Nghề nails ở Canada

Scarbo Cao
 Inline images 1
Do đặc thù thời tiết và đặc thù khách hàng, nghề nails trên đất Canada sinh sau đẻ muộn và phát triển kém hơn so với đế chế nails người Việt ở Mỹ. Đặc thù khách quan tuy có những bất lợi nhưng cũng không phải không có thuận lợi, nhưng do đâu mà qua gần 30 năm, từ thế hệ người Việt Nam tỵ nạn đầu tiên trên đất Canada, rất nhiều gia đình sống nhờ vào nails mà nghề nails trên đất Canada vẫn không mấy khởi sắc? Nhìn kỹ bức tranh toàn cảnh, đi sâu vào những góc khó của nghề, chúng ta sẽ hiểu rõ tại sao, hiểu để cùng nhau phát triển nó hơn lên.
Ai theo nghề nails?
Thu nhập từ nghề nails trong nhiều gia đình người Việt đã và đang nuôi lớn những thế hệ con cháu. Lứa 9X, nhiều em đã ăn học thành tài nhờ những đồng tiền chắt chiu của cha mẹ từ nghề nails. Ngày nay, nhiều thợ nails kỳ cựu trên 10 năm vẫn bám nghề, những anh chị em mới nhập cư mới vào nghề vài năm cũng hy vọng lo được cho con cái ăn học nhờ vào nghề này. Một lực lượng thợ mới những năm gần đây là du học sinh. Được chính phủ cho phép làm part-time 20 giờ mỗi tuần, đa số các em tranh thủ xin vào làm ở những tiệm nails của đồng hương Việt Nam để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, hầu nhẹ bớt gánh nặng cho cha mẹ nơi quê nhà.
Khó khăn khách quan
Mùa đông Canada quá lạnh lại kéo dài ngót ngét sáu tháng, khoảng từ tháng 11 đến tháng 4; trong thời gian đó chỉ một lượng khách nhỏ trung thành đến làm móng tay, chân thì ít hẳn. Mùa hè là mùa  …. của nails, nhưng chỉ tập trung vào ba tháng ngắn ngủi tháng 6, 7, 8. Đặc thù thời tiết này làm cho thu nhập của tiệm nails và thợ nails không ổn định quanh năm. Chủ tiệm thì cắn răng chịu đựng qua mùa đông, tiệm lâu năm có khách quen thì vẫn đủ thu nhập, nhưng tiệm mới và nằm ở vị trí ế khách thì không chịu nổi tiền rent và điện nước. Thợ thì tập trung làm mùa hè, mùa đông về Việt Nam chơi, hoặc kiếm thêm việc khác. Đây là sự thật khiến cho nghề nails ở Canada không thể phát triển rầm rộ được như ở đất Mỹ. Tuy nhiên, anh chị nào làm nghề lâu năm cũng có thể nhận thấy những dễ dàng nhất định. Chẳng hạn như Chính phủ Canada không kiểm tra chứng chỉ hành nghề của thợ nails, hay các yêu cầu về quy trình vệ sinh an toàn sức khỏe cũng không quá khắt khe.
Do đó, có nhiều gia đình Việt sống được với nghề nails, nhưng chỉ sống được chứ không thể làm giàu. Gần đây, đa số các gia đình Việt bình dân nếu còn làm nails thì chỉ một người chồng hoặc vợ, người kia xin làm một việc hãng xưởng nào đó để giữ một đầu thu nhập ổn định. Rõ ràng người Việt ta đã thấy sự không an toàn về tài chính trong nghề nails ở Canada ngày nay. Thực trạng rất rõ ràng là thu nhập sụt giảm khiến người trong nghề không yên tâm, và một lượng lớn đã và đang rút dần ra khỏi nghề. Lý do mà người ta hay nghe thợ nails than thở với nhau hàng ngày là: quá nhiều tiệm mở ra, cung vượt cầu, thi nhau giảm giá, v.v… Nhiều người đối phó với tình trạng này bằng cách move đến những vùng xa xôi nơi chưa có nhiều tiệm, và giá cả chưa bị cạnh tranh giảm vô tội vạ. Đây cũng là một cách để duy trì và sống với nghề nails, nhưng vấn đề là phải chăng thị trường ở những đô thị đông đúc ở Canada đã bảo hòa? Nhìn vào những người gốc Trung Quốc và Đại Hàn đang nhảy vào cuộc chơi, ta nhận ra không phải như vậy. Họ thấy thị trường còn béo bở nên mới nhảy vào! Họ chưa có thợ tay nghề gạo cội như ta, họ biết họ làm không đẹp, nên lấy giá rẻ; họ mở tiệm nhỏ (chỉ 1-2 bàn) để tiết kiệm chi phí. Họ khôn quá! Sau này tay nghề cứng cáp rồi sẽ lấn sân ta luôn! Các chị em nghề nails nghĩ sao trước thực trạng này, và viễn cảnh đó? Chắc chắn phải làm gì để cứu nghề nails và phát triển nó lớn mạnh hơn.
