Sổ Tay Ký Thiệt Kỳ 81
 
“Mai tôi chết...”
                                                                                                   Flag.jpg
 

 
 
 
"Mai tôi chết cờ vàng xin đừng phủ.
Xác thân này đâu chết cho quê hương?
Súng gươm xưa đã bỏ lại chiến trường!
Thân chiến bại nhục nhằn nơi đất khách!
Hơn nửa đời đã tan rồi khí phách.
Nhớ bạn bè nằm xuống nghĩ mà đau!
Không quan tài cờ phủ giữa chiến hào,
Máu thịt đã thấm vào lòng đất mẹ.
Bao năm trời bao nhiêu người trai trẻ,
Chết không cần cờ phủ vẫn uy nghi.
Khi nằm xuống bạn nào đã lo chi?
Chỉ ước muốn thân này dâng đất nước,
Ta giờ đây đã tàn bao mơ ước!
Chuyện ngày xưa chỉ còn thấy trong mơ.
Ngày về quê càng lúc cứ xa mờ,
Thời gian vẫn lạnh lùng theo năm tháng.
Tuổi càng cao lòng càng nghe mặn đắng!
Xót thân này khi chết bỏ lại đây!
Nơi xứ người bạn hữu chẳng còn ai?
Mai tôi chết cờ vàng xin đừng phủ."
 
Bài thơ trên đã được phổ biến nhiều trên các mạng điện tử vài năm nay ở hải ngoại và ai cũng yên chí là của cố Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng, nguyên Tư lệnh Sư đoàn Dù QLVNCH,  dựa theo một bài của Nhà báo Vũ Ánh đăng trên tờ Người Việt. Lý do có sự hiểu lầm là vì bài thơ có ý và lời giống như trong di ngôn của Tướng Lưỡng: “Tôi làm tướng không bảo vệ được nước, khi nước mất tôi đã không dám chết theo nước, nên khi tôi chết già yêu cầu đừng phủ quốc kỳ lên quan tài tôi, vì tôi tự biết mình không xứng đáng được hưởng lễ nghi nầy.”
Nay người ta được biết tác giả bài thơ “Mai tôi chết cờ vàng xin đừng phủ” không phải là Tướng Lưỡng mà là của cựu Thiếu úy Nguyễn Ngọc Trân, hiện cư ngụ tại Thành phố Shakopee, Minnesota, Hoa Kỳ. Ông Trân đã lên tiếng xác nhận mình là người đã viết ra bài thơ ấy vì “muốn bảo vệ sự thiêng liêng của lá quốc kỳ VNCH”. Ông giải thích: “ Sở dĩ có bài thơ MTCCVXÐP là cũng vì đọc báo và xem tin tức thấy vào khoảng thời gian trên (lúc bài thơ sắp ra đời) thấy có nhiều vị cựu quân nhân lớn tuổi có lẽ họ không để lại di chúc hoặc dặn người nhà cho nên khi họ mất nhiều hội đoàn cựu chiến sĩ đã nghĩ ra cách phủ cờ cho họ do đó tôi không muốn làm mất sự thiêng liêng của lá cờ và tủi lòng những chiến hữu thực sự năm xuống hoặc sống lây lất bên nhà nên tôi mới cảm hứng làm bài thơ trên.”
 
Hai cựu quân nhân, xa cách về cấp bậc, về tuổi tác, nhưng cùng chung một tâm tư bi hận, cùng một thái độ chính trực của người CHIẾN SĨ “súng gươm xưa đã bỏ lại chiến trường” và không bảo vệ được Tổ quốc. Nay, chết già trên đất lạ dung thân, họ không muốn ai phủ lên quan tài của họ lá cờ đã không thấm máu của chính họ trên chiến trường.
 
“Mai tôi chết, cờ vàng xin đừng phủ”.
 
Danh dự “phủ cờ” trước đây, khi quân lực VNCH chưa tan hàng, chỉ dành cho những người lính ngã xuống trên chiến trường, trong lúc chiến đấu. Những quân nhân mọi cấp bậc không chết trong lúc chiến đấu thì không được phủ cờ. Không biết từ bao giờ và do ai, ở hải ngoại, đã tùy tiện đặt ra cái lệ phủ cờ cho cựu quân nhân VNCH, dù là chết già, chết vì bệnh, vì tai nạn lưu thông hay vì bất cứ nguyên do gì khác.
 
Hình như chỉ cần là hội viên của một hội đoàn nào đó, là cựu quân nhân hay không là cựu quân nhân, nếu có tham gia sinh hoạt cộng đồng, khi chết sẽ được “phủ cờ”, bất kể người ấy thỉnh thoảng lại xách va-li về Việt Nam với danh nghĩa Việt kiều!
 
Đúng là làm mất sự thiêng liêng của lá cờ và tủi lòng những chiến hữu thực sự nằm xuốngtrong khi chiến đấu, như  lời Thiếu úy Nguyễn Ngọc Trân.
 
