TRONG CƠN HỖN LOẠN (GIAO THỜI BẢO ĐẠI VÀ NGÔ ĐÌNH DIỆM)
BD-NDD
Bảo Đại và Ngô Đình Diệm


Trong cơn hỗn loạn

Trong bài tuần trước chúng tôi đã tường thuật một số biến cố khi tiến tới thành lập Việt Nam Cộng Hòa. Trong tuần này, chúng tôi xin tường thuật thêm một số biến cố nữa với hy vọng giúp độc giả hiểu rõ hơn các diễn biến lịch sử. Nếu nghiên cứu kỹ các tài liệu đã được tiết lộ, chúng ta sẽ thấy đây không phải là một diễn biến đơn giản hoặc ngẫu nhiên như nhiều người đã tưởng.

CHÍNH SÁCH ‘TIỀN ĐỊNH”

Trong cuốn “Gọng kìm lịch sử, hồi ký chính trị”, ông Bùi Diễm, có viết về việc truất phế Bảo Đại năm 1955 như ssu:

“Đã có lần ông Diệm nhận được lệnh của Quốc Trưởng triệu sang Pháp, nhưng ông khức từ. Tình trạng đặc biệt và tế nhị này dĩ nhiên không thể kéo dài mãi. Người ta bắt đầu thấy xuất hiện một số phong trào và tổ chức chính trị đòi hỏi phải “truất phế Bảo Đại”, và ít lâu sau, có quyết định của ông Diệm tổ chức trưng cầu dân ý để chọn giữa chế độ cũ với Cựu Hoàng là Quốc Trưởng, và chế độ Cộng Hòa mới với ông Diệm là Tổng Thống. Không ai rõ tại sao ông Diệm phải có thái độ quyết liệt như vậy. Vì dầu sao ông cũng là người phải “trung quân, ái quốc”, trọng đạo quân thần, từng làm quan to trong triều đình Huế, nên không ai cho rằng ông muốn lật đổ Cựu Hoàng. Trái lại, mọi sự nghi ngờ đều đổ vào đầu ông Nhu cả, người được coi là có đủ mọi thủ đoạn đối phó và ứng biến (trong một buổi hàn huyên chuyện cũ với tôi năm 1991, cựu Quốc Trưởng không hề tỏ ý oán hận ông Diện và chỉ nói là ông Diệm đã bị gia đình ảnh hưởng).” (tr. 155).

Có thể nói, trong cuộc chiến Việt Nam kéo dài từ 1945 đến 1975, ông Bùi Diễm là “người trong cuộc”. Ông sinh năm 1923 tại Hà Nam, năm nay đã 83 tuổi. Ông thuộc nhóm “Đại Việt Quan Lại” đã từng đóng nhiều vai trò quan trọng trong các cuộc vận động chính trị. Đặc biệt, ông đã làm Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng của chính phủ Đại Việt Phan Huy Quát năm 1965, Đại Sứ VNCH tại Washington từ 1967 – 1972, Quan sát viên đặc biệt tại hòa đàm Paris năm 1968 và Đặc Sứ của VNCH từ 1973 – 1975, có nhiệm vụ theo dõi chính sách Hoa Kỳ và vận động cho VNCH… Những đọc đoạn trên cũng như toàn bộ cuốn “Gọng kìm lịch sử, hồi ký chính trị”, chúng tôi thấy cho đến nay ông vẫn không nắm vũng chính sách của Hoa Kỳ qua từng thời kỳ, nên có nhiều nhận định thiếu chính xác, chẳng hạn như không hiểu tại sao ông Diệm đã cho tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Đại, không hiểu một cách chính xác tại sao Hoa Kỳ quyết định bỏ miền Nam, v.v. Một người có tầm vóc như ông mà viết lịch sử như thế, những “người ngoại cuộc” viết lung tung là chuyện không lạ!

