Chân Dung Một Đại Tá Tỉnh Trưởng

Lời tác giả Nhân vật trong bài và các sự việc được mô tả tuy có dựa vào những việc mà nhiều người cũng hay biết trong những ngày tháng cũ trước năm 1975 nhưng dù sao đây vẫn là sản phẩm của hư cấu. Tác giả khi viết truyện này chỉ muốn nhắc lại một nỗi buồn (và cả nhức nhối nữa) khó quên của quá khứ, mặc dù đã bị lớp bụi thời gian bao phủ, thế thôi, chứ không phải để bêu riếu, bôi bẩn. Vậy xin nói cho rõ.
Thanh Thuong Hoang
Xin thưa ngay với quý độc giả, quan cựu đại tá tỉnh trưởng này không thuộc thành phần tỵ nạn cộng sản như chúng ta. Quan rời khỏi nước trước năm 1975 để đi nhận nhiệm vụ mới ở nước ngoài. Sau khi nước mất, quan mất luôn chức vụ và địa vị trở thành người lưu vong, chứ không phải dân tỵ nạn. Vì thế quan cũng không thuộc thành phần "quân đào ngũ" bỏ chạy trước khi cộng sản vào Saigon. Quan cũng không phải mắc tội làm "chỉnh lý" hay tranh chấp quyền hành thua bị phe thắng đầy đi ngoại quốc sống đời lưu vong như các ông tướng Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Có vv...Vào khoảng giữa thập niên 60 (thế kỳ 20) tướng Nguyễn Khánh làm "chỉnh lý" giành chính quyền của nhóm tướng Dương Văn Minh rồi sau đó lại bị nhóm tướng trẻ "chỉnh lý" lại. Để khỏi mất mặt người bị hạ bệ, lại là đàn anh lão làng, "người ta" bèn phong cho tướng Nguyễn Khánh chức đại sứ lưu động - một chức chẳng có tí quyền tí lợi gì, có lẽ nên dùng chữ "tước" đúng hơn, và phải rời khỏi nước ngay! Do đó trong dân gian thời bấy giờ mới có câu tục ngữ diễu: "Được làm vua thua làm đại sứ". Nhưng không phải đến thời tướng Nguyễn Khánh mới có trò này, thời đệ nhất cộng hòa cũng đã có. Tuy nhiên có hơi khác một chút là các vị mất chức không phải vì muốn chỉnh lý hay đảo chánh để "làm vua" mà vì bị "vua" nghi ngờ hoặc làm không đúng ý "ngài cố vấn" hoặc bị các quần thần trong "triều" dèm pha. Luật sư TCT bị nghi ngờ có âm mưu gì đó nên mất chức Bộ trưởng Thông tin và "được" bổ nhiệm làm đại sứ, bác sỹ TKT sếp sòng mật vụ bị thất sủng cũng bị đẩy đi làm đại sứ vv…Về trường hợp của quan cựu đại tá tỉnh trưởng, theo sự bàn tán của dư luận, một là do "đức vua" không chịu nổi sự quậy cọ của quan, coi "trời bằng vung" hoặc vì quan không được lên cấp tướng - mà chỗ ngồi sau này của quan phải là do cấp tướng đảm trách - nên sinh bất mãn phát ngôn bừa bãi tới tai ngài Tổng thống? Tôi nghe nói các tướng cấp trên của quan (có lẽ tưởng đón được trước ý Tổng thống để nịnh khéo lấy điểm?) đã "kiến nghị" Tổng thống thăng cấp tướng cho quan. Nhưng có lẽ Tổng thống ngại mang tiếng sao đó nên mặc dầu hồ sơ đề nghị thăng tướng đặt trên bàn giấy của ngài từ lâu, ngài vẫn không chịu ký. Chắc vì vậy quan đại tá của chúng ta sinh bất mãn (mấy ông sĩ quan dưới quyền quan nói quan đã gắn sẵn ngôi sao ở tấm bảng đỏ sau xe dép rồi nhưng vẫn còn che kín) nên sau đó bị Tổng thống "đẩy" đi làm tùy viên quân sự tòa đại sứ Việt Nam tại nước ngoài. Thế là quan đại tá một thời oanh liệt nổi tiếng "hổ xám" của một vùng thuộc đồng bằng giầu có và Việt cộng nghe tiếng sợ kinh hồn bạt vía, phải từ bỏ tất cả quyền lực địa vị danh vọng và binh nghiệp đang lên, rời quê hương đi làm một viên chức không mấy quan trọng ở nước ngoài và chịu dưới quyền nhiều quan dân sự. Như vậy rõ ràng quan đại tá thuộc thành phần lưu vong như một số các tướng lãnh trước đây, (tuy không phải "đi đầy" như họ) chứ không phải dân tỵ nạn cộng sản như chúng ta sau này.

Lần đầu tiên tôi gặp ông là trên đất nước Hoa Kỳ. Khi xưa ở Việt Nam tôi chỉ nghe tiếng ông thôi, nghe qua những lời đồn đại, những bài báo "điều tra phóng sự" thì thấy xấu nhiều hơn tốt. Sở dĩ ông được dư luận thời bấy giờ đặc biệt chú ý hơn các quan nhà binh tỉnh trưởng khác vì trước hết, theo dư luận, ông là người có nhiều thần thế trong Dinh. Tiếp tới ông nổi tiếng ăn chơi và khét tiếng "chơi bạo" trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp, bất chấp dư luận. Tôi không nghĩ như vậy.Theo tôi biết, những trò ăn chơi của ông đã có từ lúc còn là sĩ quan cấp úy (chưa có ô dù nào) ông cũng đã sống bất cần đời, rất lãng mạn phóng túng nhưng đánh giặc lại rất "chì". Ông là một trong số những sĩ quan cấp nhỏ (vào thập niên 50) là người có học, chứ không thuộc loại "lính tẩy" (tức đi lính cho quân đội Pháp). Ông cho biết ông học luật ở đại học Luật Saigon (không biết đã lấy hết chứng chỉ chưa?). Vì là sĩ quan dù nên ông đụng trận liên miên, nhiều lần vào sinh ra tử tưởng đã bỏ thây nơi chiến trường. Cấp bậc sau chót của ông là tư lệnh một biệt khu. Ông nổi tiếng như cồn trong thởi điểm này. Nổi tiếng về đánh giặc cũng như nổi tiếng "chịu chơi". Vào năm 1974 ông bị "đẩy" đi ngoại quốc làm tùy viên quân sự tòa đại sứ VNCH cho tới ngày 30 tháng tư 1975. Đất nước mất ông cũng mất luôn chức tùy viên quân sự và ông sang Paris (Pháp) sống một thời gian rồi sau đó sang Hoa Kỳ định cư.

