(An ninh - Quốc phòng) - Từ 18/2/1979, các phi đội thuộc Trung đoàn không quân 917 (đoàn Đồng Tháp), 935 (đoàn Đồng Nai) và 937 (đoàn Hậu Giang) gồm 10 trực thăng UH-1, 3 máy bay trinh sát U-17, 10 máy bay cường kích A-37, 10 máy bay tiêm kích bom F-5 lần lượt ra trận.

Trên hướng Cao Bằng, địch huy động lực lượng lớn gồm 9 sư đoàn bộ binh thuộc Quân đoàn 41, 42, 43 và 50 và 336 xe tăng thiết giáp của 3 trung đoàn xe tăng chia làm 2 mũi tiến công chính thọc sâu đánh vào các điểm sơ hở trong dải phòng ngự của Việt Nam.
Cụm quân phía bắc do Quân đoàn 41 đảm nhiệm tiến công theo hướng Thông Nông-Hà Quảng, cánh quân phía nam do Quân đoàn 42 đảm nhiệm tiến công theo hướng Phục Hòa-Đông Khê. Nhờ huy động một lực lượng áp đảo nên ngay từ những ngày đầu đối phương đã có nhiều mũi tiến khá sâu vào lãnh thổ Việt Nam.
Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979: Khi Không quân Việt Nam vào cuộc - Ảnh 1
Trên hướng Hà Quảng, quân Trung Quốc sử dụng Sư đoàn 122 Quân đoàn 41 từ khu vực cửa khẩu Bình Mãng tiến công tuyến phòng thủ của Trung đoàn 246 Sư đoàn 346, Tiểu đoàn 6 Hà Quảng, Đồn biên phòng Sóc Giang, Nậm Nhũng… cùng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ xung quanh cửa khẩu Sóc Giang.
Chiến sự quyết liệt diễn ra suốt 4 ngày liền từ 17/2 đến 20/2 trên các chốt Cốc Ngựu, Cốc Nhu, Cốc Vường, điểm cao 505, Trúc Long-Địa Lan, Nà Xác, Trường Hà… chặn đứng hướng tiến công rất mạnh của địch ở đây.
Bị tổn thất không tiến lên được, ngày 22/2 quân Trung Quốc làm đường cho xe tăng vượt biên giới ở khu vực đồi núi mốc 109, theo đường Pác Bó – Nà Mạ – Đôn Chương đánh vu hồi vào sau lưng và bên sườn trận địa ta, kết hợp với tấn công chính diện theo hướng cửa khẩu Bình Mãng-Sóc Giang.
Trung đoàn 246 mặc dù chiến đấu dũng cảm nhưng bị bao vây và cắt đường tiếp tế, trước sức ép của địch phải rút khỏi Sóc Giang lên khu vực thung lũng núi giữa Hà Quảng và Thông Nông tiến hành đánh du kích. Địch chiếm được Sóc Giang và tiếp tục phát triển xuống phía nam Hà Quảng.
Trên hướng Thông Nông, do lực lượng ta ít, Quân đoàn 41 địch nhanh chóng chiếm được Thị trấn Thông Nông và thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Sư đoàn 123 có xe tăng đi cùng tiến công theo hướng Hòa An về Thị xã Cao Bằng trong khi Sư đoàn 121 tổ chức các mũi vu hồi đánh xuống khu vực Minh Tâm (Nguyên Bình) và Đường số 3, Khâu Đồn, Đèo Cao Bắc…
Trên hướng Trà Lĩnh, địch sử dụng một bộ phận của Sư đoàn 123 Quân đoàn 41 và Sư đoàn 160 Quân đoàn 54 tiến công hướng phòng ngự chủ yếu của Sư đoàn 346 do Trung đoàn 677, Đồn biên phòng Trà Lĩnh và các đơn vị địa phương bảo vệ ở bình độ 700, đồi Quyết Tử, đồi Thanh Niên, điểm cao 800 và 815 (Phai Can), khu vực mỏ mangan, trục đường Xuân Nội-Quang Trung… Ngày 26/2 địch chiếm được điểm cao 815 lần thứ hai. Trung đoàn 677 phải lui về phía sau, phân tán cùng dân quân các bản làng tiếp tục chiến đấu.
