Friday, October 10, 2014

Hoàn cảnh người Việt tị nạn ở Phi Luật Tân

Vài lời giới thiệu: Tôi thích đọc những bài viết về mảnh đời tị nạn. Một phần vì tôi tìm thấy hình ảnh của mình trong đó, một phần là để nhắc nhở mình không được quên một thời đau khổ, không được quên đồng hương vẫn còn đau khổ. Xin giới thiệu cùng các bạn bài viết về tình cảnh của người Việt tị nạn còn sót lại ở Phi Luật Tân. Các trại tị nạn ở vùng Đông Nam Á đã đóng cửa từ cuối thập niên 1980, nhưng người Việt vẫn bỏ nước ra đi. Một số không may mắn đã chết trên biển, còn số may mắn đến được Phi Luật Tân và thường ở trong trại PFAC. Khác với các trại ở Thái Lan và Mã Lai vốn xem người tị nạn là tù nhân, còn ở Phi Luật Tân tôi được biết là thuyền nhân được ra ngoài kiếm việc làm, một số hình như đã định cư ở lại Phi Luật Tân. Nói gì thì nói, cuộc sống lây lất ở xứ người thì chẳng có gì vui. Bài viết này phản ảnh một phần những cuộc sống lây lất đó. Tôi nghĩ ngày nào người Việt còn bỏ nước ra đi, người Việt còn lây lất đó đây, người Việt còn bị khinh bỉ, ngày đó VN chưa có lí do để ăn mừng và bắn pháo bông. NVT



Vui Buồn Chặng Cuối: Từ Phi tới Mỹ

Triều Phong

Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm, và đây là loạt bài 3 kỳ kể về người Việt trên đất Phi sau cưỡng bách hồi hương tại trại PFAC, chặng cuối từ đất Phi tới Mỹ. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về thời kỳ thanh lọc và cưỡng bách hồi hương tại trại tị nạn Palawan-Philippines,Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, và nhân dịp này, đã cùng gia đình trải qua tám giờ bay để về dự họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2014 và thăm Little Sàigòn.
I. Từ “Làng Việt Nam tại Phi” tới Niệm Phật Đường

"Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng / Một vòng tay vừa mới mở ra, cứu anh em những đời mạt vận / đường mơ đi càng lúc càng xa... có em tôi nuốt từng giọt lệ / ngậm oan khiên đợi mãi một ngày... /Hãy nói cho mọi người cùng nghe: người đã cứu người...

Bài tình ca "Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng" do cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác sau khi Bản Ghi Nhận (The Memorandum of Understanding) được ký kết giữa đại diện của Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân và chính phủ của Tổng Thống Fidel Ramos vào tháng Sáu năm 1996 cho phép thuyền nhân Việt Nam được ở lại có thể xem như kết thúc một giai đoạn đầy đau thương của người vượt biển trên đường tỵ nạn tìm tự do.

Sau hơn bảy năm đảo bị đóng cửa và tranh đấu chết sống, những người ở lại đã được định cư tại chỗ và Làng Việt Nam bắt đầu thành lập tại Santa Lourdes trong vùng "Honda Bay," là vịnh có hàm lượng thủy ngân rất cao, cách trại cũ mười ba cây số do tiền quyên góp hơn một triệu đô của đồng bào ở bên Mỹ giúp đỡ thì dù không tới được đệ tam quốc gia nhưng vẫn còn may mắn hơn là phải trở về với chế độ cộng sản tàn ác nơi có ngục tù đang chờ đón.

Tuy nhiên suốt thời gian chờ đợi chính phủ cấp quy chế thường trú nhân sau đó, thuyền nhân không được đi làm hay đi học vì chưa có tư cách pháp nhân. Người lớn và trẻ em có thể đến trường nhưng chỉ học "dự thính" và khi mãn khóa sẽ không được cấp chứng chỉ hay bằng cấp như công dân Phi. Làng mới đang thành hình, chưa có công ăn việc làm cho mọi người, thế cho nên cuộc sống của thuyền nhân xem ra vẫn còn đen tối và bấp bênh như xưa.

Trước tình trạng ấy, một số lớn thuyền nhân "bỏ làng, chấp nhận mất nhà" để ra ngoài xã hội Phi, tha phương cầu thực bằng cách "bán bà ba ngố!"

“Bà ba ngố là phiên âm tiếng Phi, có nghĩa là dầu thơm.

Chuyện “bà ba ngố” bắt đầu một cách dài dòng từ nhiều năm về trước. Vào khoảng cuối năm 1992 hay đầu năm 1993 gì đó có một em trai, tuổi còn rất nhỏ, sau khi "rớt thanh lọc minor" đã trốn trại lên Manila, gặp các cô người Việt theo chồng Phi về nước năm 1975 rồi được những cô này giúp cho mua trước trả sau một số hàng hoá của các cô để mang đi bán kiếm tiền độ nhật qua ngày. Những loại hàng này phần lớn là giày dép, quần áo trẻ em, đồ lót phụ nữ và tranh hay bình, hủ, lọ sơn mài để trang trí nhà cửa.... mà các cô đi Việt Nam mua về Phi để bán hay bỏ mối cho những người bán lẻ ở những chợ nhỏ.

Ngày ngày em này mang ba lô đựng đầy các hàng hoá nọ lang thang trên phố phường ở Manila để bán "door to door." May mắn cho em là trong số các mặt hàng này có dầu thơm hiệu Sàigòn lại được người Phi vô cùng ưa chuộng. Mỗi ngày em có thể bán từ năm đến mười chai một cách dễ dàng. Vốn một chai dầu em mua là mười lăm hoặc hai mươi pesos* lúc ấy nhưng em đã bán được cả trăm pesos cho mỗi chai nên số tiền lời em kiếm được rất nhiều. Từ đó em không bán các mặt hàng khác mà chỉ chuyên tâm bán dầu thơm mà thôi và chẳng bao lâu sau mỗi ngày em có thể bán tới dăm ba thùng tức là năm bảy chục chai và em trở nên giàu có, cuộc sống vương giả hẳn lên. Danh từ "đi bán bà ba ngố" ra đời từ đấy.

Lâu ngày tin này đưa về tới dưới trại PFAC (The Philippine First Asylum Camp) khiến nhiều người xôn xao. Lần lượt một số người vì chán nản, thất vọng với cuộc sống tăm tối, tương lai mịt mù, thanh lọc bất công, sợ bị cưỡng bách về Việt Nam, đã bắt chước em trai kia bỏ trại. Họ không những chỉ ở Manila thôi mà còn bắt đầu đi sang các đảo khác. Tại đây các người này bày ra một cách mua bán mới để phát triển công việc làm ăn dưới hình thức "bán nợ, trả góp" mà tiêng Phi gọi là "utang."

Trả góp thì tùy theo trị giá món hàng mà trả làm mấy lần. Mỗi lần như vậy gọi là một "give!" Ở Phi Luật Tân thì công nhân viên chức thường lãnh lương hai lần trong một tháng nên người Việt cũng dựa trên căn bản này để "thu nợ" nghĩa là mỗi tháng họ cũng tới hai lần vào hôm sau ngày lãnh lương của người mua nợ để lấy tiền do đó món hàng họ thường bán là "two gives" tức trả hai lần. Ví dụ họ bán món hàng một trăm pesos thì họ sẽ đi lấy hai lần tiền, mỗi lần là năm mươi pesos vào ngày mười sáu và ngày hai của tháng kế tiếp. Nếu chậm lắm là thêm một ngày sau nữa thôi bởi vì nếu thu trể quá thì người Phi sẽ xài hết tiền là đành phải khất lại một kỳ thì mình sẽ tốn thêm thời gian.

Thường thuyền nhân mang hàng hóa, đồ đạc vào mấy trường tiểu học bán cho các thầy cô giáo ngay trong giờ dạy học. Rồi dần dà họ vào tận các trường trung học, đại học, toà thị chính (municipal) xã ấp tiếng Tagalog của Phi là barangay, hoặc trạm y tế... bán luôn.

Bán "utang" lời nhiều nhưng đòi hỏi phải có vốn lớn, tốn nhiều thời gian, kiên nhẫn và chấp nhận rủi ro mất mát khi bị qụit nợ! Lúc bị giựt tiền hay hàng hoá thì họ cũng không thể kiện cáo gì được vì chưa có giấy tờ định cư hợp lệ. Vì lẽ đó, buôn bán "utang" cũng có cái bất lợi của nó về mặt pháp lý. Còn đi "door to door" thì bán lấy tiền mặt nhưng mệt hơn lại hay bị "chó cắn" nhưng dần dần rồi người ta cũng chuyển sang bán nợ luôn.

Một số kẻ khác ít vốn, không muốn mất mát, chọn phương cách bán ở chợ hay trên các lề đường, hè phố. Bán kiểu này cũng có tiền mặt ngay nhưng thường chỉ đủ ăn hoặc dư giả chút đỉnh thôi chứ không thể làm giàu được. Tuy vậy, vài ba năm sau, những kẻ ra đi cũng khấm khá lên nếu chịu khó cần kiệm, chí thú mua bán. Thỉnh thoảng họ trở về trại thăm gia đình hoặc thân nhân bạn bè với nhiều quà cáp và tiền bạc. Từ đó hễ thấy ai vắng mặt hay biến mất khỏi trại một thời gian là người ta biết kẻ ấy đã đi bán bà ba ngố, lâu ngày lại hài hước gọi là "một cõi đi dầu!" Chuyện vui buồn về cõi khác thường này của dân bán “bà ba ngố” sẽ được kể trong bài kỳ tới.

