộc chiến muốn kể ra. Tại sao lại phải giấu diếm? Chuyện những người vượt biên chết trên biển cả, trong các trại tị nạn thì dân họ lập bia tưởng niệm tại sao đảng lại quyết tâm đi đập phá bia?? Không lẽ rằng đảng hủy diệt mọi chứng cớ của lịch sử thì lịch sử sẽ không xảy ra? Ðảng bịt mồm thiên hạ nói về chiến tranh giữa hai anh em môi hở thì răng lạnh thì cuộc chiếnTrung Việt không hề xảy ra hay sao?
Trong trường hợp cấm sách “Rồng Ðá” và ngưng hoạt động nhà xuất bản Ðà Nẵng, rõ ràng một điều là đảng muốn thay đổi lịch sử, muốn tất cả các cơ quan ngôn luận cũng như các nhà văn không đề cập lại những vấn đề mà họ gọi là “nhạy cảm”. Ðó là một cách tránh né không dám nhìn thẳng vào sự thật. Dù rằng, Rồng Ðá là một tác phẩm viết về chiến tranh tuy có đề cập đến mặt trái mặt khuất của chiến tranh nhưng vẫn đi theo lề phải của lộ trình văn hóa mà Ðảng quy định. Chỉ có điều đã phạm vào lệnh cấm của những vấn đề mà đảng muốn không có một ai nhắc tới…”
Gần đây, một phim rất sống động và chứa đựng nhiều thông điệp của một người Pháp, André Menras, “La Meurtrissure-Painful Loss” tức: “Hoàng Sa- Nỗi Ðau Mất Mát.” Ðã bị lực lượng an ninh Thành Phố HCM ngăn cấm chiếu ngày 29 tháng 11 năm 2011. Ðạo diễn André Menras đã tố cáo: “các nhân viên công an đã đối xử với tôi và các bạn của tôi một cách thô bạo và phi pháp. Bộ phim là tiếng nói chân thật của các ngư dân miền Trung bị tàu Trung Quốc cướp bóc đánh dập và hành hạ tại vùng biển đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong bộ phim chúng ta thấy một nét văn hóa đặc biệt của ngư dân là văn hóa “mộ gió”. Ðây không phải chỉ là vấn đề tâm linh mà còn là một thông điệp cho bất cứ kẻ xâm lược rằng: Họ không bao giờ chịu bị cướp đoạt những điều họ quý nhất đó là linh hồn của người thân, vùng biển truyền thống của tổ tiên, niềm tự hào của họ, quyền sống còn của mình và của con cháu mình.
André Menras tuyên bố: “Tôi cam kết sẽ báo cáo thường xuyên và sẽ hỗ trợ trực tiếp, tại chỗ cho các phụ nữ có chồng đã chết trong cuộc mưu sinh, bám biển, bám đảo và cho các trẻ em mồ côi cha tại Lý Sơn và Bình Châu. Hãy xóa bỏ đường lưỡi bò trên biển Ðông và hãy bảo vệ cho những ngư dân Việt Nam hiền hòa.”
Thế mà, vẫn luận điệu của chính quyền: những tàu “lạ” cướp bóc ngư dân hoặc đâm chìm các tàu đánh cá Việt Nam để không có một hành động nào dù là tối thiểu để bảo vệ ngư dân của mình. Như vậy, không khiếp nhược thì là gì?…
Thêm một chuyện ngược đời nữa xảy ra. Ðể kỷ niệm ngày quân Tàu dày xéo những tỉnh biên giới Bắc Việt Nam cách nay 30 năm, nhà xuất bản Văn Học và công ty phát hành sách Phương Nam đã in một cuốn sách dịch từ tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn. Cuốn sách ấy có nhan đề là Ma Chiến Hữu dịch từ tác phẩm Chiến Hữu Trùng Phùng mà dịch giả là Trần Trung Hỷ.
Mạc Ngôn là người đoạt giải Novel văn chương năm 2012 với phản ứng của báo chí quốc tế không đồng nhất. Tờ Global Times trích lời phát biểu của nhà văn Nhật Bản Kenzaburo Oe, người đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1994, nghĩ rằng Mạc Ngôn là một ứng cửviên sáng giá trong danh sách dự tuyển có khả năng nhất để tranh giải Nobel trong thời điểm hiện nay.
