PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN CỦA PAVLOV VÀ PHẬT PHÁP

Mỗi con người chúng ta đều có thói quen chấp ngã, bởi vì chúng ta đã được hun đúc từ nhiều đời nhiều kiếp, rồi trong kiếp này từ lúc mới sinh ra cho tới khi đi học, trưởng thành, gia đình và xã hội đều huân tập thành thói quen chấp ngã. Rồi chúng ta dùng những thói quen lâu đời đó phản ứng với mọi hoàn cảnh, tạo ra đủ thứ phân biệt, từ cảm xúc của các giác quan cho tới những tập quán của ý thức. Thầy Duy Lực có một đoạn ngắn nói về phản ứng của cơ thể hình thành từ thói quen của Pavlov để thí dụ về việc thói quen hay tập khí thống trị toàn bộ hoạt động của con người, hình thành cái tôi của mọi người.
Phản xạ có điều kiện do nhà khoa học Nga, Ivan Petrovich Pavlov (1849-1936) phát minh vào thập niên 1890 và giúp ông đoạt giải Nobel Y học năm 1904, có ý nghĩa rất quan trọng mà rất ít người hiểu hết tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống của sinh vật, của nhân loại.
Ivan-Pavlov
Nhà sinh học Nga Ivan Petrovich Pavlov
Pavlov được sinh ra trong một gia đình linh mục đông con. Ngay từ khi còn nhỏ, Pavlov đã là một đứa trẻ có óc tưởng tượng, giỏi quan sát, có nghị lực, bền bỉ và kiên nhẫn trong mọi việc. Những đức tính này đã giúp Pavlov rất nhiều cho những thí nghiệm thành công sau này.
Năm 1870, Pavlov quyết định từ bỏ việc nghiên cứu thần học và đăng ký vào học tại Đại học Saint Petersburg để nghiên cứu các ngành khoa học tự nhiên và trở thành một nhà sinh vật học. Năm 1875, Pavlov hoàn thành khóa học của mình một cách xuất sắc và đến năm 1879, ông nhận được học vị tiến sĩ.
Vào thập niên 1890, Pavlov làm việc tại Viện Y học thực nghiệm. Dưới sự chỉ đạo của ông, Viện đã trở thành một trong những trung tâm quan trọng nhất về nghiên cứu sinh lý. Cũng tại đây, Pavlov đã thực hiện phần lớn các nghiên cứu của ông về sinh lý tiêu hóa. Với những nghiên cứu này, Pavlov đã mở đường cho những tiến bộ mới trong y học lý thuyết và thực tiễn; đồng thời, cho thấy rằng hệ thống thần kinh góp phần điều chỉnh quá trình tiêu hóa.
Một trong những nghiên cứu thú vị và có ý nghĩa lịch sử của ông là về vấn đề tiết dịch vị. Chúng ta đều biết, khi ăn, dạ dày sẽ tiết ra một lượng lớn dịch vị để giúp tiêu hóa thức ăn. Với quyết tâm muốn biết đại não truyền mệnh lệnh cho dạ dày như thế nào, Pavlov tiến hành thí nghiệm đối với con chó đã sống ở phòng thí nghiệm nhiều năm, đã quen với tất cả nhân viên ở đây.
Con cho cua Pavlov
Con chó trong Viện Y học thực nghiệm của Pavlov
Ông nhận thấy dịch vị của chó tăng lên rất nhiều khi chúng nghe thấy tiếng bước chân của nhân viên thường mang thức ăn đến cho chúng. Ông nghĩ tiếng bước chân cho chú chó biết thức ăn đang được mang tới, thông qua thần kinh đại não ra mệnh lệnh làm cho dạ dày tiết ra dịch vị. Từ phát hiện này, Pavlov nghĩ rằng, bất kỳ một tín hiệu nào như tiếng chuông, tiếng huýt sáo… gắn liền với sự xuất hiện của thức ăn trong một thời gian dài liên tục thì sẽ cho ra kết quả tương tự. Ông lặp lại thí nghiệm này trong nhiều lần. Nhưng thí nghiệm này chỉ có tác dụng với những chú chó đã ở lâu trong phòng thí nghiệm. Còn với những chú chó mới được nuôi thì không được, bởi vì chó mới nuôi chưa có thói quen để tạo ra phản ứng. Pavlov cho rằng đây là loại phản ứng đối với sự kích thích từ bên ngoài. Ông gọi đó là “phản xạ có điều kiện” (ngày nay thường gọi là classical conditioning hay respondent conditioning).