Nếu ông Bùi Diễm chịu khó ngồi đọc lại những trang tài liệu trong văn khố của Pháp và Hoa Kỳ đã được giải mã, nói chuyện với một số nhân chứng… ông sẽ không còn thắc mắc tại sao ông Diệm đã phải đi đến truất phế Bảo Đại, tại sao cả Pháp, Bảo Đại lẫn Hoa Kỳ đã không xử dụng các lãnh tụ Đại Việt trong vài trò lãnh đạo quốc gia, mặc dầu ông Robert McClintock, xử lý thường vụ Đại Sứ Hoa Kỳ tại Đông Dương đã đề nghị Nguyễn Hữu Trí (1954) và Tướng J. Lawton Collins đã từng đề nghị Phan Huy Quát (1955)…

Ngày 25.6.1954 ông Diệm về nước giữa cảnh hoang tàn. Ngày 6.7.1954 ông lập chính phủ và ngày 7.7.1954 ông chính thức tựu chức.

Chỉ hơn một tháng sau, hôm 12.8.1954, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã họp và đưa ra Nghị Quyết số NSC 5029 với đầu đề “Duyệt xét lại chính sách của Hoa Kỳ ở Viễn Đông”, nhận xét về những hậu quả của Hiệp Định Genève và đưa ra một số biện pháp để đối phó. Nghị Quyết cũng đồng ý rằng ông Diệm phải mở rộng căn bản chính trị, soạn thảo hiên pháp và truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp

Hôm 20.8.1954, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia lại họp và đưa ra Nghị Quyết số NSC 5429/2 ấn định chính sách của Hoa Kỳ sau Hiệp Định Genève. Nghị Quyết nhận định rằng Pháp đã mất ý chí chiến đấu tại Việt Nam và đưa ra kế hoạch để đảm đương vai trò của Pháp trên đất nước này. Nghị Quyết ghi: Pháp phải trao trả hoàn toàn độc lập (kể cả quyền rút lui khỏi Liên Hiệp Pháp) cho Việt Nam và ủng hộ một chính phủ bản xứ mạnh (a strong indigenous government). Diệm phải mở rộng căn bản chính phủ, bầu cử quốc hội, soạn thảo hiến pháp và trất phế Bảo Đại một cách hợp pháp. (Diem must broaden the governmental base, elect an assembly, draft a constitution and legally dethrone Bao Dai).

Trong khi đó, ngày 31.7.1954, Guy La Chambre, Bộ Trưởng Các Quốc Gia Liên Hiệp của Pháp, tuyên bố cần phải thực hiện ba việc sau đây:

– Thành lập một chính phủ đại diện cho toàn Miền Nam.

– Thực hiện cải cách ruộng đất

– Truất phế Bảo Đại và thành lập chế độ cộng hòa.

Chúng tôi gọi đây là chính sách “tiền định”, vì nó đã được chính quyền Eisenhower phác họa từ trước và được áp dụng một cách chặt chẽ, đẩy chính phủ Ngô Đình Diệm đi theo. Chính sách đó được thu gọn trong những chữ vắn tắt được ghi trong Nghị quyết số NSC 5429/2:

(1) Truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp (legally dethrone Bao Dai).

(2) Bầu cử quốc hội và soạn thảo hiến pháp (elect an assembly, draft a constitution).

(3) Mở rộng căn bản chính phủ (broaden the governmental base).

(4) Ủng hộ một chính phủ bản xứ mạnh (a strong indigenous government).

Ba điểm đầu gần như mọi người đã thấy rõ, nhưng điểm thứ tư vẫn còn là một bí ẩn cần được đưa ra ánh sáng. Tài liệu cho thấy, chính quyền Eisenhower muốn ông Diệm hình thành một chế độ độc đảng theo mô thức Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch để quét sạch Cộng Sản, đó là mô thức của Đảng Cần Lao Nhân Vị.

Tuy nhiên, khi thi hành lại có những tranh cãi giữa các viên chức Mỹ. Chẳng hạn như năm 1955, Tổng Thống Eisenhower đưa Tướng Joseph Lawton Collins qua Việt Nam làm đại sứ toàn quyền là để giúp ông Diệm đánh bại Bình Xuyên và các giáo phái, nhưng Tướng Collins lại đi theo nhóm Đại Việt Quan Lại, cứ đòi thay ông Diệm bằng Phan Huy Quát! Tổng Thống Eisenhower lại phải rút về và đưa ông George Frederick Reinhardt qua thay. Sau đó lại có cuộc tranh luận giữa Tướng Lansdale và Đại Sứ Reinhardt về việc thiết lập một chính phủ mạnh. Tướng Lansdale cho rằng mô thức Trung Hoa Quốc Dân Đảng không thích hợp, nhưng Đại Sứ Reinhardt cứ đi theo đường lối của Washington. Khi ông Elbridge Durbrow qua thay Reinhardt thì lại muốn phá bỏ luôn mô thức này, làm chính phủ Ngô Đình Diệm gặp nhiều khó khăn.