và khó khăn chủ quan
Tuy nhiên, trước khi lo chuyện ngoài ngõ, ta lo chuyện trong nhà trước “sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”. Trong nội bộ tiệm nails, mối quan hệ giữa chủ với thợ, giữa các thợ với nhau, giữa các tiệm láng giềng người Việt với nhau. Rạn nứt, yếu kém bắt đầu từ đây, mối mọt phá hỏng từ bên trong thì một cơn gió nhẹ thổi từ bên ngoài cũng khiến nó đổ sập. Chúng ta những người nhập cư Canada vẫn thường tự nhận nơi đây là nơi “xứ lạnh tình nồng”, nhưng cái tình trong chính tiệm nails của ta có nồng không? Hình như thường thấy là sự lạnh lẽo, tỵ hiềm, ganh ghét. Giữa thợ với thợ thì có nạn “ma cũ bắt nạt ma mới”, nạn giành khách, khách sộp thì giành, khách “xương xẩu” thì đẩy cho đồng nghiệp. Có những thợ làm chung một tiệm nhưng coi nhau như kẻ thù, không nói chuyện hoặc thường xuyên chửi bới, nói xấu nhau. Thậm chí có những thợ còn trả thù nhau bằng cách lén cắt cọ của nhau, như trường hợp của một tiệm nails ở North York.
Đều cùng là những người xa xứ, đều muốn kiếm sống với nghề, đồng bào ta trong nghề nails nên tương trợ nhau. Giữa chủ với thợ thì nguyên tắc là sòng phẳng, ăn đồng chia đủ. Điều này đa số các chủ tiệm đều thực hành, nhưng ít có người biết rằng ở những tiệm vùng xa xôi hẻo lánh chủ tiệm chỉ chia tiền công cho thợ theo tỷ lệ 5:5. Lý do những người thợ chấp nhận tỷ lệ chia quái lạ này là giá dịch vụ ở nơi đó khá cao. Vậy là người chủ hưởng hết phần lợi do giá cao đem đến, thiệt thòi luôn rơi vào kẻ yếu? Muốn nghề nails lớn mạnh, trước hết phải bỏ thói quen lấy mạnh hiếp yếu. Càng thương yêu nhau, càng đồng lòng chung sức chúng ta sẽ càng mạnh – “Đông tay thì vỗ nên kêu”.
Tương tự, giữa các tiệm nails với nhau, tư tưởng hơn thua, triệt hạ nhau lại càng gay gắt. Riêng chuyện mở thêm một tiệm mới ở sát bên tiệm cũ, hay ở bên kia đường, hay ở ngã tư gần đó, đã làm cho người kia mất ăn mất ngủ vì lo bị chia khách. Chưa đủ, người mới đến công khai tuyên chiến bằng một chiêu rất dại dột mà xưa nay rất nhiều người dùng: “Giảm giá”! Trong kinh doanh, các đối thủ cạnh tranh trong cùng một thị trường luôn phải tìm cách thu hút khách hàng đến mua sản phẩm hoặc dịch vụ của mình bằng cách đem đến giá trị cộng thêm (added values) cho khách hàng. Chẳng hạn như nâng cao phẩm chất dịch vụ, khuyến mại cho đơn hàng có giá trị cao, khuyến mại cho khách hàng thường xuyên, tăng thêm tiện ích phụ, đa dạng hóa sản phẩm. Các tiệm phải tìm cách giữ giá, thậm chí phải đàm phán và bắt tay nhau để giữ giá. Vì sao? Vì ai cũng biết giảm giá để cạnh tranh là chuyện đối đế, khi không còn cách nào khác. Giảm giá là con dao hai lưỡi, giảm giá là tự sát! Không phải ai cũng đồng tình, cãi rằng giảm giá là biện pháp duy nhất để cạnh tranh, để sống còn. Điều này chỉ đúng về một phía: ta giảm giá để ta có khách, có doanh thu, nhưng đồng thời ta đang làm giảm doanh thu của những tiệm lân cận vừa bị chia khách, vừa phải điều chỉnh giá giảm theo. Nếu ta không giảm giá mà thu hút khách bằng những cách khác thì ta cũng được lợi ở mức giá cao hơn. Giá thì thấp, và càng nhiều tiệm mở ra thì thu nhập bình quân mỗi tiệm càng giảm, đơn giản là lượng khách ở cùng một khu vực không thể đồng thời tăng lên được. Cái chết ở đây là cái chết từ từ của những tiệm nails phải đóng cửa, những người làm nails lâu năm phải đổi nghề. Có người dời lên vùng xa hơn mở tiệm để tìm lượng khách mới và mức giá tốt hơn. Làm ăn được một thời gian đầu, sau lại gặp điệp khúc cạnh tranh giảm giá, lại thất vọng ngao ngán. Nhiều kẻ háo thắng biện hộ: “Kinh doanh là phải thế! Cá lớn nuốt cá bé là chuyện đương nhiên!” Cách nhìn này là thiển cận, hãy nhìn bức tranh trên bình diện rộng. Nếu có một con cá lớn gom nhiều con cá nhỏ lại và lập nên được một thương hiệu uy tín như Regal Nails đã làm, từ đó cả cá lớn và cá bé đều sống và cùng hưởng lợi trên một thị trường thì còn gì bằng. Đó là tầm nhìn chúng ta nên hướng hành động của mình tới. Hãy nghĩ đến lợi ích lâu dài, nghĩ đến sự duy trì và phát triển nghề nails trong cộng đồng, loại bỏ những nôn nóng và háo thắng nhất thời. Khi chúng ta đoàn kết và hết lòng, không ai có thể lấn sân vào nghề nails vốn là thế mạnh của người Việt hàng chục năm nay.