Còn New York Times nhận định rằng Mạc Ngôn là một trong ba nhà văn đương đại được giới phê bình văn học quốc tế chú ý và góp phần làm giảm ưu thế đang nghiêng hẳn về các nhà văn Âu Châu trong thời điểm gần đây.
Nhưng trên báo Guardian thì lại cho rằng chọn lựa của Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển là một chọn lựa mang đậm chất chính trị. Có thể là một đền bù những va chạm chính trị với nhà cầm quyền Trung Quốc sau khi trao giải Nobel Hòa Bình cho nhà tranh đấu cho nhân quyền Lưu Hiểu Ba.
Báo Pháp L’Humanité mệnh danh ông là “một Rabelais Trung Quốc”. Tờ Liberation thì cho rằng sự kiện Mạc Ngôn đoạt giải Nobel văn chương là “một giải Nobel đáng ghi nhớ”. Tất cả đều nhắc đến sự kiện gây tranh cãi khi Cao Hành Kiện đoạt giải năm 2000 và gây sự khó chịu cho chế độ Trung Quốc.
Còn dư luận ở trong nước Việt Nam, nhất là những mạng điện tử đã phản ứng mạnh mẽ và phê phán tiểu thuyết Chiến Hữu Trùng Phùng và kèm theo lời phê phán nặng nề về hành động đi ca ngợi kẻ thù đã xâm lăng giết hại đồng bào của mình. Có sự kết tội, coi như đó là một biểu hiện của xâm lăng văn hóa từ phương Bắc. Dù rằng cũng có người cho rằng Ma Chiến Hữu có tính cách phản chiến, khi những người lính Tàu thuộc loại nghèo khổ vô học được coi là anh hùng tham gia một trận chiến mà không biết mục tiêu, cho đến khi chết mà chẳng biết mình hy sinh làm gì và chết cho ai. Nhưng thế nào chăng nữa, in một cuốn sách như vậy đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày quân Tàu xâm lược của những người có trách nhiệm phải chăng là một hành động nối giáo cho giặc khiếp nhược trước quân thù.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng Mạc Ngôn là một nhà văn có khuynh hướng đi gần với chế độ hiện tại và là Phó Chủ tịch của Hội Nhà Văn Trung Quốc, là một quan chức đảng viên nên khó có thể thành người đoạt giải. Lúc Mạc Ngôn đoạt giải thưởng văn chương Mao Thuẫn của Trung Quốc thì một nhà văn khác, Dã Phu, nhận định: “Giải Nobel văn chương không thể nào lọt vào tay một nhà văn hát những bài tụng ca ngợi khen chế độ độc đoán.”
Một nhà văn trẻ khác thuộc thế hệ 8X, Trương Nhất Nhất thì: “Tôi cho rằng Mạc Ngôn đoạt giải Nobel chỉ là một hình thức tu từ. Nếu Mạc Ngôn giành Nobel văn học năm nay tôi sẽ cởi quần áo chạy quanh Tương Giang hoặc Trường Thành.”
Một tác phẩm của Mạc Ngôn đã gây ra nhiều dư luận tranh cãi trong văn giới Việt Nam là Chiến Hữu Trùng Phùng dịch là Ma Chiến Hữu. Cuốn sách này đề cập đến thân phận của những người lính Trung Quốc tham dự cuộc chiến với Việt Nam năm 1979. Họ đều là những thanh niên nông thôn thất học. Họ đi lính và tham dự cuộc chiến mà không hề biết lý do. Vào quân đội, họ được nuôi ăn đỡ miếng cơm ở nhà và nếu không may tử trận thì cũng được tiền tử tuất cho gia đình. Ðến khi cuộc chiến chấm dứt thì dù kẻ còn người mất cũng đều có số phận tồi tệ giống nhau. Người trở về được gọi là may mắn nhưng đời sống vẫn tồi tệ, bị quên lãng thậm chí còn bị khó dễ của chính quyền sau chiến tranh. Trong truỵên có đoạn những hồn ma lính chiến tử sĩ Trung Quốc than khóc khi biết tin Việt Nam và Trung Quốc lại giao hảo với nhau thành ra cái chết của họ thành ngu xuẩn và không nghĩa lý. Truyện này có phải là ngợi ca Hồng Quân Trung Quốc không? Hay là sự nhạo bángvà thậm chí là lên án những người chủ trương gây ra cuộc chiến này.
Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã nhìn lịch sử và ghi chép lịch sử như thế nào? Bộ sử Việt Nam mới tái bản năm ngoái được khua chiêng gióng trống là một thay đổi quan điểm lịch sử thì người chịu trách nhiệm biên soạn và xuất bản là Trần Ðức Cường mới tiết lộ là những vấn đề “nhạy cảm” về cuộc chiến Việt – Trung mới được đề cập đến.
Hẳn chúng ta còn nhớ trước ngày Thế Vận Hội ở Bắc Kinh khai mạc thì có một đám đôngTàu Cộng giương cờ giục trống trên thành phố Sài Gòn để cổ võ trong khi cả thế giới từ Âu châu, Úc Châu, Mỹ Châu đồng loạt phản đối. Họ ngang tàng như chỗ không người và được bộ máy công an bảo vệ. Trong khi, những người Việt yêu tự do mà phần đông trong giới sinh viên học sinh phản đối và tẩy chay Thế Vận Hội ở Bắc Kinh thì lại bị đàn áp và bắt bớ. Chuyện ấy, cũng tương tự như việc cắt đất, nhượng biển cho kẻ thù truyền thống phương Bắc hay như bây giờ mang vòng hoa sang nghĩa trang của những người lính Trung Quốc bị chết với hàng chữ ô nhục đời đời mang ơn kẻ xâm lược. Hay ở nghĩa trang của những người lính Việt Nam bị tử trận trong cuộc chiến phi lý này chỉ được ghi trên bia mộ hàng chữ hy sinh mà không nói rõ trong trường hợp nào trong cuộc chiến nào.
Một độc giả trên net đã viết:
“Nó cho chúng ta thấy sự méo mó, dị hợm, nhược tiểu, hèn nhát của chúng ta. Trong khi người Trung Quốc có thể viết sách về chiến tranh Việt Trung xuất bản chúng thì người Việt Nam không thế: từ tiểu thuyết của Trần Thuỳ Trang bị yêu cầu cắt xén vài câu liên quan tới chiến tranh Việt Trung cho tới tập truyện ngắn của Vũ Ngọc Tiến bị thu hồi và nhà xuất bản Ðà Nẵng bị đóng cửa vì lý do trên. Trong khi người Việt không thể đọc được những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam về chiến tranh Việt Trung thì lại có thể dễ dàng mua được sách của người Trung Quốc viết về cuộc chiến tranh này. Trong khi báo chí Việt Nam không được đề cập tới chiến tranh Việt Trung thì lại vẫn có thể đọc thông tin từ các trang mạng bán chính thức của Trung Quốc về vấn đề này.
Ðó quả là nghịch lý. Và đáng buồn cho cái nghịch lý ấy lại được phổ biến đến mức thành chân lý cứ như tầm ăn rỗi, nuốt trọn dần tâm thứcngười Việt, khi mà phim ảnh sách báo Trung Quốc tràn ngập thị trường văn hóa Việt Nam. Rồi cứ đà này người Việt sẽ chỉ biết Càn Long là vị minh quân thánh chúa chứ khôngbiết y làkẻ xâm lược Việt Nam năm 1979. Sẽ chỉ biết Hứa Thế Hữu là lão tướng tài năng được Mao Trạch Ðông yêu dấu chứ không biết y là kẻ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, Lạng Sơn và Cao Bằng năm 1979 (cho dù vị “tướng tài” này mà báo Hà Nội Nới ca ngợi đó đã bị quân địa phương Việt Nam gây thiệt hại nặng nề đến mức bị Ðặng Tiểu Bình tước quyềnTổng tư lệnhcuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979). Sẽ chỉ biết những anh hùng quân độiTrung Quốc như “liệt sĩ” Tiền Anh Hào trong cuộc chiến Việt Trung chứ không thể thuộc tên một anh hùng quân đội một liệt sĩ Việt Nam nào trong cuộc chiến này.
Và rồi chúng ta sẽ nhìn lịch sử Việt Nam bằng mắt người Trung Quốc!”
Vong bản đến như thế là rõ ràng. Kẻ thù truyền kiếp thực dân Tàu với giấc mộng Ðại Hán luôn luôn muốn ăn tươi nuốt sống dân tộc, đất nước chúng ta. Thế mà, những người Cộng Sản lại xem ra có khuynh hướng mãi quốc cầu vinh như Mạc Ðăng Dung tự trói mình đầu hàng quân Minh ngày xưa…
Một nhà văn sống trong nước, Lê Phú Khải, đã viết sau khi đọc Ma Chiến Hữu:
“Một người hốt hoảng chạy đến nhà tôi, anh ta chìa cuốn sách và nói trong giận dữ: Chúng nó ca ngợi những tên xâm lược đã giết hại đồng bào mình! Anh hãy đọc đi, hết chỗ nói rồi!