Trước mặt tôi là một ông già người tương đối nhỏ nhắn, tóc đã bạc nhiều nhưng vóc dáng điệu bộ trông còn khỏe mạnh rắn rỏi nhanh nhẹn. Nhất là tiếng nói của ông, nếu không nhìn mặt, chẳng ai nghĩ đó là tiếng nói của một người ngoài 70 tuổi, âm lực còn khá mạnh. Ông hình như thích nói nhiều về chuyện "ngày xưa". Những người lớn tuổi thường sống với dĩ vãng, nhất là thời oanh liệt của mình. Sau nhiều lần chuyện trò qua những bữa ăn trưa đơn giản với một hai người bạn già có chức có quyền chế độ cũ, chúng tôi trở nên thân mật và mặc sức nói năng thoải mái chuyện đời xưa đời nay, chuyện cá nhân, chuyện gia đình, chuyện quốc sự, chuyện "triều đình" cũ, chuyện quan quyền tham nhũng hối lộ chạy chức chạy lon. Không còn cần giữ gìn ý tứ hay đắn đo phòng ngừa gì nữa. Ông cho biết đã tới tuổi hưu từ lâu nhưng vẫn còn đi làm việc và không hưởng "eo phe". Tôi hỏi ông "mần" nghề gì, vì thường các vị nhà binh chuyên nghiệp sang đây đa số già thì hưởng tiền trợ cấp nhà nước Mỹ, còn làng nhàng cỡ tuổi già chưa tới trẻ đã qua, thì phải kiếm sống bằng những nghề lao động tay chân khá vất vả, vì suốt đời ngoài "nghề" cầm súng đâu còn biết mần nghề gì khác. Ông đáp: "Mỏa làm thông dịch cho tòa án".Tôi ngỏ ý muốn viết về ông với những ngày tháng xa xưa trong cuộc đời binh nghiệp, khi ông còn "hét ra lửa mửa ra khói", nhất là trong thời gian làm quan đầu tỉnh. Ông mau mắn trả lời liền: "Sẵn sàng!". "Liệu ông có dám nói thật, nói hết?". Ông trừng mắt nhìn tôi: "Mỏa đâu có ngán". Tôi còn bỡ ngỡ trước câu nói này, ông tiếp, dọng rất thành thực: " Vì tôi tự thấy mình công ít tội nhiều đối với đất nước, dân tộc". Tôi nghĩ trong một phút bốc đồng ông nói vậy thôi chứ còn nhiều quan tham nhũng gấp trăm lần ông cả nước đều biết. Nhân vui câu chuyện về tham nhũng, ông cho hay có mấy anh nhà báo Saigon thời đó, lúc ông còn làm tỉnh trưởng một tỉnh giầu có, muốn "bắt địa" ông nên đến tòa tỉnh xin gặp ông để nói gần nói xa, nói bóng nói gió là có đơn tố cáo (ông) tham nhũng gửi tới tòa báo, nay họ xuống điều tra. Ông nói ngay: "Các anh khỏi mất công điều tra. Tôi nói thẳng cho các anh biết những vụ lem nhem tiền bạc, mà các anh gọi là tham nhũng hối lộ, từ vài ba trăm ngàn trở xuống tôi không thèm lý tới. Những khoản đó dành cho các cấp dưới như giám đốc, trưởng ty. Tỉnh trưởng phải "ăn" từ bạc triệu". Trước câu nói này tôi còn đang phân vân thì ông tiếp: "Vì đó là tiền của bọn gian thương, của bọn đầu cơ tích trữ hút máu mủ dân chúng. Không "ăn" cũng phí đi! Còn trừng trị ấy à? Bọn chúng thuộc loại ba đầu sáu tay mười hai con mắt. Chặt đầu này mọc đầu khác. Chận cửa này chui cửa khác còn lớn hơn". "Phản ứng mấy trự nhà báo lúc đó ra sao?". Tôi hỏi. "Bị tôi chặn họng như vậy rồi thì chỉ còn nước nhìn nhau và ngồi "đực" mặt ra. Thương tình họ mất công lặn lội từ Saigon xuống, tôi cho nhân viên tiếp đãi đàng hoàng ăn ngủ tử tế. Rồi hôm sau còn phát cho mỗi trự một cái phong bì để vui vẻ ra về đừng mang lòng thù hận. Thế mà sau này vẫn có mấy "thằng nhà báo" viết phóng sự điều tra nhiều kỳ "đánh" tôi tơi bời hoa lá. Hà hà…". "Thế ông có cho người "đi đêm" điều đình?". "Còn khuya. Họ đánh đấm tôi khác gì đập bị bông. Chẳng rụng mảy may một…sợi lông chân". "Tại ông có ô dù bự?". Ngài đại tá cười lớn: "Không, chẳng ô dù nào che cho tôi cả. Mà chính các ông, xin lỗi nhé, chính các ông nhà báo các ông che cho tôi đấy!". " Ông thuê báo khác viết bài thanh minh thanh nga cải chính hoặc "quạt" lại báo kia?". "Không phải! Nói ông đừng buồn, đến những quan thanh tra trung ương tôi còn coi như "pha" thì với các cha nhà báo có nghĩa gì với tôi". Thú thực tôi không hiểu ý của quan cựu tỉnh trưởng. Uống một hơi dài nửa ly bia Heineken (quan chỉ thích uống loại bia này) quan giải thích: "Lúc đó phong trào chống tham nhũng lên cao, để câu độc giả, các báo thi nhau viết điều tra phóng sự về tham nhũng từ quan lớn tới quan bé, từ trung ương tới xã quận. Phải công tâm nhìn nhận cũng có một số báo đứng đắn vì muốn xây dựng chế độ tốt đẹp nên đã đánh bọn gian thương tham nhũng những đòn đích đáng. Nhưng đánh là một chuyện, gian thương tham nhũng có chết không lại là chuyện khác. Còn đa số các báo vì báo ế, vì sốt ruột muốn có nhiều tiền làm giầu ngay nên giở đủ trò mánh khóe. Nào đăng tin bịa đặt giật gân như chuyện con ma vú dài khám Chí Hòa, nào chuyện khỉ Cà Mâu đẻ ra người vân vân. Viết bậy mãi sinh nhàm ế khách họ bèn lợi dụng việc chính quyền phát động phong trào đánh gian thương tham nhũng bằng cách viết hàng loạt bài "điều tra phóng sự" tố giác gian thương cấu kết với tham nhũng lũng đoạn thị trường. Họ tính một mũi tên bắn được hai con chim: một là "bắt địa" các quan viên chức nhà nước hoặc các đại gia tư sản gian thương ba tầu yếu bóng vía. Nếu không xong thì thêm mắm thêm muối viết thật đao to búa lớn giật gân để câu độc giả, đồng thời lại được tiếng chống đối chính quyền. Phải nói thật với ông, chắc ông cũng thừa biết rồi, báo chí các ông cũng góp phần không nhỏ vào việc mất nước sau này đấy. Cứ múa bút đập chính quyền tơi bời không cần nghĩ tới hậu quả tác hại. Dân chúng tất nhiên rất thích đọc những bài "chơi" Nhà Nước kiểu này lắm! Hiếu kỳ cũng có mà không ưa các quan tham cũng có, đó là tâm lý chung. Báo sẽ bán chạy như tôm tươi. Các quan thanh tra nhà nước căn cứ vào những bài báo này đã mất bao công lao, thời gian điều tra nhưng vô ích. Dù nếu có xẩy ra đúng như tờ báo phanh phui nhưng bọn tham nhũng, bọn gian thương giỏi chùi mép giỏi luồn lách lắm, khó mà tóm được bằng chứng cụ thể. Do đó đã có rất nhiều chủ báo bị phản công, tức bị các khổ chủ kiện ra tòa. Chính vì cái sự tố cáo tham nhũng lung tung phèng thật hư lẫn lộn như vậy riết rồi sinh nhảm, tự họ làm mất uy tín của họ, khiến các quan tham nhờ đó thoát nạn và nhiều người còn kiện ngược lại các trự chủ báo hại để lấy một đồng danh dự! Nhưng rồi cũng chẳng đi tới đâu, kiểu con kiến kiện củ khoai ấy mà". Ngưng chút, quan cựu tỉnh trưởng hỏi lại tôi: "Ông nghĩ xem tôi nói có đúng không?". Ngẫm nghĩ dăm ba phút quan cười cười nói tiếp: "Cái tiếng tăm tham nhũng của tôi chẳng những vang danh trong nước, nhờ bọn nhà báo các ông lăng xê, mà bọn nhà báo Mỹ cũng nhào vô ăn có" "Nghĩa là…" "Nghĩa là một tờ báo thuộc hàng lớn nhất của nước Mỹ, tờ New York Times, tìm gặp tôi phỏng vấn rồi viết một bài khá dài về tôi". "Về tham nhũng?" "Về nhiều vấn đề, trong đó có tham nhũng, nhưng cái chính là bọn họ muốn khai thác việc họ cho là tổ chức gian lận bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ hai. Tôi nói toạc móng heo: tông tông Thiệu muốn đắc cử với số phiếu 98, 99 phần trăm, tôi mần một trăm phần trăm luôn. Khi gặp tôi, tông tông Thiệu đã nói đùa: "Nhất anh đấy. Tên tuổi được đưa lên tờ báo lớn nhất nước Mỹ này đâu phải chuyện dễ!". Một hôm, sau khi dùng bữa trưa xong, tôi ngỏ ý muốn biết chuyện ngày đầu tiên quan đại tá nhậm chức tỉnh trưởng, quan vui vẻ sốt sắng kể ngay. Mặt quan hơi ửng đỏ vì men bia bốc. Câu chuyện như sau.