Ngoài Giải Nobel, Ivan Pavlov còn được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga vào năm 1907; tiến sĩ danh dự tại Đại học Cambridge vào năm 1912 và được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh vào năm 1915.
Phản xạ có điều kiện có ý nghĩa quan trọng gì ? Nó chứng tỏ các phản ứng sinh lý của cơ thể là xuất phát từ tưởng tượng. Con chó tưởng tượng nó sắp được ăn khi nghe tiếng chân của nhân viên thường hay cho nó ăn, mặc dù không có đồ ăn, nhưng trong dạ dày của nó vẫn tiết ra dịch vị. Phản ứng này là một thói quen của bộ não, của cơ thể, chính thói quen tạo ra phản ứng. Những con cho mới nuôi chưa có thói quen nên không có phản ứng.
Tiếng bước chân của nhân viên hay tiếng kẻng không có liên quan gì tới việc dạ dày con chó tiết dịch vị cả, nhưng thói quen của tiếng bước chân và tiếng kẻng trước khi cho ăn, tạo ra mối quan hệ dính líu, tạo điều kiện cho tưởng tượng.
Trong ngũ uẩn 五蘊 (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) của Phật giáo, tưởng 想 chính là cái tưởng tượng này. Trong cuộc sống, sự gán ghép hay thay thế (replacement) có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tiếng bước chân hay tiếng kẻng đã thay thế vai trò của thức ăn tạo ra sự tiết dịch vị. Trong cuộc sống đời thường của con người, từ ngữ, danh từ hay hình ảnh cũng có thể đóng vai trò thay thế cho vật thể hay sự kiện để tạo ra cảm giác và phản ứng.
Tôi có một người bạn, anh ta tên Đức, học chung lớp với tôi từ thời còn ngồi ghế trung học, thời đó chúng tôi học tiếng Pháp là sinh ngữ một . Trong thập niên 1960 và 1970 (trước 1975), nhạc Pháp còn khá phổ biến ở Việt Nam, anh ta nghe nhiều nhạc Pháp, đáng chú ý nhất là bài Bambino (cậu bé) do nữ ca sĩ Dalida hát. Trong lớp cũng có một anh bạn khác tên Nhã, cũng học chung trong suốt mấy năm trung học phổ thông, tất nhiên Pháp văn cũng là sinh ngữ chính, nhưng anh ta không có thói quen nghe nhạc Pháp, ít quan tâm tới âm nhạc. Gần đây (2015) hai anh bạn này có dịp ngồi uống cà phê với tôi. Anh Đức yêu cầu tôi mở nhạc Pháp từ trong điện thoại để cùng nhau thưởng thức, không thể bỏ qua bài Bambino, nhưng chỉ có tôi và anh Đức thưởng thức, bởi vì chúng tôi từng nghe nhạc Pháp trong thập niên 1970, nên có cảm giác hay, thú vị. Còn anh Nhã bởi vì chưa từng nghe, chưa có thói quen, nên cảm thấy vô vị, không hề có cảm giác gì cả. Mấy hôm trước tôi đi đám giỗ ở nhà một người bà con, gặp ông sui của người đó, trước kia cũng là cựu học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ, cũng học Pháp văn sinh ngữ chính, hơn 50 năm trước cũng từng nhiều lần nghe bản Bambino và cũng còn nhớ tên bản nhạc. Từ sau 1975 đến nay, tức hơn 40 năm qua chưa từng nghe lại, khi tôi mở lại bản Bambino, anh ta nghe say mê, nói rằng thật tuyệt vời, trong khi những người khác trong bàn tiệc cũng cùng nghe mà không hề có cảm giác. Điều đó cho thấy chính thói quen tạo ra cảm giác.