Tuy “có tin vui” cho thuyền nhân Việt được định cư tại chỗ và Làng Việt Nam được thành lập, nhưng theo tổ chức BPSOS (The Boat People SOS) lúc ấy thì họ vẫn tin rằng sẽ có một số người "broken family" vì có vợ hay chồng đang ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ được định cư nếu tiếp tục tranh đấu nên mới gợi ý cho chúng tôi mở một Niệm Phật Đường ở Manila cho đồng bào phật tử có chổ cúng bái thờ phượng trên đường đi buôn bán, đồng thời cũng lấy nơi đó làm văn phòng giúp đỡ pháp lý cho thuyền nhân. Ý định này là nguyên nhân sâu xa ban đầu của sự xung đột giữa BPSOS và Ban Quản Trị Làng Việt Nam vì ngày đó những người có trách nhiệm của Làng Viêt Nam quy kết BPSOS là "có ý đồ phá làng!"

Với sự giúp đỡ bảy trăm đô la ($700.00) ban đầu của Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS, từ Mỹ gửi qua cùng nỗ lực to lớn của Cô Hằng Phương, một huynh trưởng cấp tập của gia đình phật tử theo chồng là bác sĩ người Phi hồi hương về nước năm 1975, Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo đã thuê được một căn nhà làm “Niệm Phật Đường” tại Merville-Paranaque với giá mười lăm ngàn pesos ($500.00) một tháng. Rồi hàng tháng anh phải gửi qua giúp Niệm Phật Đường cả ngàn đô để trang trải cho chi phí thuê nhà, cũng như tiền điện, tiền nước tiền ăn uống và đi lại của luật sư.v.v... Sau này đồng bào đi mua bán khá giả lên nên mỗi lần ghé thăm hay về làm giấy tờ, bà con thường đóng góp vào quỹ để sư cô chi tiêu nhưng vẫn thiếu hụt vì số lượng người làm giấy tờ mỗi lúc một đông. Lắm lúc "chùa" chật cứng như nêm, cái ăn không đủ, chổ ngủ không có. Mọi nhu cầu cần thiết tăng vọt!

Thời gian này may mắn có anh Trần Quang Nhân đang làm việc trong chính giới của Hoa Kỳ và nhiều lần anh Thắng đã nhờ Nhân đi "lobby" cho các nổ lực anh đang vận động cho thuyền nhân vì vậy Nhân đã hợp tác với BPSOS như một thiện nguyện viên. Nhân thường xuyên bay từ Mỹ sang Phi thúc đẩy chượng trình này hoạt động. Anh đã ở nhiều tháng liền với người tỵ nạn trong điều kiện sống vô cùng chật vật bằng tài chánh của mình. Tháng ngày trôi đi mọi chuyện ổn định dần và công việc tiến triển thuận lợi hơn.

Rồi người đầu tiên tới Phi để bắt đầu làm việc cho chương trình này là một luật sư bên Úc, anh Nguyễn Hoàng Vũ. Vũ thì còn trẻ, vui tính, mới ra trường và rất năng nổ. Thời gian này vì Niệm Phật Đường chưa chuẩn bị xong nên BPSOS và Sư Cô Diệu Thảo thu xếp để Vũ ở nhờ trong một nhà thờ lớn do Cha Joseph Vũ Đảo quản nhiệm gần phủ Malacagnang (Dinh Tỗng Thống) trên đường Jose P. Laurel, San Miguel, thuộc khu vực Metro Manila.

Còn tôi khi ấy đang theo Khánh, người phụ trách kỹ thuật của chùa Vạn Đức, về Davao ở Mindanao để chuẩn bị khởi nghiệp "một cõi đi dầu!"

Mindanao là thành phố lớn, giàu có, nỗi tiếng vào hàng thứ tư và nằm tận Miền Nam của Phi Luật Tân còn được biết đến như là Thủ Đô Sầu Riêng (Durian Capital) với dân số gần một triệu ba trăm ngàn người tính tới thời điểm đó, đa số theo đạo Hồi. Người Muslim ở vùng này có thể sản xuất ra súng ngắn, đồng hồ đeo tay đủ loại và một số thứ cần thiết khác nên họ có vẻ sống tách biệt và lập một xã hội riêng với chính quyền. Ngoài ra về mặt địa lý thiên nhiên, Mindanao có nhiều hải sản quý, phong phú như cá ngừ vây vàng, tôm cua, cá bông lau... khiến cho đời sống của dân cư ở đây khá sung túc. Tuy nhiên, ở Davao chưa được bao lâu thì sư cô lại gọi tôi về giúp văn phòng luật sư để liên lạc với thuyền nhân đang ở tứ tán khắp mọi nơi.

Tại Manila, tôi phải ở nhờ nhà của một người quen đang đi bán dạo ở Fairview và ngày ngày đi "jeepney**" tới gặp Vũ để làm việc chung. Tôi lo liên lạc với những đồng bào có diện đoàn tụ để thu thập hồ sơ giấy tờ cho Vũ. Phần Vũ thì lo nghiên cứu hồ sơ, viết thư gửi đến các toà đại sứ để kêu gào cứu xét. Thỉnh thoảng Vũ dẫn tôi vào Makati tới từng tòa đại sứ "gỏ cửa" van xin tình thương cho người tỵ nạn!

Cũng chính Vũ là người đề nghị tôi với anh Nam, Tổng Thư Ký Liên Hội Đòan hồi ở trại, đặt tên cho văn phòng luật sư để dễ làm việc trong môt buổi ăn tối của ba anh em ở phố Tàu. Cuối cùng chúng tôi chọn cho văn phòng cái tên là "Hội Tương Trợ" của người Việt tại Phi do anh Nam làm hội trưởng và dĩ nhiên sư cô là cố vấn của hội nhưng ngày đó chúng tôi chưa đăng ký chính thức với chính phủ sở tại để lập hội.

Sau ba tháng đi tiên phong, mở đường cho kế hoạch mới, luật sư Vũ trở về lại Úc, người ta thấy có cô Trà My từ Texas tới rồi luật sư Trịnh Hội sang sau khi chấm dứt thời gian thiện nguyện ở các trại cấm Hong Kong; mà ngày nay hẳn mọi người đều biết đến anh. Tiếp theo là cô Nguyễn Song Liên Phúc ở Úc, anh Nguyễn Quân ở Virginia và cô Thùy Dương bên Úc tới làm việc với anh Trịnh Hội đang tình nguyện phục vụ dài hạn tại văn phòng ở Paranaque-Manila trước khi cô trở thành MC rồi còn nhiều và nhiều nữa. Họ là những người trẻ đầy nhiệt huyết sang Phi giúp đồng bào khộng lương, không vụ lợi, họ hy sinh thời gian, sự nghiệp, làm việc trong điều kiện thiếu thốn mọi bề.

Công việc ban đầu này vất vã, nhiều khó khăn, bởi hầu hết những tòa đại sứ đều cho rằng chúng tôi không còn "stateless" nữa vì đã được chính phủ Phi cho định cư tại chổ rồi! Có đi như thế mới thấy đắng cho thân phận bị bỏ rơi, vô tổ quốc của mình và thương cho các luật sư. Họ vì nghĩa đồng bào, tình người Việt mà phải hạ mình cầu khẩn những nhân viên ở tòa đại sứ của các quốc gia tự do cứu xét cho đồng bào của họ. Hay ngày sau như Trịnh Hội có lần nói với bà Courtney, đặc trách về di dân của Mỹ tại tòa đại sứ rằng "anh sẳn sàng quỳ xuống đây nếu bà muốn chỉ với một mong ước duy nhất là bà hãy làm ơn xem xét lại các trường hợp của thuyền nhân Việt Nam mà anh vừa đệ trình với bà!" Lời van xin thống thiết của anh khiến bà Courtney bối rối, sững sờ thương cảm còn tôi đứng kế bên thì nghèn nghẹn, mắt chợt cay. Họ làm việc bất kể nắng mưa nhất là phải chịu đựng tình trạng kẹt xe vào những giờ cao điểm.

Niệm Phật Đường là căn nhà một lầu, nằm trong con hẻm nhỏ, sâu, gần trại Chuyển Tiếp (Transit Center) trước đây. Phía bên dưới là gian phòng khá rộng có nhà vệ sinh và nhà bếp dùng để tiếp khách, nấu ăn, cho người tỵ nạn về tá túc làm giấy tờ. Trên lầu thì có ba phòng và một cái kho hẹp chứa đồ. Phòng nhỏ nhất dùng làm nơi thờ cúng vong. Trong phòng này mỗi bên có một bàn vong nam và vong nữ riêng biệt. Phòng thứ hai là phòng thờ Phật với hình Phật Di Lặc ngự trên cao. Còn phòng lớn nhất dùng làm văn phòng luật sư với nhà vệ sinh nhà tắm bên trong. Tuy vậy nhiều hôm trời nóng bức ở trong nhà vẫn không chịu nỗi trừ văn phòng là có một cái air-conditioner cũ kỹ thở phì phò như bò đi hổn hển mỗi khi sử dụng, hay những ngày mưa nước ngập lõm bõm bên ngoài, hắt đầy vào hàng ba trên lầu làm ướt át cả "chùa!" Đó là chưa kể tới các hôm cúp điện thì mọi người phải ra khỏi nhà để tìm chút gió. Còn ngày cúp nước thì khỏi nói "mạnh ai nấy lo, hồn ai nấy giữ" mọi người tự đi kiếm chổ tắm rửa như thưở còn ở trại. Những lúc ấy tôi còn nhớ, Trịnh Hội phải xách quần áo chạy tuốt ra chỗ mấy người bạn Úc; là nhân viên của toà đại sứ Úc ngoài Makati để "tắm tỵ nạn!"