Đến khi Tổng Thống Kennedy lên cầm quyền, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Trước khi chuyển giao quyền hành, trong cuộc họp ngày 31.12.1960 tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Eisenhower đã đưa ra nhiều khuyến cáo về Lào. Sau đó, trong cuộc họp ngày 19.1.1961, Tổng Thống Eisenhower đã trình bày đầy đủ đường lối Hoa Kỳ đang theo đuổi và khuyến cáo chính phủ Kennedy nên tiếp tục. Nhưng Tổng Thống Kennedy lại suy nghĩ một cách phiêu lưu rằng có thể chấm dứt cuộc chiến Việt Nam bằng cách trung lập hóa Lào để ngăn chận Cộng Sản Bắc Việt tràn xuống miền Nam. Công việc này đưôc giao cho Averell Harriman thực hiện. Đã có một cuộc tranh cãi dữ dội giữa ông Diệm, ông Nhu và Harriman về chính sách sai lầm này. Khi chuyện trung lập hóa Lào bị thất bại, Harriman ra lệnh cho đàn em tổ chức đảo chánh lật đổ và giết cả ông Diệm lẫn ông Nhu. Tổng Thống Kennedy bị qua mặt nên rất đau buồn.

Trên đây chỉ là vài hàng tóm lược về chính sách “tiền định” của Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ trình bày đầy đủ chi tiết trong cuốn những bí ẩn lịch sử sắp xuất bản. Ông Bùi Diễm không nghiên cứu đầy đủ nên không có cái nhìn toàn diện.

VÌ SAO RA NÔNG NỔI NÀY?

Tại sao cả Hoa Kỳ lẫn Pháp đều quyết định phải truất phế Bảo Đại? Đây là chuyện chúng tôi đã nói phớt qua trong tuần trước và là một chuyện khá dài dòng. Trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ xin tóm lược những nét chính như sau:

1.- Bảo Đại giúp Bình Xuyên lãnh thầu Casino: Tháng 6 năm 1948, Lực Lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn bị Việt Minh tìm cách thanh toán, Bảy Viễn phải quay về hợp tác với Pháp. Kể từ đó, Lực Lượng Bình Xuyên trở thành phụ lực quân (supplétif forces) trong khối Liên Hiệp Pháp và được Pháp trả lương. Pháp dùng lực lượng này để bảo vệ an ninh vùng phía đông và đông nam Sài Gòn – Chợ Lớn. Đại bản doanh của Bình Xuyên được đặt ở Cầu Chữ Y. Sau đó, Bảo Đại ký Chỉ Dụ số 63-SC ngày 23.8.1948 ban cho Bảy Viễn cấp bậc Đại Tá tạm thời kể từ ngày 1.8.1948 và đặt trực thuộc quyền của Tổng Trấn Nam Phần.

Vốn là gốc băng đảng, nên ngoài việc giúp Pháp kiểm soát an ninh, Bảy Viễn đã nhúng tay vào các hoạt động của xã hội đen tại Sài Gòn và Chợ Lớn để có tiền tiêu xài, trong đó có việc bảo vệ các sòng bài cho Tàu Macao.

Sòng bài Đại Thế Giới (Grand Monde) do Đô Đốc Thierry d’Argenlieu, Cao Ủy Pháp kiêm Tổng Tư Lệnh tại Đông Dương, cho phép mở theo quyết định ngày 6.12.1946. Việc tổ chức sòng bài và các trò giải trí được cho đấu thầu. Trong năm 1947, một số những người Hoa làm ngân hàng ở Chợ Lớn đã trúng thầu. Họ trả cho Cao Ủy Pháp mỗi ngày 200.000 đồng Đông Dương, tương đương với 3.400.000 đồng francs cũ của Pháp thời đó. Qua năm 1948, một tổ hợp (consortium) của người Hoa ở Macao trúng thầu vì họ chịu trả cho Cao Ủy Pháp mỗi ngày đến 400.000 đồng. Ngày 5.3.1947, Nghị sĩ Emile Bollaert thuộc đảng Xã Hội được cử làm Cao Ủy Pháp thay thế D’Argenlieu. Vào tháng 12 năm 1948, Bollaert đã ký giấy phép cho tổ hợp này tiếp tục hoạt động, mặc dầu có sự phản đối của các nhà kinh doanh và nhiều giới ở miền Nam.