Tôi cầm cuốn sách. Nó có tên là “Ma Chiến Hưũ” của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn, được Trần Trung Hỷ dịch, Nguyễn Cừ chịu trách nhiệm xuất bản, Triệu Xuân và Mạc Nguyên biên tập, được nhà xuất bản Văn Học liên kết với công ty văn hóa Phương Nam xuất bản…Bìa trước có vẽ hình ba người lính Trung Quốc bìa sau còn có hình nhiều tên xâm lược Trung Quốc… Dưới cùng còn có lời giới thiệu của những người làm sách: một cách nghĩ khác về chiến tranh; một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng…
Tôi đọc được hơn 50 trang đã thấy đất dưới chân mình như đang sụt lún… Và tôi đã thức trắng đêm để “nghiên cứu” cuốn sách khốn nạn vô sỉ này.
Bằng một thủ pháp nghệ thuật chẳng có gì mới, là sử dụng yếu tố hư ảo, người chết nói chuyện với người sống (thế kỷ 15.16 các nhà văn phương Tây như Sếch-pia đã xử dụng thủ pháp này), nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc miêu tả một người lính Trung Quốc có tên là Tiền Anh Hào, người đã hy sinh vào tháng Hai năm một ngàn chín trăm bảy chín trong một trận phản kích (trích nguyên văn trang 13). Trước khi Tiền Anh Hào ược điều ra trận “vì ở phía Nam đang đánh nhau” (trang 17) anh ta là một tên lính toàn diện, xạ kích, ném lựu đạn, đánh cận chiến, gài bộc phá hay đào hầm… thứ gì tên này cũng hay. Trước khi lên đường xuống phía Nam anh ta được cấp trên chúc rượu “chúc đồng chí lập nhiều công, giết nhiều địch để làm rạng rỡ quân đội anh hùng (trang 17). Khi nằm dưới mồ rồi, nghe tin của Bộ Ngoại Giao (TQ) nói hai nước TQ và Việt Nam đã bắt đầu bình thường hóa… tên lính này than: “Tôi càng nghĩ càng cảm thấy mình chết thật oan uổng!(trang 56) Và anh ta được giải thích rằng: “trên thế giới này không hề có một tình bạn vĩnh viễn, cũng không có một kẻ thù vĩnh viễn. Mâu thuẫn tích lũy đến một mức độ nào đó tất sẽ đánh nhau, đánh nhau thì tất có dừng. Không đánh nhau ắt không có ngày hòa bình hôm nay…” (trang 57).
Cuộc chiến vượt biên giới, vào sâu đất liền giết hại đồng bào ta đập phá nước ta năm 1979 của những tên xâm lược TQ được giải thích là một cuộc “đánh nhau”! Nghĩa là không có kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược. “Ðịch” ở đây nghĩa là Việt Nam, giết Việt Nam tức là giết “địch” Thứ lý luận lưu manh truyền kiếp và tàn độc đó lại được “anh em ta” ở nhà xuất bản Văn Học dịch ra in thành sách để cho đồng bào mình đọc (!!!) Thật không còn gì bỉ ổi hơn khi những tư tưởng đó được giới thiệu ở bìa sách là “một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng”…
Riêng tôi, có một nỗi buồn và lo. Có thể nào đất nước tôi bị thôn tính? Có thể nào, hào khí dựng nước và giữ nước của tiền nhân ta cú bị bọn tay sai bán nước làm cho tàn tạ? Ngàn năm bị đô hộ chúng ta vẫn giữ được nước và dân tộc chúng ta vẫn còn hiện hữu, thì bây giờ chắc sẽ có một cuộc cơ trời đổi thay để có những bậc anh hùng gìn giữ non sông! Tôi tin tưởng như thế. Và sá gì bọn sâu bọ bán nước, rồi cũng có một ngày phải bị tiêu diệt và ngày ấy chắc sẽ rất gần, không xa…
Nguyễn Mạnh Trinh

Comments

Popular posts from this blog