Ngày tháng trôi qua, một số anh em trẻ có khả năng Anh ngữ và lại không phù hợp với hoàn cảnh mua bán kia nên đã về làm giúp các luật sư. Nhận thấy nhân sự lúc này đã có nhiều và nếu tiếp tục ở lại thì Niệm Phật Đường không có đủ chi phí ăn ở cho đông người nên sẳn dịp khi sư cô ủy thác tôi trọng trách về Palawan để cùng với anh Thiên, Phó Ban Đại Diện Chùa Vạn Đức, giao tượng Phật Bà Quan Âm lại cho Ban Quản Trị của Làng Việt Nam xong thì tôi đi thẳng tới Dumaguete là thành phố thuộc vùng Negros Oriental luôn. Cũng như Davao, các tỉnh ở Miền Nam thường dùng tiếng Visayas trong giao tiếp thay vì là tiếng Tagalog. Cuộc đời mua bán đầu đường xó chợ để sinh tồn của tôi bắt đầu từ đây.

Hằng ngày khi trời còn mờ đất là tôi đã lỉnh kỉnh vác đồ đạc đựng trong các bịch nylon trắng thật to có sọc đỏ cùng ba lô, túi xách ra khỏi nhà đón tricycle tới bến xe jeepney để bắt xe đến chợ Tanghay cách nơi tôi ở cả giờ đồng hồ rồi kiếm chỗ trống hay góc phố nào đó bày hàng ra bán. Ngoài một số mặt hàng Việt Nam của mấy dì bỏ mối người Việt mang từ bên nhà qua còn có những mặt hàng như giày dép nam nữ, quần jeans hiệu Levis hay Docker, áo thun Tomy, Fila, dầu thơm hiệu Eternity, Polo, đồng hồ đeo tay đủ hiệu. Tất cả các thứ này đều là "hàng nhái" được các người tỵ nạn bỏ trại đi ra ngoài buôn bán lâu năm bây giờ đã giàu có đi lên Baclaran hay Quiapo trên Manila; những trung tâm thương mại sầm uất của người Tàu để mua về bỏ mối lại cho đám mới đi buôn như chúng tôi kiếm lời.

Hồi xưa ở xứ mình có câu "Hồng Kông bên hông Chợ Lớn" thì ngày ấy tình trạng hàng hóa mua từ các nơi kia đều là giả nhưng đóng mác (mark) nước ngoài như giày thì giày Ý hay Hong Kong, China hoặc áo thun hiệu La Coste...nhưng thật ra đều được người Tàu ở Phi sản xuất trong nội địa cả nên cũng có thể nói "Hồng Kông bên hông phố Tàu" là vậy!

Suốt gần bốn, năm tháng trời lam lũ "bưng thúng bán mẹt" từ Tanghay tới Bais rồi có hôm đi sang tới các chợ ở đảo Cebu hoặc Bacolod hay Tacloban (nơi vừa bị bão Haiyan càn quét) mà vẫn không đủ ăn. Tôi bắt đầu mệt mỏi và chán nản. Đang lúc lòng đầy thất vọng vì bao năm tranh đấu cho tự do mà bây giờ được sống trên xứ sở tự do rồi mà vẫn chưa được trọn vẹn vì ngay cả một tờ giấy tạm trú để đi đường cũng chưa có và lỡ xảy ra điều gì không may cũng chẳng biết làm sao thì lại được trên văn phòng luật sư gọi về lăn tay bổ túc hồ sơ đi Mỹ. Thế là tôi vội vàng từ giã Dumaguete trở lại Manila ngay!

Sỡ dĩ tôi có được may mắn này là vì năm 1996 Thầy Giác Lượng qua sau chuyện chùa bị quân đội Thủy Quân Lục Chiến Phi phá hủy để cưỡng bức hồi hương, thầy thấy trong cơn pháp nạn mà tôi và anh Khánh vẫn quyết tâm ở lại sống chết với phật pháp thì thầy thương tình và có bảo rằng về Mỹ thầy sẽ bảo lãnh hai anh em tôi. Lúc đó chúng tôi cũng không chú ý lắm và điều đó đi vào quên lãng của tháng năm.

Cho đến một lần, nhân nói chuyện với anh Nguyễn Đình Thắng qua điện thoại, khi anh hỏi thăm về hồ sơ của tôi thì mới hay ra tôi không có được ai bảo lãnh cả. Tới chừng ấy anh mới ngã ngửa ra tôi không có một diện gì để có thể được định cư hết. Anh khá ngạc nhiên vì hồi nào tới giờ anh thấy tôi làm việc hăng say anh cứ tưởng tôi cũng có phần, khi ấy tôi có kể cho anh nghe về lới hứa của Thầy Giác Lượng thì anh nói để anh liên lạc với thầy tìm cách giúp bọn tôi vì trong thời gian nghiên cứu luật tỵ nạn của Mỹ anh biết trong hiến pháp của Hoa Kỳ có điều khoản cho diện di dân tôn giáo. Tôi nghĩ anh muốn an ủi tôi thôi nên không quan tâm lắm. Nhưng rồi tại Hoa Kỳ, anh Thắng và anh Trần Quang Nhân đã ráo riết vận động để cuối cùng Hoa Ky đồng ý sẽ cứu xét hồ sơ nếu quả thật trại PFAC có những người trong diện này.

Từ đó bên Phật Giáo ở Chùa Vạn Đức thì ngoài Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo ra còn có anh Thiên phó ban đại diện (anh là một nghệ nhân, rất khéo tay và rất giỏi trong việc trang trí tổ chức các ngày lễ hội, và là người bị đánh thương tích nặng nhất trong đợt chùa bị cưỡng bức hồi hương mà tôi đã đề cập đến trong bài "Chùa tôi" lúc trước) với tôi và Khánh. Phía Thiên Chúa Giáo, Cao Đài và Tin Lành cũng có một số trường hợp được BPSOS đề nghị thêm. Sau đó diện "religious worker" này mở rộng tới Việt Nam luôn cho đến bây giờ!

Trong mấy ngày ở Niệm Phật Đường và chờ đi lăn tay thỉnh thoảng Luật Sư Trịnh Hội có nhờ tôi đưa một vài gia đình đi khám sức khỏe, đi lấy "police clearance" để hoàn tất thủ tục đi Mỹ hay ra đầu ngỏ copy giấy tờ ở tiệm của ông người Úc có vợ Phi cho anh. Lúc này số người được chấp nhận đi định cư gia tăng nên rất cần người phụ việc do đó Trịnh Hội nhờ bất cứ ai có mặt và có thể làm tùy theo khả năng của mỗi người.

Lăn tay xong rồi chờ đợi nhưng không biết đến bao lâu. Ngày tháng chờ đợi vẫn phải kiếm ăn. Vì vậy mà chính bản thân tôi cũng trở thành dân “bán bà ba ngố” (Dầu thơm)
II. Từ Phi tới Mỹ: Đời Buôn “Bà Ba Ngố”