Ngày 25.4.1949, Đức Quốc Trưởng Bảo Đại về nước và ngày 1.7.1949 thành lập chính phủ mới do ông làm Thủ Tướng, nhưng mọi việc giao cho Tướng Nguyễn Văn Xuân, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng, và ông Nguyễn Phan Long, Tổng Trưởng Ngoại Giao, còn ông lên ở Đà Lạt chơi. Đến ngày 6.1.1950, Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân từ chức, Bảo Đại ủy nhiệm ông Nguyễn Phan Long đứng ra thành lập chính phủ.

Theo tài liệu của Pháp, vào hạ bán niên 1949, Bảy Viễn nhận được một phong bì có đóng dấu son. Trong phong bì là một tấm thiệp có viền vàng ở mép và mang triện của Hoàng Gia với nội dung bằng tiếng Pháp như sau:

“Sa Majesté Bao Dai souhaite recevoir le colonel Le Van Vien et s’entrtenir avec lui dans sa résidence de Dalat.” (Đức Quốc Trưởng Bảo Đại sẽ tiếp đại tá Lê Văn Viễn và thảo luận với ông tại dinh quốc trưởng ở Đà Lạt.)

Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Bảo Đại khen Bảy Viễn là người yêu nước và tỏ vẻ thân thiện. Vài tuần sau, Bảo Đại mời Bảy Viễn đi săn và nói ông muốn giúp Bảy Viễn làm chủ Đại Thế Giới. Dĩ nhiên là Bảy Viễn đồng ý ngay.

Bảy Viễn giao kế hoạch chiếm Đại Thế Giới cho Lai Hữu Tài. Chỉ trong một thời gian ngắn, Lai Hữu Tài đã gọi đủ vốn. Nhưng Bảy Viễn gặp một trở ngại là ông Trần Văn Hữu mới được Bảo Đại cử làm Thủ Tướng thay Nguyễn Phan Long do Sắc Lệnh số 37/CP ngày 6.5.1950. Ông Hữu không muốn Đại Thế Giới rơi vào tay Bình Xuyên vì Bình Xuyên đã quá độc lập với chính quyền, nay nếu được điều khiển Đại Thế Giới nữa, Bình Xuyên sẽ trở thành một quốc gia trong một quốc gia. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục, ông Hữu nói: “Dầu sao, không phải tôi giải quyết vấn đề. Quyết định thuộc về Đức Quốc Trưởng!…” (De toute manière, ce n’est pas à moi de tranhcher. La decision appartient au chef de l’Etat!…). Ông Hữu không biết rằng Bảo Đại đã trao quyền cho Bảy Viễn từ trước rồi!

Vào giữa tháng 12 năm 1950, Bảy Viễn tuyên bố sẽ đấu thầu Đại Thế Giới năm 1951 và tăng số tiền trả cho chính phủ mỗi ngày thêm 100.000 đồng nữa, tức 500.000 đồng thay vì 400.000 đồng như Tàu Macao đang trả. Tàu Macao có thể trả cao hơn Bảy Viễn để tiếp tục khai thác sòng bài, nhưng vì biết Bình Xuyên là một băng đẳng lớn, có đủ vũ khí và đang hoạt động dưới danh nghĩa “bảo vệ an ninh”, lại được Bảo Đại yểm trợ nên không dám đương đầu. Trịnh Tường, người đại diện nhóm Tàu Macao điều khiển Đại Thế Giới, phải nhường cho Bình Xuyên và âm thầm trở về Macao.