Nhớ bạn bè nằm xuống nghĩ mà đau!
Không quan tài, cờ phủ giữa chiến hào,
Máu thịt đã thấm vào lòng đất mẹ.
Bao năm trời bao nhiêu người trai trẻ
Chết không cần cờ phủ vẫn uy nghi.
 
Không phải chỉ trong việc “phủ cờ”, việc lạm dụng lá cờ vàng trong nhiều trường hợp cũng đã làm cho lá quốc kỳ giảm sự trang nghiêm và đưa đến những tranh cãi, chụp mũ, chia rẽ, thay vì lá cờ của tự do và nhân bản phải là một biểu tượng để kêu gọi sự đoàn kết, yêu thương.
 
Nhiều người đã nhân danh lá cờ ấy để làm trái ngược lại với tinh thần của lá cờ ấy, như trưng bày ở những nơi không thích hợp, ép buộc người khác phải phô trương lá cờ như một xác định lập trường quốc gia” dù họ không có quyền ấy và đòi hỏi như vậy là vô lý.
 
Trở lại với bài thơ “Mai tôi chết, cờ vàng xin đừng phủ”. Tuy bài thơ ấy đã nói lên tâm trạng bi phẫn của người chiến sĩ bị bắt buộc phải buông súng và nhiều hay ít cũng đã làm giảm bớt “cái nạn phủ cở” ở hải ngoại, nhưng bài thơ ấy bàng bạc thân phận của kẻ chấp nhận thua bại trong lúc thật ra, cuộc chiến đấu của họ vẫn chưa chấm dứt, và vẫn còn đang tiếp tục trên một mặt trận khác, tuy không có tiếng súng nhưng không kém phần ác liệt và phần thắng đang ngã về phía chính nghĩa mà bao nhiêu người như họ trước đây đã ngã xuống để bảo vệ: Tự do và Nhân bản.
 
Chính nghĩa ấy không phải đến bây giờ mới sáng ngời như ngọn đuốc soi đường cho mọi con dân nước Việt, nhưng đã được thắp sáng trong lòng người cán binh cộng sản bị “đảng” đẩy đi “giải phóng miền Nam”, qua bài thơ dưới đây tìm thấy trong túi áo anh ta trên bãi chiến trường đầy xác chết ở miền Nam sau một trận đánh đẫm máu năm 1969. Người thanh niên “sinh Bắc từ Nam” này là con của bà Trần Thị Phấn ở Hải Dương. Dưới đây là bài thơ đã được đăng trên báo chí ở Sài-Gòn một dạo – bài thơ hay là những giọt máu đã nhỏ ra từ một con tim uất nghẹn:
 
"Từ buổi con lên đường xa mẹ
Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào trung
Non xanh núi biếc chập chùng
Sớm nắng biển, chiều mưa rừng gian khổ
Tuổi thanh xuân cuộc đời như hoa nở
Vì hòa bình đâu ngại bước gian nguy
Mấy tháng trời, ngày nghỉ đêm đi
Giày vẹt gót áo sờn vai thấm lạnh
Có những chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh
Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê mình
Khói lam chiều, giàn mướp lá lên xanh
Con bướm nhỏ mái đình xưa, ôi nhớ quá!
Vào nơi đây tuy đất người xa lạ
Nhưng miền Nam vẫn cùng một quê hương
Vẫn hàng dừa xanh, vẫn những con đường
Vẫn hương lúa ngọt ngào
Tiếng tiêu gợi nhớ
Con trâu về chuồng
Ðã qua buổi ban đầu bỡ ngỡ
Con nhìn ra nào giải phóng gì đâu?
Buổi chợ đông vui, đồng lúa xanh màu
Mái chùa cong buông hồi chuông tín mộ
Lớp học tưng bừng những đàn trẻ nhỏ
Ðang nhịp nhàng vui hát bản đồng ca
Và sau vườn luống cải đã vàng hoa
Ðàn bướm nhỏ rủ nhau về hút mật
Xóm dưới làng trên niềm vui ngây ngất
Sao người ta bắt con phải đốt xóm phá làng
Phải gài mìn gieo tang tóc thương đau
Ðã nhiều lần tay con run rẩy
Khi gài mìn để phút sau bỗng thấy
Xác người tung và máu đổ chan hoà
Máu của ai
Máu của bà con ta
Máu của người như con như mẹ
Ðêm hôm ấy mắt con tràn lệ
Ác mộng về, con trằn trọc thâu canh"

Chính nghĩa mà người lính VNCH chiến đấu để bảo vệ đã thắng từ khi ấy. Dù có phải buông súng vào ngày 30.4.1975, nhưng cuộc chiến đấu ấy vẫn chưa chấm dứt và sẽ toàn thắng một ngày không xa, bởi những người ở trong nước đã cùng ôm ấp ước mơ Tự Do và Nhân Quyền như “chúng ta” ở hải ngoại.
 
Lá cờ vàng ba sọc đỏ thấm máu đào của hàng triệu người đã ngã xuống là biểu tượng thiêng liêng chung cho ước mơ ấy. Làm hoen ố lá cờ ấy là làm lợi cho kẻ thù của Tự Do.
 
 
 

Ký Thiệt

Comments

Popular posts from this blog