Dù về Niệm Phật Đường, nhưng chẳng thể sống và ăn ở trong chùa mà không làm việc được nên tôi rủ Khánh đi buôn. (Anh Khánh sau này thành tài tử xi nê với vai thuyền trưởng Nam, đồng diễn với Kiều Chinh, Diễm Liên trong phim "Journey From The Fall" của đạo diễn Hàm Trần.)
Hàng ngàymang đồ đạc tới các chợ xung quanh khu vực Manila buôn bán kiếm tiền sống. Cứ thế sáng sớm mỗi ngày hai anh em tay xách nách mang hàng hoá, lưng đeo ba lô tìm chợ bày hàng.
Cuộc sống tạm bợ, bữa cháo bữa rau, dãi nắng dầm mưa cơ cực nhưng xem ra không còn cách nào khác hơn. Để có đủ tiền trang trải, nhiều buổi chiều chúng tôi lại phải tìm những lề đường đông đúc người qua lại mua bán thêm. Một ngày kia, khoảng ba giờ chiều, trời còn nóng hừng hực bên ngoài nhưng chúng tôi phải đi trước giờ cao điểm để khỏi bị kẹt xe. Thế là hai anh em tôi rời nhà, đón jeepney tới Baclaran. Lên xe xong hai đứa tôi chui tuốt vô trong ngồi sát sau lưng tài xế, đồ đạc thì để ở giữa lối đi. Lúc này trên xe cũng còn thưa thớt hành khách, chỉ có một cặp trai gái đang ôm nhau ngồi đối diện với chúng tôi, tay trong tay, cạnh là một bà tuổi khoảng trung niên mặc jupe đen, áo sơ mi hồng đậm mà tôi đoán là cô giáo, xa xa phía dưới một người đàn ông trạc ngoài ba mươi vận aó sơ mi trắng bỏ trong quần tây đen thẳng nếp chân đi giày bít cũng màu đen bóng loáng đang ngồi trong góc của băng ghế lơ đãng ngó ra ngoài.
"After some time, I ve finally made up my mind. She is the girl and I really want to make her mine. I m searching everywhere to find her again. To tell her I love her. And I m sorry bout the things I ve done....Boy I ve missed your kisses all the time but this is Twenty five minutes too late...." nhìn cô gái tươi tắn cùng chiếc váy xanh dương đậm, cái áo sơ mi cổ tròn, màu vàng hột gà nằm ngay ngắn bên trong chiếc váy dài, gương mặt cô đẹp, đôi mắt thật to, đôi hàng lông mi dài, cong vút, cặp chân mày đen đậm tôn làn da trắng ngần càng làm cho khuôn mặt của cô thêm thanh tú, đang cong đôi môi quyến rũ màu đỏ tươi say sưa hát theo bản nhạc "25 minutes" đầu lắc lư qua lại nhè nhẹ theo tiếng nhạc điệu "soft rock" phát ra từ cái speaker nhỏ gắn trên cao trước mặt tài xế khiến cho cô gái càng thêm dễ thương.
Vào những năm cuối của thập niên 1990 thì mấy bản nhạc của các anh chàng nhạc sĩ bình dân Michael Learns To Rock đang trở thành "top hits" ở Phi. Và người Phi lại là một dân tộc rất mê nhạc nên lúc ấy ở bất cứ chổ nào từ trên xe tricycle đến quán sá, Mega Mall, đâu đâu người ta cũng nghe các ca sĩ nghèo này rên rỉ như Chế Linh ngày xưa vậy. Trong khi đó anh thanh niên, bạn của cô gái, cũng rất đẹp trai, đầy nét nam tính, ăn măc tươm tất như người đàn ông nọ, đang âu yếm mân mê bàn tay cô gái. Một tay anh ôm lấy bờ vai cô, tay kia thì vuốt nhè nhẹ trên làn da mịn màng mà cánh tay cô gái đang đặt trên đùi anh ta. Lâu lâu cả hai lại hôn nhau thật thắm thiết, tự nhiên khiến bọn tôi cảm thấy tủi phận lưu vong không ngày tháng của mình!
Như chúng ta cũng biết, Phi là thuộc địa lâu đời của Tây Ban Nha nên phải nói rằng sự pha trộn giữa người Âu và Á tạo nên một nép đẹp riêng, duyên dáng mặn mà nhưng không kém phần mạnh mẽ như cặp trai gái tràn đầy sức sống đang ngồi trước mặt bọn tôi đây. Tôi nghe chú Ôn Văn Tài, chồng của cô nữ danh ca Thanh Thuý, sang thăm chúng tôi ở Niệm Phật Đường cuối năm 1996 hay 1997 gì đó mà lâu quá tôi không còn nhớ rõ bảo rằng "hơn hai mươi năm trước khi chú đến Phi thì Manila còn nghèo, dân trí Phi còn thấp, thua Sàigòn mình. Nhưng bây giờ Manila phát triển nhiều. Makati đẹp không thua Mỹ, đời sống và dân trí họ cao hơn hẳn Việt Nam ta rồi." Thế mới biết đâu là "đỉnh cao của trí tuệ!"
Qủa thật, Phi Luật Tân là nước đang phát triển nên cũng còn nhiều vấn nạn nhưng phải nói thẳng rằng người Phi bây giờ ra đường ăn mặc lịch sự, cư xử nhã nhặn, hiếu khách và lịch lãm đặc biệt là ít có thủ đoạn ma mãnh, lường gạt như trong xã hội Việt Nam hiện nay. Đời sống người dân Phi tương đối hiền hòa êm ả hơn người Việt bên nhà vì dẫu sao cũng là xứ tự do. Đó là sự khác biệt lớn lao giữa hai quốc gia hiện tại. Mãi suy nghĩ miên man trong tiếng nhạc dập dìu rồi lại nhìn họ, tôi đoán chừng họ là sinh viên và trông họ đang yêu thật hạnh phúc làm sao!.
Khi nắng chiều vừa nhạt nhòa, bước nhẹ xuống lề đường còn hừng hực nóng của một góc phố thì hai anh em tôi đến. Dáo dác ngó trước nhìn sau, chọn lựa địa điểm xong xuôi chúng tôi đổ đồ đạc ra tấm trải bằng nhựa. Hàng bày vừa xong thì có một bà già Phi xăng xái đi tới. Sau một hồi xăm soi chọn lựa, bà cầm lên một cái áo ngực và rất tự nhiên bà ướm vào người giữa chốn thanh thiên bạch nhật đông người qua lại rồi nhảy nhót, xoay vòng một đổi ra chiều rất thích thú:
- How much? Bà già hỏi.
- Two hundred pesos, ma am! Tôi trả lời.
Bà lại giơ chiếc áo ngực lên ngang mặt ngắm nghía thêm một lúc rồi để xuống, dợm bỏ đi. Tôi gọi bà lại và mời mua, bà trả lời bằng tiếng Tagalog:
 - Walang pera (No money!)
Tôi ngẩn người. Khánh nhìn tôi không nói tiếng nào, bóng bà già khuất ở dãy phố cạnh bên. Tới khoảng tám giờ tối, khi đèn đường hắt ánh sáng nhợt nhạt lên người, da tay bọn tôi như sẫm lại màu bùn. Gió đêm hiu hắt thổi qua phố xá, hai đứa tôi dọn đồ về, lòng buồn thiu vì suốt buổi không bán được đồng nào. Ngày đó kể như lỗ vốn!
Chiều hôm sau bà lại tới, tôi lại mời. Bà trả giá một trăm pesos cho cái áo ngực hôm qua. Mới vừa đủ vốn, tôi nghĩ bụng. Không bán được, tôi nói. Bà bỏ đi !
Ngày kế tiếp, bà già lại đến nhìn cái áo ngực đang nằm mời gọi và vẫn chỉ trả một trăm. Không bán được! Bà lắc đầu quày quậy, tính bỏ đi. Khánh đứng kế bên bỗng vừa cúi xuống cầm chiếc áo ngực lên vừa nhìn tôi:
- Ông đưa tui mượn cái kéo.
Tôi ngạc nhiên không hiểu Khánh muốn gì nhưng vẫn khom người tháo hộp kéo và lấy ra một cái đưa cho nó. Khánh bảo bà già cầm lấy đầu kia của cái nịt ngực, còn hắn cầm đầu này đọan vói tay lấy cái kéo tôi đưa để vào giữa chiếc áo ngực:
- What are you doing?
Bà già vội vàng buông chiếc nịt ngực xuống, vừa hỏi vừa nhìn hắn, mắt trợn tròn ngạc nhiên. Khánh tỉnh bơ bảo nịt ngực này giá hai trăm mà ngày nào bà cũng tới trả một trăm nên thôi hắn cắt ra làm hai bán bà phân nửa còn hắn giữ lại phân nửa. Nghe Khánh giải thích, tôi không nhịn được cười. Riêng bà già biết là bị Khánh chọc quê nên cũng mắc cở, cười gượng bỏ đi không quên lí nhí trong miệng:
- Loco! Loco! (Khùng điên! Khùng điên!)
Thế nhưng chiều ngày hôm sau bả lại tới móc hai trăm pesos trả và lấy cái áo nịt ngực mà không nói tiếng nào. Khánh cũng đưa bà ba mươi pesos mà hắn nói là "discount" cho bà. Bà cầm tiên và cám ơn. Từ đó lúc nào đi ngang bà cũng "hello" với hai thằng tôi.
Sau nhiều ngày buôn quanh bán quẩn, một hôm anh Thiên và tôi ra cảng Manila đi tàu tốc hành gọi là SuperCat của hãng Supercat Fast Ferry Corporation chạy thẳng về cảng Lamao là cảng đối diện với cảng Manila; một barangay nhỏ của Limay. Limay là thành phố lớn thứ hai sau Balanga. Từ đây chúng tôi đi jeepney về tới nhà chị bạn ở thành phố Balanga mất chừng bốn mươi lăm phút đồng hồ!
Balanga là thủ phủ của tỉnh Bataan, toạ lạc tại Miền Trung của đảo Luzon. Theo Wikipedia thì Balanga là thành phố nông nghiệp với diện tích khoảng 11.163 mẫu đất đã được khai khẩn và đưa vào canh tác. Các cơ sở hạ tầng như trường học. bệnh viện đều đầy đủ, đời sống dân chúng nơi này khá sung túc với các tiện nghi có sẳn.
Ngày đầu tiên, chị bạn nhường lại cho tôi một số hàng hóa trị gía chừng khoảng năm ngàn pesos của chị và nghỉ một ngày bán để dắt tôi đi tập sự vì hồi nào tới giờ tôi chỉ bán ở chợ và hè phố mà thôi.
Nơi đầu tiên chúng tôi đến là Municipal của Limay. Khi chị kêu tài xế ngừng lại và lúc xuống khỏi xe jeepney rồi tôi hì hục cùng chị vác một đống đồ đựng trong các giỏ bước vào một cái sân xi-măng rộng lớn như sân bóng rổ. Nhìn thấy cái municipal thật to tít đàng xa, tuốt trên cao với lối vào là nhiều bậc cấp được chia làm hai bởi một mãng xi-măng ở giữa dùng để nghỉ chân mà trong kiến trúc gọi là chiếu nghỉ (tiếng Pháp gọi là palier, tiếng Anh là plateau hay tableland) rộng ngang bằng với tiền diện của đại sảnh, tôi chợt e dè.
Nhưng rồi thấy chị đi xăng xái phía trước tôi đành lủi thủi bước theo. Quen mua bán đã lâu, chị vào chỗ công quyền như đi vào nhà mình. Chị lựa một phòng lớn có đông nhân viên nhất đang ngồi làm việc bước vô. Bằng một thứ "broken English" chị thản nhiên chào hỏi mọi người rồi lu loa bày những bao hàng ra giữa phòng, đoạn xổ tung các thứ ra.
Người Phi nghĩ cũng ngộ, đang làm việc vậy mà tự động đứng dậy rời bàn tới chọn hàng hoá, không những thế họ lại còn chạy sang các phòng khác réo gọi bạn bè, đồng nghiệp sang. Chẳng mấy lúc cả phòng đã ồn ào như cái chợ.
Tôi lặng lẽ để hai bịch đồ của mình vào góc và đứng quan sát. Nhân viên ở đây đi làm công chức chánh phủ mặc đồng phục hẳn hoi. Người nào cũng mặc jupe đen ngang gần tới đầu gối và áo sơ mi xanh da trời nhạt cổ to, tròn có viền xanh dương đậm, chân mang vớ da, đi giày bít nâu hoặc đen trông rất lịch sự. Một đổi sau, chị bạn bất chợt quay sang thấy tôi với hai giỏ đồ còn nguyên trong góc chị trợn mắt:
- Ủa, sao không đổ đồ trong đó ra?
Trong lúc tôi còn đang lúng túng thì một cô nhân viên còn trẻ khá đẹp, cao to, tiến lại gần:
- What is it?
Tôi chỉ nhìn cô ta cười, "say hi," và đổ đồ ra. Mắt cô bỗng sáng lên và reo to:
- Oh, panties! Oh, you have bras too, my friend!
Tôi ngượng quá, không nói tiếng nào. Mọi người bỏ hàng hoá đang lựa dang dỡ đàng kia bu lại chỗ tôi. Kẻ lấy quần lót, người cầm áo ngực xem một cách thoải mái. Có cô kía cũng khá đẹp thấy tôi mắt cỡ còn trêu bằng cách cầm cái áo ngực ướm lên người rồi nhìn tôi chu miệng ra khiến các cô bên cạnh cười khúc khích. Bạo dạn hơn, cô lấy cả cái quần lót màu xanh lá mạ áp vào trên cái váy, dưới bụng và kêu tôi:
- My friend, what do you think if I wear it?
Cả phòng cười vang, tôi sượng sùng, mặt cứng ngắc. Một bà già trông có vẻ làm lớn mà sau này tôi biết là trưởng phòng, ngó cô gái cười nhưng nói gì đó bằng tiếng Tagalog khiến cô gái rụt cổ, lè lưỡi. Tôi đoán chừng bà la cô ta đừng giỡn quá lố làm tôi có ý nghĩ không tốt về phụ nữ Phi chắc. Sau này tôi biết người Phi là vậy. Họ có một tính cách rất tự nhiên, vui vẻ, dạn dĩ và dễ làm thân, đặc biệt là họ khá ngay thẳng và thành thật vì cuối cùng khi chọn hàng hoá xong thì chị bạn tôi đưa họ một cuốn sổ tay. Mỗi người tự động ghi tên, ngày mua, phòng làm việc của mình, mặt hàng và tổng cộng số tiền của mấy mặt hàng họ lựa để kế bên và hẹn ngày đến lấy nợ. That s it!
Xong xuôi chị lại dẫn tôi lên lầu và cứ thế chúng tôi đi từ phòng này sang phòng khác. Đến gần 12 giờ trưa thì gần như chúng tôi đã bán xong chỗ này. Mấy túi xách đã nhẹ hẳn đi, chị bạn hớn hở dẫn tôi ra về. Ngồi trên xe trong lúc tài xế đợi thêm khách chị lấy sổ ra xem một hồi rồi quay qua tôi:
- Hôm nay bán được hơn bốn ngàn ngàn pesos ở đây. Mua một, bán gấp đôi! Vậy là ông lời được hai ngàn hơn rồi thấy chưa?
- Nhưng đâu có thấy tiền đâu? Tôi cười hỏi đố lại.
- Nè, ông coi. Bây giờ ông còn một đống đồ ở đây mà vốn chỉ cở hai ngàn rưởi pesos thôi. Mai ông đi xuống Lamao bán nữa, được thêm vài ngàn nữa là lời bộn rồi.
Trong lúc chị huyên thuyên kể lể, tôi nhủ thầm trong bụng "à, thì ra bán nợ là dzầy đây. Đúng là một cõi đi dầu!"
- Ờ, mà hồi nãy sao ông không chịu bỏ đồ lót ra vậy? Chị thắc mắc.
Tôi chỉ lắc đầu cười. Chị lên cao gịong dạy đời:
- Mẹ...đi bán mà bày đặt mắc cở nữa. Tui cho ông hay bán quần lót áo ngực này là lời nhất đó. Có ngày tui bán được năm bảy lố chứ hổng phải chơi đâu!
Rồi chị lại tiếp như nói với chính mình:
- Bán cái này vừa nhẹ vừa khỏe mà lại lời nhiều nữa, sướng chết mẹ luôn, đừng tưởng bở!
Đúng là vác nhẹ thì khoẻ nhưng... sướng thì tôi không biết sướng chỗ nào? Rồi tiếng chị lại văng vẳng bên tai tôi.
- OK, bắt đầu từ ngày mai khu vực này là "của ông." Còn trên Balanga đổ về Manila là "của tui," không được xâm phạm nghe. Vùng này bán cũng "ngon" chớ, hồi đó tui nghĩ chổ này nghèo nên chê. Thôi bây giờ giao ông "quản lý" cũng được!
"Cái gì mà của ông với của tui ghê thế? Làm như gia bảo của ông nội, ông ngoại mình để lại không bằng!" Bụng nghĩ thế nhưng tôi chỉ làm thinh, vì dù sao thì như chị cũng đã là tốt lắm rồi bởi ngoài chuyện cho ở đậu trong nhà, giúp vốn cho mua bán, chị lại còn dắt đi buôn.
Hôm sau tôi một mình vác đồ đạc đi về hướng Lamao. Đoạn đường từ Limay đến Lamao nhiều núi đồi nên khá nguy hiểm, đôi khi các tài xế phải uốn eó, lạng lách hay quẹo mấy đoạn cua thật gắt mà một bên là vách núi còn phiá kia là thung lũng với rừng cây bên dưới bạt ngàn ngó không thấy đáy làm tôi liên tưởng tới nếu không may mà lúc đó xe bi lọt xuống đấy thì có lẽ cha mẹ tôi ở Việt Nam sẽ không bao giờ biết tôi ở đâu nữa trên cõi đời này.
Lamao nhỏ hơn Limay nên chỉ có "barangay" mà thôi và cũng như hôm qua tôi vào đó sau một hồi đứng lưỡng lự bên ngoài. Cuối cùng thì tôi cũng bán được gần hai ngàn vì nhân viên ở đây không nhiều như ở municipal. May mắn là tôi được người bảo vệ viết giấy giới thiệu tới một trường tiểu học gần đó vì chị ông ta là hiệu trưởng trường này. Nhờ vậy mà tôi bán thêm được gần một ngàn nữa thì về.
Thời gian tựa gió thoảng mây bay, thắm thoát mà chúng tôi ở đó đã hơn nửa năm. Ngoài các trường tiểu học ra tôi còn bán thêm tại một số trạm y tế hay cơ sở công quyền nữa. Lúc này tôi đã có bốn năm cuốn sổ thu nơ. Cuộc sống tạm ổn với việc mua bán hằng ngày. Lâu lâu chị bạn gom những đồ đạc bị ế vì bán đã lâu mà người ta chê lại mà chúng tôi gọi là "hang tồn" rồi rủ tôi đem lên chơ Morong gần trại Bataan cũ để bán lấy tiền mặt mà về Manila mua hàng mới.
Đời đi buôn bà ba ngố cứ vậy mà xoay vần, trong khi mọi người an phận, bất cần ngày mai không nghĩ ngợi tới tương lai con cái nữa và bắt đầu giàu có lên. Họ bắt đầu sắm xe gắn máy hay có vài gia đình đã mua được cả xe hơi cũ (used car) để làm phương tiện đi lại hay buôn bán thì với tôi nỗi ê chề cay đắng ngày càng tràn ngập. Có những trưa hè oi ả, ngồi trên jeepney nóng hầm hập, lúc xe chạy qua mấy đồng lúa chin vàng nằm sát chân mấy ngọn núi trọc dưới ánh nắng hồng, nhìn các con trâu đang nhởn nha gặm cỏ trong những bóng cây râm mát tôi chợt nhớ nhà, nhớ Việt Nam và bỗng thèm được...viết một chút. Đã lâu lắm rồi, cuộc sống trần trụi đến thô tục đã giết chết đam mê viết lách của tôi tự khi nào!
Một ngày nọ như lệ thường, đến kỳ thu tiền tôi ra khỏi nhà không mang theo đồ đạc gì cả chỉ cầm sổ nợ theo thôi vì nếu vừa thu nợ vừa bán thì không kịp thời gian lấy hết nợ. Đứng trước nhà, tôi đón tricycle ra bến xe jeepney tới Limay. Lúc này trên bậc cấp sát cửa ra vào municipal có vài người đàn ông Phi đang đứng tán gẫu. Tôi nhận ra một số trong họ là nhân viên, kẻ là tài xế còn lại một hai người khác thì tôi không biết. Buôn bán ở đây khá lâu họ đã quen mặt tôi nên vui vẻ chào hỏi. Tôi tươi cười đáp lễ và đi vào trong.
Vô phòng tài vụ, bà Beth trưởng phòng thấy tôi ngoắc lại và chìa tay ra. Tôi đưa sổ, bà giở ra tìm tên bà rồi trừ phân nửa số tiền đoạn móc mấy bốn trăm pesos trong giỏ xách tay ra trả ngay. Phải nói thẳng rằng bà rất lịch sự, sòng phẳng và lẹ làng. Nghe đâu bà tốt nghiệp đại học ở Manila mấy mươi năm về trước và hiện bà cũng có con gái đang du học tại tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ. Mấy người khác cũng lần lượt trả tiên tôi. Chỉ đến lượt Mélanie thì cô buồn buồn bước đến gần tôi nói nhỏ là con cô đau, cần tiền đi bệnh viện và mua thuốc nên cô khất lại lần sau. Biết làm sao hơn trước hoàn cảnh đó, tôi đành gật đầu thông cảm. Phải vậy thôi, coi như là lỗ một "give" vậy!
Đang khi ấy thì Lisa, cô gái tôi gặp lần đâu tiên lúc đến đây, tươi tắn đứng cạnh vừa bá lấy cổ tôi vừa nhún nhảy hát nho nhỏ "Baby want you tell me why there is sadness in your eyes I dont wanna say good bye to you.... I won t forget the way you re kissing the feeling s so strong were lasting for so long but I m not the man your heart is missing that s why you go away I know you were never sastified....." để chờ đến phiên mình trả tiền. Mùi dầu thơm từ người Lisa đưa thẳng vào mũi làm tôi choáng váng.
Xong bên dưới, tôi vội vàng lên lầu vào phòng kế hoạch rồi sang phòng thuế vụ. Sau khoảng hai tiêng đồng hồ lấy nợ xong xuôi tôi trở ra. Khi tôi vừa xuống tới lưng chừng bậc cấp thì có người gọi giật giọng:
- Yong, where are my panties?
Người Phi không đọc được tên tiếng Việt của tôi nên cứ kêu tôi là "Yong" mà thôi. Nghe ai gọi mình, tôi nhìn lại thì thấy Lisa đang hớt hải đuổi theo và hỏi từ trên cao. Sực nhớ mấy cái quần lót mà Lisa "order" kỳ trước nhưng đang nóng lòng sang trường tiểu học kế bên lấy nợ vì sợ bà Joy đi về sớm bởi bà cô giáo này đã "trốn" tôi hai lần rồi nên tôi nói vọng lên:
- OK, tomorrow. I do not have any stocks today.
- I want white, pink and yellow one, Yong.
- OK, OK, I will.
Rồi không đợì Lisa nói thêm tôi quày quả bỏ đi nhưng như sợ tôi còn quên điều gì nàng vẫn léo nhéo phía sau:
- Yong, my...
- Yeah, I remember your size!
Tôi ngắt lời nàng rồi hấp tấp bước đi. Nhưng khi tôi vừa xuống khỏi bậc cấp cuối cùng thì bỗng nhiên có ai nắm lấy cổ áo tôi lôi lại từ sau lưng làm tôi suýt ngã. Ngẩng mặt nhìn lên tôi thấy một gã mập bự đứng ngoài thềm khi tôi mới tới lúc nãy. Trông đôi mắt long lên sòng sọc và gương mặt bặm trợn của gã tôi hết hồn chưa hiểu chuyện gì. Đoán biết suy nghĩ của tôi gã gằn gịong:
- Why do you know the panties size of my wife?
Bấy giờ thì tôi vỡ lẽ tại sao gã lại nắm cổ áo tôi. tuy nhiên tôi chưa kịp nói gì thì Lisa trông thấy thế cũng lật đật chạy xuống. Một tay Lisa gỡ tay chồng nàng ra khỏi cổ áo tôi, tay kia thì đẩy tôi đi:
- No, no... honey! Sorry Yong, no problem. Go... go! You should go, Yong!
Đi được mấy bước rồi tôi ngoái đầu nhìn lại thấy gã vẫn còn ngó theo mình giận dữ. Chiều về, ngồi trên xe nhớ lại chuyện này lúc trưa tôi chợt bật cười, lòng nhủ thầm "mình thiệt là bậy bạ hết sức!"