Kể từ ngày 1.1.1951, Bình Xuyên bắt đầu kiểm soát Đại Thế Giới và mỗi tháng nộp cho bảo Đại 240.000 đồng để ăn chơi. Còn gái và rượu, Bảo Đại muốn bao nhiêu cũng có. Ngày 22.4.1952, Bảo Đại ký Sắc Lệnh phong cho Bảy Viễn làm Thiếu Tướng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

Quả thật đúng như Thủ Tướng Trần Văn Hữu đã lo ngại, sau khi chiếm được Đại Thế Giới, Bảy Viễn đã biến dần Sài Gòn và Chợ Lớn thành một quốc gia trong một quốc gia. Ba tiểu đoàn của Bình Xuyên được biến thành trung đoàn do Thiếu Tá Minh làm Trung Đoàn Trưởng. Các binh sĩ mặc áo màu xanh dương. Những thành phần trong nội bộ bất tuân kỷ luật đều bị trừng phạt theo luật lệ riêng. Bảy Viễn cũng tổ chức một đội Hiến Binh riêng, được trang bị bằng súng Colts và dùi cui (matraque), có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp giữa quân đội Bình Xuyên với quân đội Pháp hay quân đội quốc gia.

Ngoài ra, Bảy Viễn còn cho thành lập những Ban Hành Động (Comités d’action), trong thực tế đó là Ban Ám Sát (Comités d’assassinats) gồm khoảng 150 người, mặc áo đen, đội mũ phớt màu hạt dẽ, mang vũ khí màu trắng, súng lục và lựu đạn. Mỗi lần đi hoạt động thường đi từng toán 2 hay 3 người. Những toán này được dùng để thanh toán bất cứ ai cạnh tranh hay chống lại các hoạt động của Bình Xuyên.

2.- Bảo Đại bán chức Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An cho Bình Xuyên: Hành động nói trên của Bảo Đại tuy cũng đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng không nghiêm trọng bằng hành vi sau đây:

Bảo Đại đã qua Pháp ngày 1.8.1953 để yêu cầu kiện toàn độc lập theo bản Tuyên Ngôn ngày 3.7.1953 của chính phủ Laniel. Trong thời gian ở Pháp, ông đã xuống nghỉ mát ở thành phố Cannes, nằm ở phía nam nước Pháp và hàng ngày đến chơi ở sòng bài Riviera. Riviera là vùng bờ biển ở Địa Trung Hải, nằm giữa thành phố Cannes của Pháp và thành phố La Spezia của Ý. Tại đây có nhiều trò vui chơi và sòng bài.

Cũng theo tài liệu của Pháp, sau khi chơi hết tiền, ngày 28.10.1953, Bảo Đại trở vể Việt Nam. Tháng 3 năm 1954, bảo Đại gọi Bảy Viễn lên Đà Lạt và nói:

– Trẩm cần Thiếu Tướng giúp một việc khẩn cấp. Trẩm cần 500.000 USD để bảo đảm tương lai cho các thứ phi của trẩm và tương lai của Jenny Wrong.

(Jenny Wong, đệ nhất thứ phi của Bảo Đại, một gái nhảy, đã theo Bảo Đại từ khi lưu vong ở Hồng Kông và thường được coi là gián điệp của Pháp).

Vừa nghe nói số tiền, Bảy Viễn muốn té ngữa ra. Tuy nhiên, Bảy Viễn cũng đã lấy lại bình tỉnh và thưa:

– Bệ hạ để cho thời hạn bao lâu?

Bảo Đại trả lời:

– Trong 72 tiếng đồng hồ.

Bảy Viễn thưa:

– Thần xin làm mọi điều thần có thể.

Bảy Viễn đã trở về Sài Gòn, đi gặp các tổ chức có ngoại tệ để vay cho được 500.000 USD đem lên nộp cho Bảo Đại. Đây chỉ mới là đợt nhất. Tướng Edward G.Lansdale cho biết, theo một nguồn tin từ người Pháp, Bảo Đại thiếu tiền ăn chơi ở Riviera, đã về bán chức Tổng Giám Đốc Công An Cảnh Sát Quốc Gia cho Bảy Viển với giá 44.000.000 đồng, tương đương với 1.250.000 USD theo gía chính thức lúc đó.

Ngày 9.4.1954, Bảo Đại đã ký Sắc Lệnh số 22-BNV cử Lai Văn Sang làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An Quốc Gia thay Đại Tá Mai Hữu Xuân. Ngày 10.4.1954, Bảo Đại rời Việt Nam qua Pháp lại.

Trong một báo cáo, ông McClintock, xử lý Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc đó, đã nói rằng tình trạng này cũng gióng như trường hợp đặt lực lượng cảnh sát Chicago dưới quyền điều khiển của Al Capone trước đây. (FRUS, 1952 – 1954, II, 1450 – 1460).