Thanh Thuong Hoang
Ngày đầu tiên tới nhậm chức tỉnh trưởng, quan đại tá ra lệnh tập họp tất cả nhân viên quân sự, công chức lớn nhỏ trong tòa tỉnh và các ty lại để "ban huấn từ". Hội trường rộng chứa gần 200 người gồm đủ cả đàn ông, đàn bà, thanh niên nam nữ và những người lớn tuổi sắp về hưu. Khi quan đại tá bước vào hội trường mọi người đứng lên vỗ tay liên hồi chào mừng (nịnh) vị tân tỉnh trưởng. Quan dáng người doi doi tầm thước, mặc bộ đồ dù mầu xanh mới tinh, bước đi nhanh nhẹn mạnh mẽ. Tuổi khoảng dưới 40. Bước tới cái bục có đặt sẵn mi crô nơi góc sân khấu, quan ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Sau khi cất tiếng chào mọi người, không có diễn văn, không có " ban huấn từ" như mọi người nghĩ, quan bất ngờ cất tiếng hỏi một cách thản nhiên: "Tôi hỏi mấy anh ở đây ai là người biết đánh bài, nhẩy đầm, uống rượu, hút thuốc lá, ăn nhậu, và cả... các thứ khác? Nào, ai là đệ tử của những trò này thì giơ tay lên nào!". Câu hỏi thật đột ngột bất ngờ. Mọi người bị sốc choáng váng và cả lo ngại nữa, im lặng đưa mắt nhìn nhau như thầm hỏi không biết lão tân tỉnh trưởng này định giở trò gì đây mà lại hỏi một câu oái oăm vừa "chướng" vừa "khăm" như vậy. Quan tân tỉnh trưởng lặng lẽ đưa mắt nhìn mọi người đến ba bốn phút như xem xét phản ứng mới nói: "Sao? Tất cả bằng này người đều sống lành mạnh không một ai dính dấp tí gì về những trò tôi vừa hỏi à?". Mọi người vẫn im lặng nặng nề. Quan tân tỉnh trưởng nhăn mặt: " Ồ, nếu vậy thì tôi phải thuyên chuyển các anh đi hết thôi! Sống chỉ biết cơm nhà quà vợ, ngày hai buổi cắp cặp tới sở mần việc như một cái máy, một thứ thư lại thời Pháp thuộc thì sống để làm gì! Hả, hả! Tôi hỏi các ông bà, chúng ta làm việc để làm gì? Có phải chúng ta làm việc phục vụ guồng máy nhà nước còn là để có tiền nuôi mình, nuôi vợ con mình và nếu dư chút đỉnh thì để…vui chơi giải trí? Có phải thế không nào? Thời buổi chiến tranh nay sống mai chết, vậy thì sau những mệt nhọc vất vả, cả nguy hiểm tới sinh mạng nữa, vì thần chiến tranh rình rập chúng ta từng giờ để cướp đi mạng sống, thì chúng ta phải có quyền hưởng thụ. Các bạn thấy bọn lính Mỹ ra trận rồi chứ? Đóng quân giữa chốn rừng sâu mà Nhà Nước của họ phải chở máy bay cả nước tới để họ tắm rửa. Thức ăn đồ uống phải nóng hổi ngon lành, từng ngày cho trực thăng mang lại. Đêm Noel mà không có gà tây rô ti từ trực thăng thả xuống, cho dù chung quanh họ đầy vi ci, là sinh loạn liền. Bên phe tự do chúng ta khác với bọn cộng sản ở chỗ này đấy. Có làm thì có hưởng, và bất cứ lúc nào có cơ hội thì cứ hưởng. Còn cộng sản ngược hẳn lại bắt công nhân viên, binh lính và cả nhân dân nữa khốn khổ trăm bề, đến nỗi miếng cơm cũng không có mà ăn, chỉ có hy sinh, hy sinh đến chết bỏ. Các anh đã nhiều lần có dịp nhìn thấy sác chết bọn cán binh cộng sản, trên thân xác bọn họ trần sì một cái quần sà lỏn với cái áo rách tả tơi vá chằng vá chịt. Còn bọn sếp sòng của họ, dù sống ở Hà nội hay giữa rừng sâu, họ hưởng thụ phè phỡn thừa mứa còn hơn vua chúa thời phong kiến nhiều, rất nhiều". Mọi người càng bối rối và giữ im lặng, vì im lặng là phương cách tốt nhất trong cuộc đời công chức của họ. Quan đại tá tân tỉnh trưởng sau khi đưa mắt nhìn khắp hội trường, thấy những bộ mặt lo âu và có nhiều bộ mặt "thộn" hẳn ra, tủm tỉm cười nói tiếp:"Sống là phải biết hưởng thụ, làm việc là để có tiền hưởng thụ. Nếu không suốt ngày cặm cụi làm việc để làm gì? Lỡ ngày mai lăn đùng ra chết vì địch pháo kích hay phục kích bắn sẻ thì sao! Vậy thì chỉ những kẻ giá áo túi cơm, vô tài bất tướng, những anh cù lần mới...". Quan đại tá tân tỉnh trưởng vừa nói tới đây cả hội trường vui vẻ cười ồ lên thích thú. Họ chẳng bao giờ ngờ lại có một vị tỉnh trưởng chịu chơi như vậy. Xưa nay các tân tỉnh trưởng mới tới nhậm chức đa số cố làm bộ "mặt sắt đen sì", lầm lì ra oai phách lối. Và tiếp đó là một sự thay tay chân bộ hạ thân tín vào các chức vụ quan trọng hay thuyên chuyển người cũ đi nơi khác, nếu không thì giáng chức. Nhưng với quan tân tỉnh trưởng này thì: "Các anh yên tâm, ai ngồi đâu vẫn cứ ngồi yên ở đó nhưng tôi nói trước các anh chỉ được làm những việc áp phe áp phẩy thuộc phạm vi chức vụ quyền hạn của mình mà thôi nghe. Anh nào đi quá là a lê hấp, hoặc bị trả về Nha Công Vụ hoặc là xuống quận ven rừng đồng lầy làm việc hoặc tệ nữa thì đi tù ăn cơm mắm thối". Mọi người nghe quan đại tá tân tỉnh trưởng nói bóng gió một cách tế nhị như vậy họ hiểu và cảm thấy nhẹ hẳn người. Chưa hết, quan nói tiếp: " Riêng với các bà, các cô tôi phải cảnh báo trước: tuyệt đối không được có những hành động, những cử chỉ lăng nhăng lít nhít, những lời nói cớt nhã - nhất là đối với cấp trên. Lúc nào cũng phải ăn nói nhẹ nhàng nhã nhặn nhưng lịch sự nghiêm túc. Tôi mà nghe có những chuyện bê bối nọ kia trong công sở là tôi cho về quê nghỉ mát liền. Làm đĩ chín phương phải để một phương lấy chồng là ở đây".