Trên hướng Quảng Hòa, các đợt tiến công của Sư đoàn 125 Quân đoàn 42 địch bị Trung đoàn 567 cùng Đồn biên phòng Tà Lùng, tự vệ nông trường và dân quân Đại Tiến, Cách Linh… chặn lại ở khu vực Đèo Khâu Chỉa (Phục Hòa) suốt 12 ngày đêm, có những ngày đẩy lui 7/8 đợt tiến công gây thiệt hại nặng cho địch. Mặc dù bị cô lập và khó khăn về tiếp tế, các đơn vị của ta đã giữ vững trận địa, không để đối phương dùng khu vực này làm bàn đạp tiến về hướng Quảng Uyên, Mã Phục.
Trên hướng Trùng Khánh, Hạ Lang, Bảo Lạc, các lực lượng phối hợp của địch cũng tấn công các đồn biên phòng Pò Peo, Bí Hà, Lý Vạn, Cốc Pàng, Nậm Quét… cùng một số chốt của lực lượng địa phương.
Trên hướng Thạch An, mặc dù bị lực lượng vũ trang tại chỗ chặn đánh gây thương vong nặng, Sư đoàn 124 và 126 Quân đoàn 42 của địch chiếm được Thị trấn Đông Khê trong thời gian ngắn rồi dùng xe tăng tiến thẳng về Thị xã Cao Bằng.
Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979: Khi Không quân Việt Nam vào cuộc - Ảnh 2
Xe tăng Trung Quốc bị tiêu diệt trên mặt trận Cao Bằng.
Sáng 17/2, bưu điện Huyện Thạch An báo cáo về tỉnh, cho biết xe tăng địch cắm cờ Việt Nam đi qua trước cửa nhà bưu điện về hướng thị xã. Được tin này, Tư lệnh Quân khu 1 lập tức ra lệnh cho BCHQS tỉnh và Sư đoàn 346 tổ chức đưa lực lượng đến Đèo Ngườm Kim, Nậm Nàng chặn đánh. Chấp hành mệnh lệnh trên, một bộ phận Trung đoàn 851 Sư đoàn 346 khẩn trương cơ động và trong các ngày 18 và 19-2 liên tục chiến đấu với các mũi tiến công cơ giới của địch trên Đường số 4 và đường từ Nước Hai về thị xã, bắn cháy hàng chục xe tăng ở khu vực Bản Sẩy, Đức Long (Hòa An), cây số 9-12 trên Đường số 4… Chiếc xe tăng trinh sát của Trung Quốc đến được Nà Toòng ngoại vi thị xã cũng bị đơn vị cao xạ 37mm của Sư đoàn 346 tiêu diệt.
Sau khi các mũi thọc sâu bị chặn lại. Từ ngày 19-2, địch bắt đầu áp sát từ nhiều hướng và tổ chức đánh chiếm các chốt phòng ngự của ta xung quanh Thị xã Cao Bằng. Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã của Trung đoàn 851, Tiểu đoàn đặc công 45 và lực lượng địa phương diễn ra suốt nhiều ngày nhưng do tương quan chênh lệch, các lực lượng vũ trang Việt Nam bị thương vong lớn, đêm 24-2 phải rút về chốt giữ các điểm cao phía tây thị xã và trên Đường số 3. Sáng 25-2 quân Trung Quốc chiếm được Thị xã Cao Bằng. Sở chỉ huy Sư đoàn 346 và Tỉnh đội Cao Bằng mất liên lạc, không còn khả năng chỉ huy các bộ phận.
Ngày 26- 2-1979, Quân khu 1 quyết định thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Cao Bằng do Đại tá Đàm Văn Ngụy, Phó tư lệnh Quân khu đứng đầu. Ngày 28-2, Bộ tư lệnh Mặt trận ra lệnh cho Trung đoàn 677 và Trung đoàn 567 vượt vòng vây rút về phía sau để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị đánh phản kích.