Al Capone, tức Alphonse Capone, còn được gọi là Scarface, là một trùm băng đảng nổi tiếng của Hoa Kỳ, đã kiểm soát các tổ chức tội phạm tại Chicago từ 1925 đến 1931.

Ngày 1.5.1954, Lai Văn Sang cử Lai Hữu Tài, cố vấn chính trị của Bảy Viễn làm Giám Đốc Công An Sài Gòn – Chợ Lớn, và cho thay thế tất cả các nhân viên công an và cảnh sát của Đại Tá Mai Hữu Xuân, đồng thời cho thành lập Công An Xung Phong để thanh toán các thành phần chống đối. Trước tình trạng này, Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia, phải cho thành lập Nha An Ninh Quân đội và cử Đại Tá Mai Hữu Xuân làm Giám Đốc để quy tụ những thành phần công an và cảnh sát bị sa thải lại. Trụ sở của nha này lúc đầu đặt tại góc đường Pasteur và đường Hùng Vương. Nhưng sau đó, An Ninh Quân Đội và Lực Lượng Bình Xuyên bắt đầu đối đầu với nhau.

Tướng Edward G.Lansdale kể lại, một hôm 3 cô gái Mỹ làm việc ở Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đã gọi điện thoại cho ông và cho biết hình như đang có đánh nhau trước sân nhà, họ gọi ông đến giúp. Ông tới thì thấy một đại đội lính Bình Xuyên đội mũ xanh đang ở thế chiến đấu trên đường phố và trong sân, và nã súng vào một nhà lầu hai tầng đối diện với ngôi biệt thự mà 3 cô gái Mỹ đang ở. Một quả lựu đạn từ trên lầu ném xuống nổ tung khiến đám lính bên ngoài xô nhau chạy. Ông đi kiếm người chỉ huy lính Bình Xuyên thì được biết họ đang chận bắt một người nào đó trong căn lầu. Lúc ông đang nói chuyện thì từ trong căn lầu có tiếng nói vọng ra cho biết họ chỉ chịu ra hàng với một sĩ quan Pháp chứ không ra hàng với Bình Xuyên. Sau khi ông dàn xếp, đám lính Bình Xuyên chịu rút lui. Một người đàn ông, bà vợ và hai đứa trẻ xuất hiện. Ông chở họ về tư dinh của Tướng Hinh ở Chợ Lớn. Thì ra ông ta là một sĩ quan cảnh sát có nhiệm vụ bài trừ phạm pháp!

3.- Theo đuổi cuộc ăn chơi: Sau khi nhận được tiền của Bảy Viễn, Bảo Đại xuống ở Cannes để hàng ngày đi đánh bạc. Mọi việc giao cho Vĩnh Đệ, Đổng Lý Văn Phòng Đức Quốc Trưởng ở Paris lo.

Ngày 25.1.1953, ông Donald R. Heath, Đại Sứ Mỹ tại Đông Dương (1951 – 1952), đã gởi một báo cáo cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng Bảo Đại không thể lãnh đạo hữu hiệu được. Ông cho rằng trong các chính phủ từ trước đến nay, chính phủ Nguyễn Văn Tâm là khá nhất, nên phải yểm trợ chính phủ này. Ông hy vọng sau khi miền Bắc ổn định xong, có thể đưa Nguyễn Hữu Trí, lãnh tụ Đại Việt, làm thủ tướng thay thế Nguyễn Văn Tâm.

Ngày 28.4.1953, Đại Sứ Heath lại làm một báo cáo về tình hình Đông Dương nói rằng Bảo Đại thông minh và biểu hiện sự đoàn kết Bắc – Nam, nhưng không có khả năng của một nhà lãnh đạo giỏi.

Ngày 20.5.1953, ông Robert McClintock, xử lý thường vụ Đại Sứ Hoa Kỳ tại Đông Dương lúc đó, đề nghị hoặc cắt giảm quyền hành vô giới hạn của Bảo Đại hoặc loại bỏ ông ta luôn.

Ngày 26.2.1954, Ngoại Trưởng Dulles tỏ ý muốn mời Bảo Đại qua Mỹ để thảo luận về vấn đề Việt Nam dưới hình thức đi chửa bệnh sán gan ở Mỹ. Nhưng ông Robert McClintock đã có suy nghĩ khác. Ông trình với Bộ Ngoại Giao: “Tôi không nghĩ rằng ngay cả các bác sĩ Mỹ có thể thay đổi bản chất của Nhà Vua.” (I do not think that even American doctors will be able to change His Majesty’s character). Do đó, việc này đã không được thực hiện.