Tất cả hội trường vỗ tay rầm rầm tán thưởng những lời nói bộc trực của quan đại tá tân tỉnh trưởng. Kể xong câu chuyện ông quay hỏi tôi: "Toa thấy mỏa chinh phục lòng nhân viên thuộc cấp như vậy có được không?". Tôi chưa kịp có "ý kiến" thì quan đã nói: "Được quá đi chứ. Sau đó "quân ta" nhất trí một lòng phục vụ ngài tỉnh trưởng hết mình. Mà phục vụ cho tỉnh trưởng tức là phục vụ cho Nhà Nước. Mỏa không cấm "ăn" nhưng phải làm được việc và phải "ăn" đúng nơi đúng chốn". Tôi hỏi: "Và ông để cho họ tự do mần…áp phe, tham nhũng, hối lộ?" " Thì như mỏa đã nói ở trên, với đồng lương công chức chết đói thời bấy giờ không đủ cả tiền cho con cái về Saigon ăn học trong lúc vật giá ngày một leo thang vùn vụt đồng tiền lại mất giá, nếu không cho họ "ăn" thì làm sao họ sống nổi để mần việc. Trò đời đói ăn vụng túng làm càn. Nếu cấm họ " ăn" thì họ cũng tìm đủ cách để "ăn". Thà rằng phớt lờ để cho bọn họ " ăn", miễn đừng quá lộ liễu trắng trợn, bị gài bẫy thì ráng mà chịu. Cụ Trần Văn Hương khi làm thủ tướng đã chẳng than một cách thê thảm là nếu triệt hết tham mhũng thì lấy ai mần việc. Nhưng mỏa đã cảnh giác từ đầu và cũng như đã kể với mấy trự nhà báo đến " bắt địa" là các anh (viên chức) chỉ được phe phẩy trong phạm vi chức vụ quyền hạn của mình mà thôi. Anh nào tham "ăn" quá và lộ tẩy vì bị "gài" tóm tại chỗ là đi tù! Quan thanh tra trung ương mà vồ được với chứng cứ quả tang thì có trời cứu! Và tuyệt đối không được bóp hầu bóp cổ dân nghèo. Tôi triệt để cấm". "Nhưng cả nước biết tiếng "ăn" và "chơi" của ông, ông không sợ các quan trên "hỏi thăm sức khỏe"? Chẳng lẽ họ đều "rét" ông? " Có chứ. Hết đoàn thanh tra nhà nước rồi tới các quan Giám sát viên, các ngài dân biểu, các ngài nghị sĩ. Toàn những tay tổ…Họ xuống tận nơi để bắt tham nhũng, để bắt lính ma, lính kiểng". "Ông đối phó sao?" Quan cựu đại tá sau khi tợp một ngụm bia, cười hà hà: "Tôi nói họ toàn quyền hành động, tìm hiểu, điều tra, nhất là họ muốn tóm cho được cái khoản lính ma, lính kiểng. Vâng, các vị muốn đi đâu thì đi nhưng tôi không bảo đảm an ninh, nhất là các quận ven biên sát rừng núi, sát mật khu của địch. Thế là các ngài "rét" xin tôi cho binh lính đi bảo vệ. Tôi từ chối họ còn bận hành quân. Thế là các quan lớn thụt vòi. Lão nào tử tế ở lại tôi cho nghỉ ngơi nhà khách của tỉnh, ăn uống tiệc tùng đãi đằng đàng hoàng và khi về còn có quà cáp. Anh nào phách lối làm mặt ta đây thì tôi mặc xác tự lo liệu lấy, tức là bỏ tiền túi ra ăn uống, thuê khách sạn và hôm sau chuồn về Saigon sớm. Có anh còn bắt tôi đưa trực thăng đi các nơi thanh sát tình hình. Tôi đồng ý nhưng giao hẹn nếu Việt cộng bắn rớt trực thăng và các ngài "đai" hoặc bị thương thì ai trách nhiệm! Thế là các quan chào thua. Nhiều anh tức lắm bắn tiếng là về Saigon sẽ họp báo phanh phui. Nhưng rồi lại sợ bóng sợ viá rút giây động rừng đành im. Về sau các ngài biết là xử cứng không ăn giải gì bèn chuyển sang mềm. Như vậy thì tôi cho" ăn". Tôi hỏi: "Thế còn việc đánh giặc? Mải " ăn " nhưng chắc ngài không sao lãng nhiệm vụ Tiều khu trưởng? Quan cựu đại tá cười to: "Bây giờ ông cứ đi gặp những lính dưới quyền tôi trước đây thì rõ. Tôi nổi tiếng là "Hùm Xám Vùng Đồng Bằng" thì ông biết việc đánh giặc của tôi như thế nào rồi. Hễ cứ có đụng địch bất cứ chỗ nào là tôi phóng tới liền, trực tiếp chỉ huy trận đánh tới lúc bọn địch thua bỏ chạy. Nhiều lần ngồi trên trực thăng quan sát trận địa đạn địch bắn tua tủa lên bao phen tưởng đi đứt nhưng tôi đâu có ngán. Quân của tôi khoái cái sự chịu chơi và đánh giặc "chì" của tôi lắm. Tiện thể mỏa kể toa nghe có lần một trự dân biểu tỏ ra ta đây "yêng hùng" đòi theo mỏa bay trực thăng ra mặt trận. Suýt nữa thì ăn đạn Việt cộng từ dưới bắn lên làm lão sợ đái cả ra quần. Thế là từ đấy biệt tăm luôn, không dám bén mảng về tỉnh nữa". Nghe nhắc tới chuyện dân biểu, tôi chợt nhớ tin đồn một dân biểu về địa phương tái ứng cử bị quan đại tá tỉnh trưởng "chơi" sát ván, hỏi: "Tôi nghe có một dân biểu thuộc tỉnh ông trị nhậm bị ông cấm cửa.Vì lý do gì? Và ông hành động như vậy có vi hiến"? "À, à, anh này thuộc khối đối lập lăng nhăng, đối lập cuội. Mỏa với lủy chẳng có thù hằn cá nhân gì. Vì hắn muốn chơi nổi, chơi trội nên đóng mác đối lập để lấy tiếng, để mị dân. Vả lại hắn đánh hơi đâu đó tưởng tông tông Thiệu hết thời rồi và con bài Dương Văn Minh đang được Mỹ dựng lên, mới bầy ra trò thành phần thứ ba để đón gió. Lúc đầu gặp mỏa, mỏa có khuyên là nếu muốn đóng trò đối lập thì nên đóng một cách đứng đắn xây dựng đàng hoàng. Nhưng hắn chỉ ừ ào hứa nhăng hứa cuội mà thôi. Nơi diễn đàn Quốc hội hắn "chơi" ông Thiệu ra mặt. Thế là sau nhiệm kỳ dân biểu thứ nhất, hắn lại mò về tỉnh mỏa tái ứng cử. Mỏa nói thẳng cho hắn biết (dọa ấy mà!) anh mà láng cháng vác mặt về tỉnh, tôi