III. Gặp Lại Ở Cali

Một hôm tin anh Nguyễn Hữu Thám được Úc chấp nhận cho đi đoàn tụ với vợ sau khi phỏng vấn đã như một qủa bom nổ lớn trên bầu trời tỵ nạn của người Việt còn kẹt lại ở Phi. Ngày Trịnh Hội đi lấy Visa nhập cảnh vào Úc cho anh Thám cả Niêm Phật Đường như lên cơn sốt. Mọi người lao xao không biết phải làm gì, cứ nhốn nha nhốn nháo. Tôi còn nhớ thời gian đó anh Thám nhiều lúc cứ ngồi đờ ra cười cười có lẽ anh quá bất ngờ với kết quả ngoài sức tưởng tượng của anh sau bao năm tuyệt vọng trong khi ấy thằng Công, người phụ Hội giúp cho trường hợp anh Thám thì lại như con "lật đật" nhào lên nhào xuống, mồm miệng tía lia, gọi điện thoại lung tung báo cho bạn bè ở khắp mọi đảo. Riêng Hội thì lúc ấy cũng mừng lắm vì chuyện anh Thám đi định cư Úc như một cố gắng to lớn mở được cánh cửa tái định cư dân tỵ nạn đang đóng kín. Như vậy thì bảo sao mọi người không vui mừng? Bởi ánh dương quang đã bắt đầu le lói ở cuối chân trời!

Rồi không đợi anh Thám chờ vợ gửi tiền sang mua vé máy bay và các thứ tối thiểu cần thiết khác mà Hội còn xuất ra mấy trăm đô cho anh mượn để mua vé máy bay lên đường ngay bởi "đêm dài lắm mộng," sợ anh sẽ bị các thế lục ngầm tìm cách giữ lại, hay bởi không ai muốn vì lý do nào đó mà anh bị đình lại chuyến bay, bởi mọi người đều mong ước anh là mũi khoan đầu tiên phá tan lớp đá cứng ngăn chặn con đường tỵ nạn đang hé mở.

Và chẳng những thế Trịnh Hội còn bỏ ra thêm vài trăm pesos để tổ chức "farewell party" tiển anh Thám lên đường định cư nữa. Đêm trrước ngày anh đi một số người Việt sống xung quanh và đang mua bán gần đó hay tin, kéo về đầy cả "chùa." Tất cả đều mừng rỡ và tràn đầy háo hức hy vọng. Lâu lắm rồi mới thấy lại một bữa tiệc chia tay tiển đưa thế này như ở dưới trại ngày xưa. Các nụ cười vui, những ánh mắt lạc quan ngỡ đã tắt tự khi nào! Mọi người vây quanh lấy Hội để nghe anh bàn bạc cho dự tính sắp tới. Buổi tiệc kết thúc vào nữa đêm khuya khoắt trong niềm hân hoan oà vỡ!

Thành công trong chuyện đưa anh Thám đi định cư đã khích lệ Luật Sư Trịnh Hội và BPSOS thêm hăng say hoạt động cứu người, là tin mừng cho thuyền nhân. Bấy giờ uy tín của văn phòng luật sư tại Niệm Phật Đường đã lên cao. Trịnh Hội như một cứu tinh, như anh hùng Don Quixote giữa đàn cừu, và trở thành cái gai cho những người có định kiến "không thể nào có chuyện các quốc gia thứ ba giải quyết cho đi định cư nữa trong lúc này!"

Những tháng kế tiếp nếu không đi cầu khẩn với tòa đại sứ Mỹ, tòa đại sứ Canada hay họp với toà đại sứ Úc nhằm thảo luận tìm kiếm một giải pháp khả thi cho thuyền nhân thì Trịnh Hội bay sang Hong Kong kiếm tiền về cho quỹ của Niệm Phật Đường vì lúc trước Hội làm thiện nguyện bên đó có quen rất nhiều người giàu có như cô Tuyết Nguyệt nào đó mà anh hay nhắc tới mỗi khi nói chuyện với bọn tôi và có lần anh còn đóng cả phim nữa. Vốn dĩ anh có quen biết với một đạo diễn Hong Kong và nhân dịp nhà đạo diễn này muốn hợp tác với Phi để sản xuất một phim được quay tại Quiapo-Phi Luật Tân thế là anh lọt được vào "mắt xanh" của ông ta.

Tôi còn nhớ rõ chuyện này vì chiều một hôm trong khi tôi đứng tựa lan can trên lầu ở chùa thì thấy Hội về. Ít phút sau anh lên phòng thay đồ và ra hàng hiên nơi tôi đang đứng cho tôi một gói thuốc lá. Tôi hơi ngạc nhiên vì Hội chẳng hút thuốc bao giờ! Trong khi tôi vô tư rút một điếu rồi tìm hộp quẹt đốt thì Hội lặng yên quan sát cách tôi hút thuốc. Vài phút sau nhận thấy thái độ hơi khác lạ của Hội tôi hỏi ra thì mới biết Hội đang tập cách hút thuốc vì trong phim anh sắp đóng anh được phân vào vai một tay đại ca cưỡi mô tô và dĩ nhiên dân giang hồ phải biết hút thuốc là cái chắc rồi. Đó là chưa nói tới chuyện Hội còn có phải tập thêm những thói hư tật xấu nào nữa không thì tôi không biết bởi "dân anh chị" là phải tứ đổ tường mà lị!