Ngày 17.5.1954, ông McClintock gởi cho Washington một công điện, thúc giục rằng Bảo Đại phải trở về Việt Nam ngay. Nếu Bảo Đại không về được, Hoa Kỳ và Pháp làm áp lực với các phần tử ở trong nước truất phế (depose) Bảo Đại và thành lập Hội Đồng Phụ Chính (Coucil of Regency) với một chính phủ mới, soạn thảo một hiến pháp để có những quyền hành thực sự.

Khi thấy cần ổn định tình hình để đối phó với Cộng Sản và bảo vệ miền Nam, cả Paris lẫn Washington đều đi đến quyết định phải truất phế Bảo Đại như đã nói trên. Lúc đó ông Diệm vẫn chưa hay biết gì về quyết định này, nhưng Bảo Đại biết. Năm 1982, khi đến thăm California, ông Cao Xuân Vỹ có hỏi Bảo Đại: “Ngài nghĩ thế nào về việc ông Diệm tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế Ngài?” Bảo Đại trả lời: “Việc thế thì phải thế thôi. Pháp đã quyết định trước rồi!” Trong cuốn hồi ký “Con Rồng Annam”, Bảo Đại không hề trách ông Diệm về chuyện này.

PHẢI TRUẤT PHẾ BẰNG CÁCH NÀO?

Nghị quyết số NSC 5429/2 ngày 20.8.1955 của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ nói rõ rằng phải “truất phế Bảo Đãi một cách hợp pháp” (legally dethrone Bao Dai). Do đó, sau khi các đảng phái và giáo phái họp tại Dinh Độc Lập ngày 29.4.1955, thành lập Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng và ra tuyên bố:

-Tuyên bố truất phế Bảo Đại kể từ ngày 29.4.1955;

– Tuyên bố giải tán chính phủ Ngô Đình Diệm do Bảo Đại lập ra kể từ ngày 29.4.1955;

Ngày 3.5.1955, Tướng Collin đến gặp ông Diệm lúc 20 giờ và cho biết: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng nếu truất phế Bảo Đại theo yêu cầu của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia, tình hình sẽ rất nguy hiểm. (FRUS, 1955 – 1957, Vulume I, trang 359 – 360). Nói một cách khác, Bộ Ngoại Giao muốn truất phế Bảo Đại bằng con đường hợp pháp chứ không phải bằng đảo chánh như Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng đã làm. Ông Ngô Đình Nhu đã lưu ý các thành viên trong Hội Đồng về vấn đề này, nhưng một số thành viên của Hội Đồng không tán đồng.

Ngày 4.5.1955, Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng lại họp tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo. Một cuộc tranh luận gay cấn đã xẩy ra giữa phe Tướng Nguyễn Thành Phương và ông Nguyễn Bảo Toàn với phe thân chính phủ. Phe Tướng Phương nhất quyết đòi Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng phải là cơ quan lãnh đạo tối cao, quyết định truất phế Bảo Đại và tổ chức bầu cử quốc hội rồi trao quyền cho chính phủ mới. Ông Nguyễn Hữu Khai thuộc phe thân chính quyền đã lên diễn đàn lặp lại lập luận tại Dinh Độc Lập hôm 29.4.1955: Quyền trất phế Bảo Đại là quyền của toàn dân và quyền phế bỏ chế độ hiện tại và thành lập chế độ cộng hòa là quyền của Quốc Hội lập hiến sẽ được bầu, chứ không phải quyền của hội Hội Đồng. Theo phe này, Hội Đồng chỉ nên ủng hộ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, đưa ra đề nghị trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Đại và tổ chức bầu cử quốc hội để thành lập chế độ cộng hòa mà thôi. Còn việc thực hiện là do chính phủ hiện tại làm chứ Hội Đồng không có quyền làm.

Khi cuộc tranh luận trở nên gay cấn, ông Nguyễn Hữu Khai đã nằm lăn trên sân khấu la hét để phản đồi. Kết quả, hội nghị phẩi giải tán và không đưa ra được quyết định dứt khoát nào.