Đi sâu vào cấu trúc nguyên tử vật chất, khoa học đã biết rõ hạt cơ bản không có sẵn thuộc tính (properties) hay bất cứ đặc tính gì cả, chúng vốn là sóng vô hình, sóng tiềm năng, không phải vật chất. Chúng cũng không có vị trí nhất định. Nhưng khi tiếp xúc với các giác quan của con người, chúng liền biến thành các hạt vật chất như quark, proton, neutron, electron, photon, gluon…và thành nguyên tử, phân tử. Đây cũng chính là một loại phản ứng có điều kiện, cơ bản hơn phản ứng của con chó trước tiếng kẻng, bởi vì tầm mức của nó rộng lớn sâu xa hơn rất nhiều. Phản ứng của các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi…để biến sóng tiềm năng thành hạt vật chất cũng cần có một thói quen. Thói quen này đã hình thành và phổ biến từ nhiều đời nhiều kiếp, gọi là thế lưu bố tưởng 世流布想, tức là tưởng tượng đã thành nếp, đã phổ biến ở thế gian. Thói quen này Phật giáo gọi là tập khí 習氣 Bậc thánh trí cũng có thế lưu bố tưởng vì đây là điều kiện cần thiết để họ có thể tiếp xúc với chúng sinh. Nhưng khi họ dùng trí bát nhã để quán chiếu thì không thấy có gì cả, đó chỉ toàn là tưởng tượng mà thôi. Chẳng hạn Bát Nhã Tâm Kinh nói :
觀自在菩薩,行深般若波羅蜜多時,照見五蘊皆空,度一切苦厄
QUÁN TỰ TẠI BỔ TÁT, HÀNH THÂM BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA THỜI, CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG, ĐỘ NHẤT THIẾT KHỒ ÁCH
Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu phép quán Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức dùng trí bát nhã soi thấu bản thể của thế giới, thì thấy Ngũ Uẩn đều là không, nên giải thoát được tất cả mọi khổ nạn.
Ngũ uẩn giai không 五蘊皆空 nghĩa là Sắc (vật chất, material), Thọ (cảm nhận, perceptions), Tưởng (tưởng tượng, imagine), Hành (chuyển động, motion), Thức (nhận thức, phân biệt, consciousness), tất cả ngũ uẩn đều không có thực chất, kể cả Sắc, không có gì là thật cả. Tánh không này là tâm điểm của giáo lý Phật pháp. Huệ Năng, Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa cũng từng nói trong bài kệ nổi tiếng :
本來無一物   Bản lai vô nhất vật Xưa nay không có vật gì
何處匿塵埃 Hà xứ nhạ trần ai   Chỗ đâu mà để trần ai bám vào ?
Người ngoài hành tinh, nếu họ đến Địa cầu của chúng ta, có thể họ không thấy gì cả, không thấy Trái đất, không thấy Mặt trăng, không thấy gì cả, bởi vì họ chưa có thói quen thấy như chúng ta. Trong não của họ chưa có dữ liệu về Địa cầu nên không có nhận thức. Điều đó cũng giống như chung quanh chúng ta có rất nhiều sóng 3G, sóng điện thoại, mang thông tin văn bản, hình ảnh, âm thanh, video v.v… nhưng nếu không có thiết bị thu sóng phù hợp, hoặc không biết sử dụng, giống như những người dốt về tin học, họ không thấy có gì cả, họ chưa từng biết có cái gì ở trên mạng.
Tóm lại, cuộc sống thế gian muôn màu muôn vẻ đều chỉ là tưởng tượng, đó là một loại phản ứng có điều kiện mà nhà sinh học Nga Pavlov đã khám phá vào thập niên 1890. Ngày nay khoa học đã hoàn thiện mô hình chuẩn của vật lý hạt (standard model of particle physics) với 17 loại hạt ảo cấu tạo thành vũ trụ vạn vật. Khoa học giải thích tính chất ảo hóa của vũ trụ bằng hai khái niệm : Trường (Field) và Vũ trụ toàn ảnh (Holographic Universe).
Phản xạ có điều kiện do Pavlov khám phá, có ý nghĩa hết sức cơ bản, vô cùng rộng lớn mà chúng ta chỉ có thể hình dung đầy đủ khi liên hệ với vật lý lượng tử và Phật pháp. Toàn thể cảnh giới của thế gian chỉ là tưởng tượng, toàn bộ lương thực thực phẩm mà con người ăn uống hàng ngày cũng chỉ là tưởng tượng, một loại phản ứng có điều kiện hình thành do thói quen mà tuyệt đại đa số người trên thế gian không mấy ai biết.
Truyền Bình
Advertisements

Comments

Popular posts from this blog