Trước tình hình căng thẳng, Quân khu 1 gấp rút điều động Trung đoàn 852, 183 Hải Hưng, tiểu đoàn pháo tầm xa 122mm của Lữ đoàn 675, các tiểu đoàn bộ đội và tự vệ phía sau lên phối hợp với các đơn vị tại chỗ tổ chức phòng tuyến mới ở phía nam Cầu Tài Hồ Sìn, đường số 3, mỏ thiếc Tĩnh Túc…
Lực lượng vũ trang ta đánh lui các đợt tiến công của quân Trung Quốc từ 20 đến 23-2, sau đó phản kích đẩy địch về khu vực cây số 5 và ngã ba Khâu Đồn, đồng thời bao vây một bộ phận mũi vu hồi của địch ở Nguyên Bình.
Ngày 1-3-1979 trên mặt trận Cao Bằng, Sư đoàn bộ binh 311 gồm Trung đoàn bộ binh 169, 529, 531 bộ binh và Trung đoàn pháo binh 456 được thành lập. Tuyến phòng ngự thứ hai được hình thành từ Tài Hồ Sìn đến Ngân Sơn. Chiến sự diễn ra quyết liệt trên khắp địa bàn tỉnh. Sư đoàn 311 tổ chức cắt Đường số 4, ngăn chặn cơ động tiếp tế của đối phương. Tiểu đoàn đặc công 20 và 45 luồn sâu vào sau lưng địch, phối hợp với dân quân tự vệ tổ chức nhiều cuộc tập kích, phục kích gây cho quân xâm lược những thiệt hại nặng nề.
Hai ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố rút quân, ngày 7/3 quân Trung Quốc bắt đầu rút khỏi Thông Nông, Trà Lĩnh, vừa đi vừa tàn phá các khu vực nằm trên đường di chuyển của chúng. Trước tình hình trên, cùng ngày hôm đó Bộ tư lệnh mặt trận hạ lệnh chuyển sang truy kích, dùng pháo binh bắn phá đội hình hành quân, các điểm tập kết người và xe cơ giới của địch…
Trước áp lực tiến công của ta, một số đơn vị Trung Quốc vội vã rút chạy bỏ lại cả xe cộ, vũ khí và thương binh tử sĩ. Ngày 14/3, ở Minh Tâm (Nguyên Bình), một đại đội của Sư đoàn 150 Quân đoàn 50 thuộc mũi vu hồi bị lực lượng địa phương của ta vây hãm sau nhiều ngày đã phải hạ súng đầu hàng vô điều kiện.
Ngày 15/3, quân Trung Quốc rút khỏi Thị xã Cao Bằng và Huyện Hòa An; ngày 16-3 rút khỏi Trùng Khánh, Quảng Hòa và Thạch An; ngày 17-3 rút khỏi Trà Lĩnh; ngày 18-3 rút khỏi Hà Quảng và Thông Nông. Đến đây, chiến sự trên mặt trận Cao Bằng tạm thời chấm dứt.
Theo công bố chính thức, trong một tháng chiến đấu trên hướng này các lực lượng vũ trang và nhân dân Cao Bằng đã loại khỏi vòng chiến 18.000 quân Trung Quốc, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn địch, phá hủy 134 xe tăng, thiết giáp và 23 xe quân sự, giữ kỷ lục về số xe tăng, thiết giáp tiêu diệt được và số tù binh bắt sống. Với thành tích chiến đấu, 5 cá nhân và 17 đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Sư đoàn 311 được mang danh hiệu “Sư đoàn Đông Khê”; Trung đoàn 567 được nhân dân địa phương tặng danh hiệu “Trung đoàn Khâu Chỉa”.
Không quân và bộ đội chính quy chủ lực xung trận
Cuộc xâm lược của Trung Quốc diễn ra giữa lúc phần lớn các quân đoàn dự bị chiến lược đang còn phải chiến đấu với quân Khmer Đỏ ở chiến trường Campuchia. Các đơn vị của ta tại biên giới mặc dù dũng cảm nhưng do bị tiến công bất ngờ và tương quan lực lượng chênh lệch nên phải chiến đấu trong những điều kiện hết sức bất lợi.