cho quân bắn vỡ sọ đó. Hắn sợ, xuống nước nài nỉ nhưng mỏa không chịu". "Thế là hắn "ao" dân biểu nhiệm kỳ hai?". "Tất nhiên. Anh chàng sau 30 tháng tư 75 ở lại chạy chọt được bọn Việt cộng cho làm giám đốc một công ty gì đó ở một tỉnh lẻ. Tưởng phen này thỏa chí vẫy vùng kiếm bạc tỷ, không ngờ bị bọn Việt cộng ở rừng về ghen ăn tức ở, chơi cho một phát ra tòa tù mút chỉ. Sau may nhờ có quan thầy chạy chọt nên bị nằm ấp dăm bẩy năm được tha về làm phó thường dân. Đáng kiếp cho quân ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản". Nói xong ông nhìn đồng hồ rồi vội vã đứng lên: "Thôi đến giờ với "thứ phi" rồi, mỏa đi đây, hẹn gặp lại". Ông bảo nhà hàng đưa cho ông mấy hộp đựng thức ăn bọc trong bao ni lông mà ông đã "oọc đơ " từ lúc mới tới. Lần nào cũng vậy, ăn xong là ngài đại tá lại mua thức ăn đem cho "thứ phi". Có lẽ ngài chỉ có cơ hội gặp nàng vào buổi trưa? Một hôm ngài đại tá đến sớm và tôi cũng đến nhà hàng sớm hơn giờ hẹn. Chỉ có hai người, tôi hỏi: "Tôi hỏi thực ông nhé! Các cụ ta thường nói "đi đêm có ngày gặp ma". Ông không ngán sao?". Quan cựu đại tá xì một cái, tợp một ngụm bia mới trả lời: "Còn khuya ạ. Tôi ra lệnh mồm cho thuộc cấp thân tín. Và thuộc cấp ra lệnh cho anh quận nội thành. Anh quận ra lệnh cho anh xã ( cũng trong nội thành, chứ mấy anh xã ở các nơi xa vùng ban ngày ta ban đêm địch thì nghèo sơ xác có gì mà ăn, chẳng những thế mình lại còn phải "bơm" đủ thứ cho các anh ấy). Anh xã bèn gõ đầu mấy anh gian thương. Hà hà…như vậy là êm đẹp mọi bề! Đôi khi cũng chẳng cần phải qua "hệ thống quân giai" như vậy. Anh tỉnh lệnh thẳng cho anh xã và có khi gọi thẳng cho anh gian thương". "Ông không sợ bị gài bẫy? Vì tất cả những người dưới trướng và những kẻ liên quan đâu phải đều trung thành với ông hết.!" Ông chỉ trích tôi liền: "Ông nhà báo gì mà bết vậy. Tất cả bọn họ tôi đều đặt "niền kim cô" trên đầu rồi, tức là tôi đã nắm tẩy bọn họ trong tay rồi. Thằng nào giở chứng ngo ngoe là tôi ra tay trước trị trắng máu ngay". Dứt lời ông cười lớn nói tiếp: "Thế nào ông nhà báo hài lòng, thỏa mãn chưa?". Bất chợt ông cất tiếng nói như ngâm thơ: "Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng...gian hùng mà thôi". "Tại sao lại gian hùng?". "Thế này nhé, ông có đọc truyện Tam Quốc không? Ông biết đại danh ngài Tào Tháo chứ gì? Đó là một đại gian hùng danh vang bốn biển từ cổ chí kim. Ông có công nhận với tôi Tào Tháo là một nhân vật văn võ toàn tài, một nhà chính trị, một nhà cai trị xưa nay hiếm? Cách dùng người, trị người, trị nước của ông ta thật tuyệt. Một mình đối địch với hai tay chiến lược gia thiên tài Khổng Minh và Chu Du vẫn không hề thất thế. Ở đời này muôn sự là của chung hết. Anh nào tài giỏi thì thâu tóm thiên hạ, thâu tóm giang sơn, chất đầy kho vàng bạc châu báu và...hưởng thụ! Còn anh nào làm chánh trị mà ngu ngơ đóng vai quân tử tầu chỉ có nước bị thiên hạ chọc tiết mổ bụng chết sớm! Thời đại này đâu phải thời đại Nghiêu Thuấn tìm người hiền nhường ngôi. Mà theo tôi thời Nghiêu Thuấn chỉ là chuyện phịa, chứ còn khuya mới có chuyện nhường ngôi. Ông có coi một cuốn phim Mỹ, lâu lắm rồi, chiếu cảnh một lão vua bị phe phản truất phế đâm thủng bụng còn cố bò lết tới ngai vàng ngồi vào đâu đó rồi mới chịu chết. Ông hiểu ý tôi chứ? Hà hà!". Ngẫm nghĩ một chút ông lại hỏi tôi: "Ông nghĩ sao về lão Lưu Bị?" Tôi chưa kịp trả lời ông nói liền: "Thiên hạ từ xưa tới nay đều tụng lão là chính nhân quân tử. Thực ra lão ta là một đại gian hùng, đa nghi còn hơn cả Tào Tháo nữa! Không vậy làm sao có thể đè đầu cưỡi cổ được bọn Khổng Minh, Triệu Tử Long...". Tôi ngạc nhiên: "Ông căn cứ vào đâu mà nói vậy?". Quan cựu đại tá lại cười sằng sặc: "Lão này khiếp lắm. Thế này nhé! Ông có đọc kỹ cái đoạn lão ta hấp hối sắp "đai" cho gọi quân sư Khổng Minh tới bên giường trối trăn không? Lão ta nói con lão là thằng Lưu Thiện còn non dại ngu si chưa thể mần việc nước, ngài quân sư vì sự tồn vong của nhà Hán nên đứng ra làm vua thay lão. Lão dò xét lòng dạ Khổng Minh mà! Khổng Minh nghe Lưu Bị nói thế sợ quá vội quỳ mọp dập trán xuống đất mấy cái liền thề sống thề chết xin hết lòng phò Lưu Thiện, không có một chút lòng dạ nào khác. Lúc ấy Lưu Bị mới yên tâm nhắm mắt từ giã cõi đời. Khiếp chưa! Từ bao năm lão cứ phấp phỏng lo sợ Khổng Minh cướp ngôi, tới lúc chết mới phọt ra. Thế có phải lão này còn đa nghi gấp mười lần lão Tào Tháo không?". Rồi quan đại tá kết luận: "Làm chánh trị mà không đa nghi thì chỉ có nước đưa bụng cho thiên hạ đâm". Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nghe lời kết tội Lưu Bị là đại gian hùng. Từ trước tới giờ hễ nhắc tới Lưu Bị người ta nghĩ tới một bậc chính nhân quân tử, một bậc đại anh hùng trong thiên hạ. Có lẽ vì thế người Tầu không thờ Lưu Bị chỉ thờ Quan công!