Ngày sư cô cùng anh cha con anh Thiên đi tiếp kiến phái đoàn Mỹ rồi cũng tới. Trong khi tôi và Khánh ở nhà hồi họp chờ đợi thì buổi chiều mọi người trở về, mày châu ủ dột, thất vọng não nề làm bầu không khí tối đó ảm đạm hẳn đi. Hỏi ra thì mới biết anh Thiên bị bà Courtney "quay" suốt gần tám tiếng đồng hồ. Bà không tin những gì anh trình bày, bà không tin anh sống và làm việc trong chùa nhiều năm bởi bà Courtney nhận được bức thư của người có trách nhiệm quản lý dân tỵ nạn dưới Làng Việt Nam gửi cho bà với nội dung phủ nhận quá trình sống và làm phật sự của anh trong chùa Vạn Đức tại PFAC trước đây. Nhìn bức thư mà bà Courtney mới chìa ra cho Hội xem, anh cảm thấy như đất rời sụp đổ, bao hy vọng chợt tan thành bong bóng trong phút chốc. Anh không hiểu tại sao trên đời này lại thật sự còn có người tàn ác như thế? Không biết họ nghĩ thế nào khi mà người ta phải chờ đợi suốt cả chục năm trời mới tìm được cơ hội tư do mà nỡ lòng nào họ lại bóp méo sự thật để triệt hạ anh vì tư thù cá nhân một cách vô lương tâm như thế khi mà chính họ lại là người tu hành?

Bà Courtney cho biết là bà sẽ gửi trả hồ sơ của anh về lại Mỹ và bà không biết là bao lâu nó sẽ được mở lại. Có thể một năm, hai năm, hay mười năm hoặc... không bao giờ! Hội có xin bà một bản copy bức thư quái ác kia nhưng bà Courtney từ chối. Trước tình hình quá căng thẳng ấy Hội đã xuống nước năn nỉ bà. Không biết Hội đã nài nỉ, khẩn khoản thế nào mà cuối cùng hơn cả giờ đồng hồ sau bà đồng ý "suspend" hồ sơ của anh phó ban lại trong thời hạn một năm để cho anh tìm thêm những chứng cứ bổ túc là anh đã nhiều năm ở và làm việc cho chùa. Đêm đó Hội nói với chúng tôi rằng bằng mọi giá Hội phải ráng vận động để giúp anh Thiên được định cư trước. Bởi nếu anh không đi được thì chúng tôi cũng khó lòng mà thoát ra khỏi chổ này. Do trường hợp của anh mà hồ sơ của sư cô cũng bị "delay" luôn. Con đường đi diện "di dân tôn giáo" trở nên khó khăn nhiều!

Tương lai bỗng như bị đám mây đen kéo ngang, mịt mờ tăm tối hẳn đi. Vấn đề đi định cư trở nên xa vời và chúng tôi không thể ở lại Manila lâu hơn nữa mà cần phải có tiền để sinh sống nên bọn tôi được một người chị quen ở trại dẫn về Balanga làm ăn mua bán.

Trong khi ấy thì tại Manila, để cho diện đi tôn giáo được thuận lợi hơn nên anh Thắng đã bàn với Trịnh Hội tách hồ sơ của sư cô và anh Thiên ra và để sư cô xin phỏng vấn trước. Do đó vài tháng sau sư cô được gọi tái phỏng vấn, kết quả là lần này hồ sơ của sư cô được chấp thuận dễ dàng. Đêm hôm trước sư cô lên đường đi định cư, bà con thuyền nhân đã tề tựu về chùa đông nghịt đến nỗi một số người phải ngồi ra tới tận ngoài đường hẻm trước chùa. Kế tiếp là các người có diện đoàn tụ vợ chồng bên Mỹ cũng được ra đi kể cả trường hợp PIP (Parole In Place.)

Cùng trong thời gian đó, Trịnh Hội đã cố gắng liên lạc với tất cả mấy thầy từng biết hay ở Chùa Vạn Đức, PFAC, ngày xưa như Thầy Thích Tâm Hoà, Chánh Đại Diện trước đây hiện đang định cư ở Canada... để nhờ quý thầy viết thư cho phỏng vấn viên của Sở Di Trú (interviewing officer of Immigrant Visa Section) tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở Manila, xác nhận cho trường hợp của anh Thiên, là phó ban đại diện đã sống và làm phật sự nhiều năm cho chùa hòng hóa giải bức thư oan nghiệt của người quản lý thuyền nhân lúc ấy.

Kết quả vượt ra ngoài mong đợi của mọi người. Mọi việc đều được suông sẻ và cha con anh Thiên cũng vội vã ra đi trong âm thầm lặng lẽ để tránh bị "dìm hàng!" Khánh giờ phải thay sư cô trông nom chăm sóc Niệm Phật Đường, tôi trở thành phụ tá của nó. Lúc này thiên hạ lũ lượt kéo về chùa làm giấy tờ rất đông. Và một số người khác cũng bắt đầu lên đường đi định cư Canada. Chánh phủ Úc giải quyết hồ sơ đoàn tụ ngày một nhiều hơn.

Trải qua mấy năm, BPSOS đã cạn kiệt tài chánh, kinh phí giúp cho Niệm Phật Đường không còn bao nhiêu. Trịnh Hội bấy giờ phải đứng ra cáng đáng chuyện tiền nong. Môt hôm Hội phải sang Hong Kong tìm cách xoay sở, giao chùa lại cho hai anh em tôi trông nom sau khi thức suốt đêm hôm trườc "draft" một loạt thư từ gửi đi các nơi cho bà con xong. Gần mười hai giờ trưa hôm sau khi Trịnh Hội đứng trước cửa chùa chuẩn bị ra phi trường thì Sang, một phật tử ở chùa lâu năm, không được bình thường lắm lên tiếng hỏi tưng tửng:

- Ủa, Hội! Hội... mày đi rồi không để tiền lại anh em tao lấy gì ăn Hội?

Anh em tụi tôi sống chung nhiều năm, lâu ngày đâm thân thiết, những người trạc cở tuổi với Hội thường xưng "mày, tao" như trong gia đình. Nghe Sang hỏi, Trịnh Hội chưng hửng, mấy người có mặt lúc đó im lặng ngó nhau không nói gì. Rồi không nghĩ ngợi Hội lấy ra hơn năm trăm pesos đưa cho tôi:

- Anh giữ tiền này đi chợ cho anh em ăn. Đợi em, ngày... em về!

Hội đi rồi, tôi cầm tiền đứng phân vân một đổi ngẫm nghĩ mới thấy tội cho sư cô ngày còn ở đây phải lo trong lo ngoài. Bây giờ sư cô đi rồi không biết những ngày tới Niệm Phật Đường sẽ ra sao?

Một tuần lễ trôi qua, trong chùa khi đó có khoảng tám chín người tá túc. Sáng sớm một hôm trong khi Khánh đang lui cui kiếm hủ chao để ăn với cơm nguội thì tôi lại gần:

- Ê, Ó ơi! Bữa nay còn có năm mươi hai pesos này nữa là hết rồi nghe. Không biết ngày mai tiền đâu sống?

Ó là biệt danh của Khánh từ hồi còn ở trại. Tôi cũng không biết tại sao Khánh có biệt danh đó? Nghe tôi nói Khanh ngẩng đầu lên tay còn cầm hủ chao:

- Vậy hả? Thì ăn hết bữa nay rồi biểu tụi nó đi thôi!

Đoạn Khánh giơ hủ chao lên cao lắc lắc, chép miệng:

- Chao cũng hết. Khỏi ăn luôn!

Tôi gọi Sang đang ở trên lầu xuống đưa cho nó năm mươi hai pesos cuối cùng đi chợ cho ngày hôm nay. Cầm tiền xong và mặc áo vào nó quay sang tôi:

- Sư huynh, đi xe đạp lôi ra chợ và về là hết bốn pesos rồi. Còn lại bốn mươi tám đồng là vừa đủ cho bốn ki lô (kgr) gạo và hai bó rau muống luôn đó.

- Ừ, sao cũng được. Tùy mày tính thôi.

Tôi hững hờ trả lời, trong khi ấy Khánh thông báo cho mọi người đang ở trong chùa rõ:

- Nè, bây giờ cho anh em hay nghe "ngày mai Niệm Phật Đường tạm thời đóng cửa. Chờ Hội về mới mở lại, do đó hôm nay là ngày cuối cùng. Thành thử anh em coi thu xếp, kiếm chỗ khác ở đỡ nghe!"      

- Sao vậy?

- Hết tiền ăn rồi chứ sao gì nữa!

Chợt có người lắc lắc chốt cửa cổng từ bên ngoài, chúng tôi nhìn ra thấy thằng Nhân, em của Dung làm Ban Lương Thực dưới trại ngày xưa. Hiện Nhân đang sống gần đây, hỗm rày nó không đi mua bán gì vì bị gãy tay. Đang đứng tựa cửa cái, Sang vói lấy chìa khoá mở cửa cho Nhân vào và dợm bước ra đi chợ luôn. Nhân bước vô, một tay thì đang băng tòn teng, có dây treo ngang cổ, tay kia cầm cái chén chìa về phiá Ó:

- Anh Khánh có chao cho em xin miếng anh.

Mọi người bỗng cười ồ dù đang lo lắng, nghe thế Khánh sẳn trớn sạt thằng Nhân một phát:

- Mẹ, tao còn hỗng có ăn đây mà cho mày!

Thấy sắc mặt của Khánh thằng Nhân biết không phải là nói giỡn, và nhìn thấy cả đám đứng ngồi đầy phòng khách nó đoán có việc nghiêm trọng nên vôi thối lui nhưng miệng cũng làu bàu:

- Chùa mà không có chao!!!!