Thực trạng nghề nails ở Canada hiện nay
Trở lại thực trạng nghề nails tại Canada chúng ta trong thời điểm hiện tại. Quan sát thứ nhất mà ai cũng thấy rất rõ là số lượng tiệm nails, mật độ dày đặc của tiệm nails ở những thành phố lớn tăng rất nhanh. Có nơi có hơn 10 tiệm nails trong một mall. Có nơi cứ mỗi intersection có một tiệm nails, thậm chí hai hoặc ba tiệm. Tuy số lượng nhiều là thế, nhưng bước vào bên trong ta nhận thấy quy mô của mỗi tiệm tương tự nhau: trung bình khoảng 4-5 ghế pedicure, và 4-5 bàn nails. Hiếm có tiệm nào ở ta dám thuê mặt bằng rộng và đầu tư lên đến 8 hoặc 10 ghế, không có tiệm nào dám trang bị bàn ghế loại cao cấp, trang trí đẹp và sang trọng, có phòng VIP, ghế VIP. Thị trường ta không thiếu khách sang, chính do ta không có sản phẩm tương ứng để đặt họ đúng với đẳng cấp của họ. Dịch vụ của ta không cải tiến lại còn giảm giá, ta đã vô tình bình dân hóa giới khách sang, để giờ đây toàn bộ đều là khách bình dân. Supplies, thiết bị, dụng cụ của ta tương đối lạc hậu. Điều này chắc các tiệm nails supplies của ta biết rõ. Có những sản phẩm mới, những công nghệ mới được phổ biến ở thị trường nails Mỹ vài ba năm, ở đây ta mới có. Đó là do nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm từ các tiệm nails không nhiều. Đa số các tiệm đều duy trì những loại truyền thống, ngại giới thiệu những sản phẩm mới, không dùng dipping powder, không design 3D, không dám đầu tư những loại đèn led hiện đại mắc tiền. Từ đó kéo theo thị hiếu của khách hàng cũng không mấy đột phá, cũng thích trung thành với những kiểu, những màu, những kỹ thuật truyền thống.
Hãy cùng phát triển nghề
Về lâu về dài, hình thành được một hiệp hội nghề (association) là một điều lý tưởng. Hội có thể giúp đào tạo và cung ứng thợ mới, quảng bá sản phẩm mới, kết nối những người trong nghề, mua bán, sát nhập tiệm, hay nhắc nhở nhau thực hiện đúng quy định của Chính phủ về thuế, về an toàn vệ sinh y tế. Trước mắt, chưa có hiệp hội thì rất nên có một forum trên mạng xã hội để những người làm nghề nails chia sẻ kinh nghiệm phục vụ khách hàng, kinh nghiệm nâng cao tay nghề. Forum nên là một diễn đàn nghiêm túc, có admin quản lý thành viên và quản lý nội dung trao đổi trên tinh thần giúp đỡ xây dựng, không chỉ trích và bài bác nhau. Cộng đồng gốc Việt ta với gần 250,000 người chắc chắn không thiếu những người có tài và có tâm gắn kết mọi người lại với nhau vì lợi ích chung.
Trên một nền tảng sẵn có với một lực lượng thợ nails kinh nghiệm lâu năm, một thị trường với lượng khách tương đối ổn định, người Việt ta không chỉ dừng lại với hai từ “sống được”, mà còn có khả năng làm giàu với nghề nails trên quê hương thứ hai này. Con cháu chúng ta, thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba sẽ tự hào về cha mẹ chúng, ông bà chúng, những người đã biết dùng “tình nồng” để sống, để làm việc, và đem lại sự ấm áp, thành công trên đất nước này.
Scarbo Cao

Tháng 11/2017

Comments

Popular posts from this blog