Hôm nay là ngày Father' Day lại rơi đúng vào ngày chủ nhật, tôi ngồi nhà với cái máy computer, lòng trống rỗng không biết viết gì để khuây khỏa cho qua cái ngày buồn thảm đối với riêng cá nhân tôi này. Các con tôi đều ở xa, đồng thời những nơi đó không có Ngày Của Cha. Tôi sống một thân một mình không họ hàng thân thích nơi đất nước rộng mênh mông bao la nhiều khi thấy mình bơ vơ trơ trọi như kẻ độc hành ở một hành tinh lặng lẽ, vắng ngắt không một bóng người. Có lẽ kẻ thù ghê gớm nhất của con người là sự cô đơn cộng với cái u sầu. "Nó" giết ta rất nhanh chóng. Để khuây khỏa tôi tìm kiếm xem những ông bạn già nào cùng hoàn cảnh như tôi. Đây rồi, một ông bạn già, cựu Tổng giám đốc một cơ quan hái ra tiền ngày trước, vì chậm chân nhẩy lên máy bay di tản nên bị tù cải tạo hơn 10 năm. Tôi rủ ông đi dùng bữa trưa ở nhà hàng, ông hưởng ứng liền. Trong lúc ăn uống chúng tôi vô tình nhắc tới chuyện "ngày xưa" lúc nào không biết. Ông thề với tôi là suốt một đời làm quan từ chức nhỏ tới chức lớn, ông không hề tơ vương một đồng hối lộ, mặc dầu chỗ ông ngồi "khẽ ho một tiếng cũng ra bạc triệu". Tôi tin ông, vì "ngày xưa" những lần tình cờ gặp ông vẫn thấy ông "ngự" trên chiếc xe hơi cũ kỹ tồi tàn. Có người nói cho tôi nghe là ông Tổng trưởng bộ ông thấy ông sống thanh bạch quá, lương tháng không đủ cho gia đình chi dùng, bèn ra lệnh cho ông giám đốc tài chánh của Bộ mỗi tháng lấy quỹ đen đưa ông một số tiền. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là ông sang định cư tại Mỹ có cả gia đình đầy đủ vợ con mà lâu nay tôi cứ tưởng ông là người độc thân như tôi. Ông cười như khóc nói: "Nhưng bây giờ tôi cũng như ông thôi, nghĩa là thui thủi một thân một mình nơi căn phòng nhỏ giành cho người già nghèo". Tôi im lặng trước sự ngậm ngùi của ông bạn. Im lặng như ngẫm nghĩ lúc lâu ông mới nói tiếp: "Khi sang tới đây bà vợ tôi thấy cuộc sống khó khăn vất vả nhọc nhằn quá, bà phải đi làm (trước đây bà chỉ ở nhà ăn không ngồi rỗi, vui chơi bạn bè) những công việc nặng nhọc nơi quán ăn, trái với điều bà tưởng là thiên đường khỏi làm cũng có ăn nên trở nên oán hận tôi. Bà bảo tôi khi xưa chỉ bo bo giữ lấy cái danh tiếng trong sạch hão để vợ con phải sống thiếu thốn - thua kém vợ con người ta - bây giờ sang đây không một đồng xu dính túi. Trong khi đó những ông bà lớn chế độ cũ sang đây vẫn sống phây phây nhà cao cửa rộng, xe hơi đẹp đẽ sang trọng, con cái học hành những trường danh tiếng đỗ đạt bác sỹ kỹ sư. Ngày đêm bà cứ "tụng ca" như thế tôi không thể chịu đựng nổi những dằn vặt sỉa sói này nên đành phải thoát ly sống cuộc đời độc thân vậy. Tuy buồn bã nhưng lại tự do, không bị những phát "đại pháo" thường xuyên nhắm bắn vào mình". Tôi chợt giật mình thảng thốt nghĩ tới ngài đại tá tự kết tội mình tham nhũng nhất nước, công ít tội nhiều với dân tộc. Chẳng nhẽ sống một cuộc đời trong sạch, không tham ô nhũng lạm cũng là một cái tội - cái tội đối với vợ con và lãnh hậu quả nặng nề: gia đình coi như tan nát! Tôi nói: "Chẳng lẽ giữa chợ đời ồn ào nhũng lạm, ông lại sống theo triết lý của cụ Khuất Nguyên ngày xưa bên Tầu: đời đục cả chỉ mình ta trong?" "Không phải vậy. Ai thấy tiền mà chẳng ham, chẳng thích. Ai chẳng muốn giầu sang phú quý, nhất là vợ con được sung sướng. Nhưng có lẽ tại vì tôi sợ..." " Ông sợ? Sợ cái gì?" "Sợ họ gài bẫy và sợ nhiều thứ tôi không tiện nói ra đây. Tôi là con người nhút nhát lại không biết thủ đoạn. Hơn nữa nếp nhà thanh bạch đã trở thành truyền thống: ông nội tôi rồi tới ông thân sinh tôi khi xưa làm quan lúc về hưu cũng với hai bàn tay trắng, chỉ sống vào đồng lương hưu ít ỏi nhưng được cái mẹ tôi không hề than phiền hay trì chiết oán trách gì chồng". Ông thở dài: "Có lẽ thời đại đó không văn minh như bây giờ, ít nhu cầu nên các bà ít đòi hỏi nơi ông chồng?". "Vợ ông thì như vậy nhưng còn các con ông? Chẳng lẽ..." "Thì ngày hôm nay chúng cũng có nghĩ tới bố già nhưng viện cớ vì ở xa thêm hoàn cảnh khó khăn không thể về thăm nên gọi phôn chúc mừng coi như xong bổn phận. Có lẽ bị tiêm nhiễm nọc độc của mẹ chúng nó nên chúng nó coi tôi như đã chết từ lâu". Không ngờ câu chuyện của ông bạn càng làm tôi buồn hơn. Trước khi chia tay ông bạn vẫn với giọng điệu ngậm ngùi: "Tôi mong rằng trong Ngày Của Cha hôm nay chỉ có hai thằng già chúng mình là kẻ bất hạnh, vô gia đình và vô đủ thứ thôi!". Rồi ông sau khi bắt tay tôi, nói như than: "Đời đục cả mà ta trong cũng là cái tội đấy ông ạ".