Hôm sau chúng tôi tắt điện, tắt nước, đóng cửa chùa khi người cuối cùng rời khỏi Niệm Phật Đường rồi ra bến xe Genesis ở Pasay Rotonda về Balanga.

Trong những ngày này đường sá thì trơn tượt ướt át vì mùa mưa bắt đầu tới. Có những chiều đi bán về, hai anh em ngồi trên xe nhìn bầu trời xám, âm u, vắt ngang đầu núi, giăng mờ một giải như tấm màn che mưa tôi chợt bâng khuâng, lòng tự nhủ "không biết đến bao giờ mình mới được phỏng vấn và chẳng biết rồi sẽ ra sao chứ còn sống kiểu này hoài cũng bấp bênh quá! Như hôm qua chẳng hạn, ghé lại cơ quan Bảo Vệ Môi Trường (The Environmental Consultants Company) của Limay lấy nợ thì mới hay ra thằng Robert đã chuyển công tác đi nơi khác. Hỏi thì ai cũng bảo chả biết là nó tới chổ nào. Thế là mất toi gần cả ngàn pesos tiền đôi giày và cái bóp (ví) đàn ông!

Thời gian qua mau như chớp, một tuần nữa trôi nhanh. Chúng tôi chuẩn bị trở về chùa trước Hội một hôm. Khi ra bến xe Khánh bảo tôi ghé chợ Limay để nó mua một mớ trái cây, hoa quả giả, làm bằng nhựa đem về trang trí bàn Phật vì nó nghĩ ở chùa mà để bàn thờ trống thì cũng khó coi. Cùng về với chúng tôi ngày đó có cha con anh Hiếu, người hớt tóc thiện nguyện không lấy tiền cho đồng bào trong trại bên Liên Minh Thánh Tâm, thằng Sang, mẹ con chị Hải và Thành ở Hội Thánh Tin Lành. Rồi mỗi người một tay dọn dẹp, lau chùi bụi bặm, quét tước chùa chiền.

Ngay từ sáng sớm hôm trước khi ra phi trường đón Trịnh Hội, tôi mở tủ lạnh lên cho nó chạy lại và kêu thằng Sang:

- Sang, hứng mấy chai nước đi em?

- Chi, sư huynh?

- Để có nước uống chứ chi mậy?

Sang đứng dậy đi lấy mấy chai không và hỏi mà chẳng quay lại nhìn tôi:

- Lấy nước ở đâu anh?

- Hứng trong "robinet" đó!

Rồi chúng tôi đi ra phi trường Aquino. Máy bay xuống. Ít phút sau Hội ra gặp lại chúng tôi thì vui lắm tay bắt mặt mừng đọan cả bọn đón taxi về "nhà!" Vừa bước vô chùa vừa cởi áo, Hội tiến tới bên tủ lạnh mở cửa và la lớn:

- Trời!

- Vụ gì? Khánh hỏi.

Hội quay lại trợn mắt:

- Sao tủ lạnh trống trơn, hổng có gì hết vậy?

- Có mấy chai nước đó.

Thằng Sang nhanh nhẩu đáp, phân bua tiếp:

- Mày đi tụi tao ở nhà không có tiền ăn nữa thì lấy gì có tiền dư mà mua đồ bỏ tủ lạnh mậy. Được mấy chai nước là may lắm rồi, còn bày đạt la la!

Và nó cười hắc hắc:

- Mày hên lắm đó, anh Ngôn mới nhắc tao bỏ vô sáng nay không thì giờ mày khỏi có uống luôn chớ mà nói.

Hội vừa cầm chai nước đưa lên tới miệng tính uống chợt dừng lại thắc mắc:.

- Ủa, nước này ở đâu vậy?

Sang đáp tỉnh bơ:

- Thì trong vòi nước đàng kia chứ đâu nữa!

- So "bệnh!"

Hội kêu lên bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, nhăn mặt bỏ chai nước xuống, móc bóp ra lấy tiền đưa Sang.

- Mày làm ơn chạy ra tiệm tạp hóa đầu ngỏ mua mấy chai nước ngọt về uống Sang ơi. Trời sao khổ dữ vậy trời!

Đoạn Hội xách vali lên phòng. Chúng tôi lục đục bước theo, khi đi ngang phòng thờ Phật ngó vào trong, Trịnh Hội nói to:

- Cha, chùa hổng có nước uống mà cũng có trái cây bày cúng ê hề ngon quá ta!

- Đâu có, đồ cao su mới mua hôm qua không đó chứ.

Khánh đi sau đỡ lời. Đang bước đi, Hội bỗng dừng lại quay nhìn chúng tôi nhíu mày, rồi lắc đầu bỏ vô phòng. Chắc là "hết ý kiến" với đám tỵ nạn này. Chiều hôm đó Hội đưa tiền cho chị Hải đi chợ mua gạo cùng các thứ cần thiết khác cho chùa và làm một bữa "bún bò xào" cho anh em ăn tối bù lại những ngày đói khát!

Tháng Bảy năm 1999 tôi qua Mỹ định cư, Khánh ở lại chờ đến phiên mình. Thời gian này Niệm Phật Đường dời ra Baclaran và chính thức xin phép lập hội để tiện cho bà con vể làm giấy tờ luôn. Lúc ấy anh Nguyễn Đình Thắng không còn khả năng cung cấp tài chính nữa nên quyết định đóng cửa văn phòng luật sư vì anh nghĩ dẫu sao thì cũng đã mở được một con đường định cư cho mọi người rồi và những ai có diện thì cứ theo đó mà tự túc lo liệu. Tuy nhiên Trịnh Hội lại muốn đưa mọi người đi hết và Hội tin rằng Hội có thể làm được nên Trịnh Hội "take over" văn phòng và tiếp tục cho đến sau này.

*

Tôi về Cali tham dự ngày hội Việt Báo hôm Chủ Nhật, 17 tháng 08 vừa rồi nhân dịp nhận giải thưởng "Viết Về Nước Mỹ năm 2014" nhờ vậy mà có cơ hội gặp lại một số bà con anh em bên trại tỵ nạn như gia đình anh Thiên, vợ chồng Đỗ Bình, Dũng "búa," vợ chồng Khánh hồi xưa buôn bán ở Roxas, Palawan, tại nhà của anh Cả, cựu Chủ Tịch trại PFAC, ở Garden Grove.

Ngay từ trưa ngày Thứ Bảy bọn tôi đã lục tục kéo tới nhà anh. Kể sao cho xiết niềm vui gặp gỡ ấy, chỉ tính từ ngày tôi lên đường đi Mỹ tới hôm đó thôi cũng đã mười lăm năm hơn. Mọi người tay bắt mặt mừng, chúng tôi lai rai tâm sự suốt buổi chiều. Vẫn là những chuyện đấu tranh chống thanh lọc bất công, các tháng ngày biểu tình đòi quyền tỵ nạn cực khổ đầy sôi động ngày xưa, nói mãi không bao giờ dứt. Con đường tìm tự do, đi Mỹ, lắm gian nan ấy như được trải ra lại trước mắt. Dũng "búa" nhìn tôi:

- Tới trại từ 1989 đến Mỹ năm 2006, gần hai mươi năm lận đận, nhưng cuối cùng cũng được tự do, anh. Bây giờ nghĩ lại thấy hãnh diện và không uổng công chờ đợi thiệt.

Khánh tiếp:

- Cũng may nhờ có anh (Trịnh) Hội chứ không thôi tụi em đâu đi được, anh.

Tôi gật đầu:

- Ừ, tụi mình rất may. Tụi mình mang ơn nhiều người lắm và cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại nữa.

Nghe tôi nói thế mọi người chợt im lặng, bồi hồi cảm khái theo đuổi ý nghĩ riêng.

Giờ đây năm tháng đã làm cho chúng tôi có già hơn, da có nhăn hơn, đuôi mắt đã nhiều dấu chân chim hơn và dù sống trong sung túc, hay nghèo hèn nhưng tôi biết chắc một điều là ai cũng mãn nguyện, tự hào với con đường mình đã chọn lựa.

Ngày xưa, chúng tôi chấp nhận đánh đổi sinh mạng với phong ba bão tố, hải tặc hay đói khát. Chấp nhận làm mồi cho cá, vùi thây trên biển, chấp nhận sống lây lất thiếu thốn ở trại, bị mắng nhiếc, bị đánh đập xua đuổi, nhưng vẫn kiên trì chờ đợi suốt bảy tám năm trời chớ nhất quyết không trở về với chế độ cộng sản. Rồi sau tháng năm đen tối ấy chúng tôi lại chấp nhận lên rừng xuống núi, buôn thúng bán bưng, cực khổ lầm than, dãi nắng dầm mưa để mưu sinh nhưng lòng vẫn bền bỉ mong ngày "thái lai." Nên không ai trong chúng tôi bây giờ có thể quên các kỷ niệm về những câu chuyện tỵ nạn khổ đau ấy, vì như Martin Luther King, Jr. đã nói "Freedom is not free!"

Không có hy sinh nào cho tự do là quá đáng. Không có hy sinh nào cho tự do là quá lớn. Tự do không có cho không bao giờ. Tự do là tất cả!

Mùa thu, Ohio

Miami-Township, 21 tháng 09 năm 2014

Triều Phong (TPN)

Chú thích:
* Đơn vị tiền tệ của Phi Luật Tân.

** Một loại xe chở khách thông dụng ở các thành phố của Phi.

Comments

Popular posts from this blog