Để tăng cường sức mạnh cho mặt trận biên giới, Bộ Quốc phòng đã khẩn trương huy động lực lượng của tuyến sau đưa lên chi viện.
Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979: Khi Không quân Việt Nam vào cuộc - Ảnh 3
Ngày 18/2, Quân khu 3 cho Sư đoàn bộ binh 327 (gồm Trung đoàn bộ binh 42, 75, 540 và Trung đoàn pháo binh 120) từ Quảng Ninh lên tăng cường cho Quân khu 1. Tiếp đó ngày 19-2, Quân khu 4 gấp rút tổ chức cho Sư đoàn bộ binh 337 (gồm Trung đoàn bộ binh 4, 52, 92 và Trung đoàn pháo binh 108) hành quân bằng cả tàu hỏa và xe vận tải từ Nghệ An ra.
Ngày 25/2 các đơn vị này đều được bổ sung cho điểm nóng nhất lúc này là mặt trận Lạng Sơn và sau đó nằm trong đội hình Quân đoàn 5 – Binh đoàn Chi Lăng.
Lạng Sơn được Quân khu 1 tăng cường Trung đoàn 197 Bắc Thái cho hướng thị xã và Trung đoàn 196 Hà Bắc cho hướng Đình Lập. Sau đó Bộ Quốc phòng còn tiếp tục bổ sung thêm Trung đoàn pháo phản lực 204, Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn 98 Sư đoàn công binh 473, Lữ đoàn công binh 229 (đoàn Sông Đà), đơn vị súng phun lửa của Trung đoàn phòng hóa 86…
Hướng Cao Bằng được tăng cường Trung đoàn 183 Hải Hưng, Tiểu đoàn đặc công 45, tiểu đoàn pháo tầm xa 122mm của Lữ đoàn pháo binh 675, tiểu đoàn tên lửa chống tăng B72, Trung đoàn 38 Sư đoàn công binh 473, Tiểu đoàn 126, 127 bộ đội địa phương Bắc Thái cùng một số tiểu đoàn tự vệ của nhà máy gang thép Thái Nguyên, công ty xây lắp luyện kim, công ty xây lắp cơ khí… Ngoài ra Quân khu 1 cho thành lập thêm Sư đoàn bộ binh 311 trên cơ sở Trung đoàn 38 Sư đoàn 473.
Hướng Hoàng Liên Sơn cũng được tăng cường một số đơn vị, trong đó có tiểu đoàn pháo tầm xa của Lữ đoàn pháo binh 368… Tính chung, tổng cộng 2 sư đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn pháo tầm xa và 25 tiểu đoàn dự nhiệm cùng nhiều đơn vị binh chủng và dân quân tự vệ các địa phương của Quân khu 1, 2, 3, 4 và Thủ đô Hà Nội đã được điều động lên biên giới tham gia chiến đấu hoặc sẵn sàng chiến đấu.
Trước tình hình chiến sự ngày càng trở nên quyết liệt ở khu vực thị xã Lạng Sơn, Bộ Quốc phòng đã quyết định sử dụng đến các đơn vị cơ động chiến lược. Ngày 3-3 Quân đoàn 1 – Binh đoàn Quyết Thắng nhận lệnh cho Sư đoàn bộ binh 320B (sau này đổi thành 390 – đoàn Đồng Bằng, gồm Trung đoàn bộ binh 27, 48, 64 và Trung đoàn pháo binh 54) được tăng cường Trung đoàn bộ binh 209 (đoàn Sông Lô) thuộc Sư đoàn bộ binh 312 (đoàn Chiến Thắng) và tiểu đoàn pháo tầm xa 130mm của Lữ đoàn pháo binh 45 (đoàn Tất Thắng) cấp tốc hành quân lên Lạng Sơn.
Tối 4/3, các đơn vị này đã triển khai sẵn sàng trên tuyến chiến đấu Chi Lăng-Đồng Mỏ-Hữu Kiên.
Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979: Khi Không quân Việt Nam vào cuộc - Ảnh 4
Trước đó một tuần, ngày 27/2, Quân đoàn 2 – Binh đoàn Hương Giang đang làm nhiệm vụ truy quét Khmer Đỏ tại Kampot, Kampong Som (Campuchia) cũng được lệnh cơ động gấp toàn bộ lực lượng về nước. Cuộc chuyển quân thần tốc bằng cả đường biển, đường bộ, đường sắt và đường không bắt đầu từ 6/3, đến 11/3 những đơn vị đầu tiên của quân đoàn gồm Sư đoàn bộ binh 304 (đoàn Vinh Quang), Lữ đoàn pháo binh 164 (đoàn Bến Hải), Lữ đoàn phòng không 673, tiểu đoàn trinh sát… đã về tới Hà Nội. Theo dự kiến ban đầu, hai sư đoàn 320B và 304 sẽ phối hợp phản công trên hướng Bản Chắt (Đình Lập). Sau khi chiến dịch phản công được ngừng lại, một bộ phận của Sư đoàn 304 đã kịp thời chuyển lên tham gia đánh địch tại Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Khi chiến tranh biên giới bắt đầu, Bộ Quốc phòng cũng quyết định điều một phần lực lượng Sư đoàn không quân 372 (đoàn Hải Vân) ra Bắc làm nhiệm vụ. Từ 18/2 đến 3/3/1979, các phi đội thuộc Trung đoàn không quân 917 (đoàn Đồng Tháp), 935 (đoàn Đồng Nai) và 937 (đoàn Hậu Giang) gồm 10 trực thăng UH-1, 3 máy bay trinh sát U-17, 10 máy bay cường kích A-37, 10 máy bay tiêm kích bom F-5 lần lượt được triển khai ở căn cứ Hòa Lạc, Kép, Bạch Mai và Nội Bài, cùng với các phi đội tiêm kích MiG-17, MiG-21 của Sư đoàn không quân 371 (đoàn Thăng Long) đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ở phía Nam, trực thăng và máy bay vận tải của Trung đoàn không quân 916 (đoàn Ba Vì), 918 và Đoàn bay 919 Tổng cục Hàng không dân dụng phối hợp với không quân Liên Xô khẩn trương tập kết và vận chuyển Quân đoàn 2 ra Bắc. Ngoài ra Đoàn bay 919 còn sử dụng máy bay vận tải Il-14 (có MiG-21 yểm hộ) bay thả dù tiếp tế cho lực lượng vũ trang ta ở khu vực xã Canh Tân-Minh Khai, Thạch An (Cao Bằng).
Liên Xô – quốc gia đồng minh lớn nhất lúc đó của Việt Nam đã thực thi nhiều biện pháp tương trợ. Bên cạnh việc cung cấp thông tin tình báo và trinh sát kỹ thuật, Liên Xô lập ra một cầu hàng không lớn góp phần cơ động các đơn vị Việt Nam tại mặt trận Campuchia ra miền Bắc. Moscow còn viện trợ khẩn cấp một khối lượng lớn vũ khí và trang thiết bị bảo đảm qua đường biển, trong đó có 400 xe tăng và thiết giáp, 500 khẩu pháo cối và cao xạ, 50 tổ hợp pháo phản lực BM-21, 400 tổ hợp tên lửa vác vai, 800 súng chống tăng và 20 máy bay chiến đấu. Ngoài ra, nhiều đơn vị chính quy ở biên giới Xô-Trung được lệnh báo động và tiến hành tập trận quy mô lớn để tạo áp lực, Hạm đội Thái Bình Dương cũng cho một biên đội tàu chiến đấu xuống tuần tiễu khu vực biển Đông…
Ngày 5-3, Chủ tịch Tôn Đức Thắng công bố Lệnh tổng động viên toàn quốc “để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc”. Cũng trong ngày hôm đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố “hoàn thành mục tiêu” và rút quân, tuy nhiên trên thực tế quân Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm đóng, đánh phá nhiều khu vực khiến cho giao tranh còn kéo dài cho đến 18-3-1979 mới tạm ngừng.
(Theo Infonet)

Comments

Popular posts from this blog