Tôi điện thoại muốn gặp riêng quan cựu đại tá để kết thúc bài viết này. Quan bằng lòng và vẫn sẵn sàng nói hết những gì tôi muốn biết. Tôi hỏi về người nữ danh tài một thời nổi tiếng bà hoàng sân khấu. "Xin lỗi tôi hơi tò mò chuyện riêng tư. Người ta đồn ông mua cho "nàng" một biệt thự ở trung tâm thủ đô Saigon?". "Đúng!". "Khi "nàng" sang Mỹ biểu diễn tài nghệ,"chàng" và "nàng"có liên lạc với nhau, hoặc điện thoại hoặc gặp gỡ? Người ta thường nói tình cũ không rủ cũng tới mà!". Quan cựu đại tá lắc đầu: "Nàng có nhắn tin cho tôi qua một người quen. Nhưng bây giờ gặp lại nhau có ích gì. Chuyện khi xưa thuộc về dĩ vãng rồi nên xếp lại". Ông thở dài với vẻ buồn bã, nói như than: "Tất cả đều đã trở thành không từ lâu!". Ông lại gọi thêm chai bia Heineken và uống một ngụm dài như để nuốt hết dĩ vãng xuống đáy lòng. Đôi mắt ông chớp chớp. Tôi hối hận đã tò mò hỏi một điều có lẽ không nên hỏi. Liền đó quan cựu đại tá lại vui vẻ kể cho tôi nghe những chuyện lăng nhăng lít nhít của những ông bà lớn, của những quan to súng ngắn, những bí mật nơi cung đình, những trò chạy lon chạy chức. Tôi thắc mắc là đa số các vị quan to đều say mê các nữ ca sĩ tân nhạc hay đào hát cải lương nổi tiếng, từ ông Quận, ông Tỉnh, ông Vùng và các ông to hơn nữa, không hiểu vì nguyên do gì. Quan cựu đại tá không giải tỏa được thắc mắc của tôi. Ông nói: "Có lẽ vì cái danh của họ chăng! Riêng tôi thì đúng vì cái tiếng tăm của họ". "Còn về phía các nàng? Vì danh, vì chức quyền hay vì tiền của các ngài?" "Tôi có thể nói là vì tiền (không có quyền làm sao có tiền) và có thể cảm phục vì tài nữa. Không có tài làm sao vươn lên cao được trong xã hội. Chưa bao giờ tôi mời một cô nàng xuống Tỉnh tôi ca hát, khiêu vũ và các thứ lỉnh kỉnh khác mà bị từ chối cả! Có một mợ ca sĩ nổi danh tài sắc và cũng rất kênh kiệu, một quan lớn trong triều - bạn thân của tôi - "mết" nhưng không có cơ hội chinh phục nàng. Ông tâm sự với tôi. Nổi máu "anh hùng" tôi bèn ra tay "nghĩa hiệp" giúp dùm. Tôi cho quân đi mời. Nàng từ chối. Tôi liền tung "chưởng" tiền ra. Một đêm ca hát giỏi lắm em được lão bầu chi cho vài ba chục ngàn (tiền thời đó) là hậu hĩnh lắm rồi. Tôi chi cho một trăm, hai trăm ngàn thì hỏi ông cô nàng chạy đâu cho thoát! Nghe quan cựu đại tá nói vậy tôi chợt nhớ tới những ngày tháng bị cộng sản nhốt chung với đám tư sản Tầu Chợ Lớn trong trại giam Phan Đăng Lưu (bên chợ Bà Chiểu, Gia Định). Họ cũng kể cho tôi nghe chuyện bỏ bạc vạn ra "mua" những nàng ca sĩ trẻ đẹp nổi tiếng trong một đêm. Thì ra câu "có tiền mua tiên cũng được" là đúng thật! Có lẽ không muốn nhắc tới chuyện "người xưa", quan cựu đại tá lái sang câu chuyện khác. Chuyện ông mất chức tùy viên quân sự sau ngày 30 tháng tư năm 1975. Ông rời nước Đức cùng gia đình sang thủ đô Paris của nước Pháp sống. Thời gian này vì còn của ăn của để nên cuộc sống của ông chưa đến nỗi nào. "Và những người bạn trong giới chức quyền Pháp - dân sự cũng như quân sự - vẫn rất quý trọng tôi, một điều "mon Colonel" hai điều "mon Colonel".
Bên Pháp đời sống rất mắc mỏ chịu không nổi, quan cựu đại tá phải "di tản" gia đình sang Mỹ. Lúc đó nước Mỹ đã có nhiều người Việt sinh sống lập nghiệp. Qua nhiều công ăn việc làm ở một hai tiểu bang đều thất bại quan chuyển gia đình về Bang Cali, nơi có nhiều người Việt sinh sống nhất. Và quan đã kiếm được cái job hợp với khả năng của mình lại tương đối nhàn nhã là làm thông dịch viên cho Tòa án như chúng ta đã biết. Tuy tiền bạc không dư dả nhưng cũng đủ cho hai vợ chồng già và "thỉnh thoảng vi vút với thứ phi". Quan cười cười nói như vậy. Cuộc sống của quan cựu đại tá tỉnh trưởng, cựu tư lệnh một biệt khu, một thời oanh liệt ho ra bạc khạc ra tiền, hét ra lửa mửa ra khói, thiên hạ đều sợ uy, giờ đây sống một cuộc đời bình thường âm thầm lặng lẽ. Ông không tham gia những sinh hoạt cộng đồng. Ông không lý gì tới những hoạt động chính trị của các đoàn thể, của các hiệp hội. Ông chỉ muốn sống trong yên ổn. Ông tỏ ra bi quan với thời cuộc, với thời thế. Ông thường nói: "Còn gì nữa mà chờ với đợi. Hơn nữa thời này đâu còn là của mình. Và cũng làm sao lấy lại được những ngày tháng cũ? Lực bất tòng tâm rồi. Quậy mãi cũng vô ích thôi. Thà rằng cứ an phận với kiếp lưu vong, sống thêm ngày nào tốt ngày ấy trước khi về chầu ông bà tiên tổ". Thực ra trong kiếp sống lưu vong nơi xứ người trong những ngày tháng cuối đời, quan cựu đại tá tỉnh trưởng còn may mắn hơn nhiều các quan "đồng liêu" của ông. Tôi nghe dư luận đồn là có một ông tướng nổi tiếng tham nhũng giầu có, khi chạy ra nước ngoài phải đi làm công việc rửa chén bát cho một nhà hàng ăn đến nỗi hai bàn tay bị "nước ăn" lở loét. Người thì bảo ngài bị Mỹ lột hết tiền bạc gửi ở ngân hàng Thụy Sỹ, kẻ thì nói ngài bị đàn em tay chân thủ hạ thân tín cuỗm hết vàng bạc châu báu khi mới đặt chân xuống vùng đất tỵ nạn. Còn một ông tướng khác, không biết vợ con nơi nào sống một thân một mình, phải đi làm "gác gian" cho một tiệm khiêu vũ để mưu sinh. Khi bị bệnh chết trong một căn appartment, thân thể sình thối cả nửa tháng trời người ta mới phát giác. Lại có dư luận là khi còn tại chức các quan có kiếm chác được ít nhiều bổng lộc đều đem đầu tư vào nhà cửa đất đai đồn điền hoặc góp cổ phần trong các công ty ngân hàng, khi tan hàng mất hết. Bây giờ xin trở lại câu chuyện quan cựu đại tá lưu vong. Trước khi chia tay tôi nhắc lại: "Ông có nghĩ rằng việc tham nhũng hối lộ trước đây cũng đã góp một phần vào việc làm sụp đổ chế độ đi đến chỗ mất nước không?" Quan cựu đại tá trừng mắt nhìn tôi mấy phút mới nói: "Tôi tưởng những người làm báo đọc nhiều hiểu rộng như ông thì phải biết là từ ngày loài người biết tập trung thành bầy đàn là đã phát sinh trò tham nhũng hối lộ rồi. Nếu không nhân loại trải mấy ngàn năm chém giết nhau để làm gì, có phải là để tranh giành quyền lực không? Mà có quyền lực để làm gì nếu không là đè đàu cưỡi cổ thiên hạ tham nhũng hối lộ hưởng thụ. Còn cái màn nhân danh tổ quốc và phục vụ dân tộc xưa rồi, đời này còn có mấy ai! Nếu không có trò quyền lực hưởng thụ thì ở thời đại chúng ta có lẽ chẳng một ai chịu dấn thân hy sinh đấu tranh cho quốc dân đồng bào, như thiên hạ thường rêu rao, khoác lác. Bài học hiện tại còn sờ sờ ra đó. Các nước văn minh nhất thế giới như Anh Pháp Mỹ ai dám bảo không có trò tham nhũng hối lộ? Ngày nào báo chí chẳng phanh phui, tố giác! Ngay như nước Nhật thuộc loại tôn trọng liêm sỉ chính trực vào bậc nhất thế giới mà cũng hối lộ tham nhũng như điên, hết giở trò trong nước lại ra nước ngoài. Thế mà họ có bị mất nước đâu! Các nước bạn trong cùng hoàn cảnh như chúng ta như Đại Hàn, Đài Loan thường xuyên bị cộng sản dọa dẫm đánh chiếm cũng tham nhũng thuộc loại đệ nhất hạng tới giờ nước họ vẫn mạnh, dân họ vẫn giầu. Riêng ông bạn Đài Loan còn bị người bạn đồng minh khổng lồ chí thiết phản bội trắng trợn tàn nhẫn mà tới giờ họ cũng có chết đâu! Chúng ta mất nước ngoài phần bị người bạn đồng minh vĩ đại của chúng ta phản bội, một phần (có lẽ?) vì chúng ta có "truyền thống" chia rẽ với "đức tính" quý báu ăn không được thì đạp đổ. "Truyền thống" chia rẽ nếu tôi không nói quá thì có từ thời mới lập quốc. Cụ ông Lạc Long Quân và cụ bà Âu Cơ mới đẻ xong trăm con đã vội vã chia tay chia con, nửa kéo lên núi nửa đi xuống biển. Từ đó anh em cùng mẹ cùng cha cứ đấm đá nhau liên miên để giành giật quyền hành. Vì có quyền hành mới có lợi lộc. Nói đâu xa, ngay như đầu năm 1975, kẻ thù của chúng ta đã đặt một chân vào cổng Dinh Độc Lập rồi mà các ngài mệnh danh là đảng phái, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, chính khách (tự nhận yêu nước) còn thi nhau tìm đủ mọi cách lật đổ tổng thống để giành giật địa vị, thay vì hợp sức một lòng chống kẻ thù chung. Vậy thì mất nước nguyên do chính, ngoài bọn Mỹ, là vì phe ta tranh ăn tranh ghế đấm đá chia rẽ nhau, kể cả cõng rắn cắn gà nhà. Cổ nhân đã nói: "tiên trách kỷ hậu trách nhân". Và bây giờ dù ở trong hay ngoài nước sau mấy chục năm thấm thía nỗi đau đời vẫn tiếp tục đấm đá nhau thay vì đấm đá kẻ thù thì còn khuya mới hạ được bọn cộng sản như ở Liên Sô, Ba Lan, Tiệp Khắc. Đã vậy còn có nhiều ngài, rất nhiều ngài, trước đây nhờ ơn tổng thống được chức này chức nọ, lên xe xuống ngựa tiền hô hậu ủng bổng lộc chất đầy nhà. Khi thấy gió soay chiều bèn tính ngay đường phản bội, bắt tay với kẻ thù hạ bệ ông để hy vọng kiếm chác chút địa vị, quyền hành, bổng lộc.Vậy thử hỏi ông so hai loại người trên kẻ nào tội nặng hơn đáng chặt đầu trước? Tôi nói vậy không phải để biện minh hay để chối tội cho mình. Tham nhũng hối lộ là có tội với quốc dân đồng bào rồi, khỏi cần bàn cãi lôi thôi!". Trước lý luận hùng hổ của quan cựu đại tá và thấy ông có vẻ nổi nóng, tôi vội bắt tay tạm biệt. Lên xe ngồi rồi mà lòng vẫn bâng khuâng ray rứt quên cả nổ máy xe, mặc dầu đã tra chìa khóa vào ổ đề. Có một cái gì đó đang sùng sục đau đáu nổi lên trong tôi như những ngày sau 30 tháng tư 1975. Khóc thương hay phẫn nộ cho thân phận mình, thân phận đất nước, thân phận đồng bào mình ngày hôm qua và ngày hôm nay? Nước mắt đã cạn từ lâu mà tấn trò đời xấu xa vẫn như bất tận. Bên kia bờ đại dương, nơi quê hương cũ của tôi, những kẻ đắc thời đắc thế đang thi nhau vơ vét, nạo tận xương hút tận tủy tới cạn kiệt thân thể ốm o gầy mòn Việt Nam! So với chế độ cũ của chúng ta họ còn tham lam tàn bạo gấp trăm ngàn lần! Các cấp chính quyền từ lớn tới nhỏ thi nhau vơ vét, bóc lột. Tệ hại hơn nữa họ còn bán cả đất đai sông biển, mà tổ tiên chúng ta đã ngàn đời dầy công gây dựng, cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc để giữ bằng được cái ghế ngồi. Hình như có một sự đổ vỡ tan hoang khủng khiếp đang hiển hiện trước mắt tôi. Chẳng lẽ dân tộc tôi tới thời kỳ tận cùng bĩ cực? Người ta bảo cùng tắc biến. Nhưng tới bao giờ? Bài học bó đũa thời tiểu học vẫn còn in trong óc tôi nhưng một trăm chiếc đũa vẫn chưa có người đủ tài sức gom nó lại thành một bó. Chẳng lẽ chân tướng quan cựu đại tá tỉnh trưởng lưu vong đã đánh động tâm can tôi một cách dữ dội và làm xáo động rối tinh rối mù chẳng còn biết mình nghĩ sao về cuốn phim đời dĩ vãng và viễn ảnh tương lai? Nhìn quanh toàn thấy những kẻ nước đã đục lại khuấy thêm cho đục hơn với cái trò tệ hại nước đục béo cò, "sống chết mặc bay tiền thầy cứ việc bỏ túi". Mới hôm trước thề sống chết với kẻ thù, hôm sau đã tình nguyện trở thành tên tay sai vặt!. Nghĩ quanh nghĩ quẩn rồi cũng trở về thực tại. Mặc dù chuyện đến bây giờ mới kể, dù sao đây cũng là thái độ rất đáng thán phục của quan cựu đại tá tỉnh trưởng, cựu tư lệnh một biệt khu đã can đảm nhìn nhận những việc làm không tốt đẹp của mình trong quá khứ. Ít ra ông cũng là một con người can trường, còn liêm sỉ. Dám làm dám nhận, hơn nhiều kẻ quyền thế thời đó tội lỗi đầy mình, suốt cuộc đời là một chuỗi dài nhơ nhớp, đi toàn bằng đầu gối và lưng không bao giờ đứng thẳng, giặc chưa đến đã bỏ chạy, sang tới đây vẫn vênh váo với đời và lại còn thuê người viết hồi ký để tự mình khoe khoang, phét lác, bốc thơm mình và không tiếc lời chê trách, cả chửi bới đổ vấy trách nhiệm cho người khác, nhất là cho Sếp của mình, người đã nặn ra mình từ cục đát thó. Tôi đề máy xe. Đề liền dăm bẩy cái máy vẫn không chịu khởi động. Tôi chợt nhớ ra cái bình điện đã quá cũ, tôi quên, đáng ra phải thay từ lâu! Có lẽ phải nhờ mấy thanh niên khỏe mạnh đẩy giúp xe, may ra máy nổ và xe mới chạy được! "Hoạt cảnh" vài ba thanh niên Việt và Mỹ xúm lại đẩy cái xe hơi cũ kỹ do một người Việt tỵ nạn cầm lái, diễn ra ngay trên đất nước Mỹ này kể cũng khôi hài và tức cười thật. Nhưng sự đời là vậy biết nói gì hơn!

Comments

Popular posts from this blog