Để đối phó với nhóm Nguyễn Bảo Toàn và Nguyễn Thành Phương, ông Ngô Đình Nhu đã trình ông Diệm triệu tập hội nghị đại biểu các hội đồng thành phố và thị xã vào ngày 6.5.1955 tại Dinh Độc Lập. Hội nghị đã thảo luận và đưa ra một kiến nghị gồm 3 điểm chính sau đây:

– Tỏ lòng thành kính đối với các chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc và hoàn toàn tín nhiệm Quân Đội trong việc chống Cộng.

– Yêu cầu Quốc Trưởng Bảo Đại trao quyền lại cho Quốc Dân Đại Hội sau khi Quốc Dân Đại Hội được bầu.

– Trong khi chờ đợi, hãy trao toàn quyền cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ổn định tình thế và triệu tập Quốc Dân Đại Hội trong vòng 6 tháng.

Lấy lý do hội đồng thành phố và thị xã là những tổ chức hợp pháp được thiết lập do Sắc Lệnh ngày 27.12.1952 và đại biểu của các hội đồng này là những người được dân bầu, nên có tư cách đại diện dân hơn Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố sẽ hành động dựa trên nghị quyết của đại biểu các hội đồng thành phố và thị xã chứ không dựa trên các nghị quyết của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng.

Biến cố này lại đưa tới sự nức rạn giữa phe ủng hộ ông Diệm. Ông Nguyễn Bảo Toàn, Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng, quay lại chống ông Diệm. Ông đã tham gia cuộc đảo chánh lật đổ ông Diệm ngày 11.11.1960 nhưng bất thành, ông bỏ trốn qua Phi Luật Tân và bị Tòa Án Quân Sự tuyên án tử hình khiếm diện. Tháng 11 năm 1962 ông lén trở về thì bị bắt cóc và có tin nói rằng đã bị mật vụ của ông Diệm thủ tiêu.

Ông Hồ Hán Sơn, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng, người thường đại diện cho nhóm Việt Nam Phục Quốc Hội của Tướng Nguyễn Thành Phương. Ông là người Hà Tĩnh, vào Nam năm 1954, làm huấn luyện viên chính trị cho các sĩ quan Cao Đài của Tướng Nguyễn Thành Phương, có soạn cuốn “Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh” và rất được Tướng Phương tin dùng. Về sau vì đi ăn cơm với ông Trần Chánh Thành, Bộ Trưởng Thông Tin của chính phủ Ngô Đình Diệm, nên bị Tướng Phương nghi là nội gián của ông Nhu, đã lập tòa án đưa ra xét xử về tội “tư thông với địch” và tuyên án tử hình. Tháng 2 năm 1956 ông bị Bí Thư của Tướng Phương giết rồi đem thây bỏ xuống giếng và lấp lại.

Ông Nhị Lang, Tổng Thư Ký của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng, là người phản đối chủ trương của Nguyễn Bảo Toàn và Nguyễn Thành Phương. Ông có bút hiệu Thái Lân, sinh ngày 1.2.1923 tại Quế Sơn, Quảng Nam. Năm 1951 vào làm Cố Vấn Chính Trị cho Tướng Trình Minh Thế và rất được Tướng Thế tin dùng. Tuy nhiên, sau khi Tướng Thế bị chết và Hồ Hán Sơn bị giết, ông sợ bị thanh toán nên bỏ trốn qua Nam Vang ngày 20.2.1956. Về sau ông tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ông đã qua đời ngày 29.3.2006 tại Colorado, Hoa Kỳ.

CÁI CHẾT CỦA TƯỚNG THẾ

Theo tài liệu của Mỹ, trước khi mở cuộc tấn công Bình Xuyên, ông Diệm đã cho ông Ngô Đình Luyện đến gặp Bảo Đại. Sau khi bắt đợi ít ngày, Bảo Đại đã tiếp ông Luyện. Ông Luyện trình Bảo Đại rằng Hoa Kỳ đã gián tiếp đồng ý để ông Diệm đánh dẹp Bình Xuyên. Ông Luyện còn đề nghị biếu Bảo Đại 300 triệu francs nếu Bảo Đại ủy quyền cho ông Diệm toàn quyền dùng quân lực để ổn định tình hình, nhưng Bảo Đại từ chối. (FRUS, 1955 – 1957, Volume I, document 160).

Trước sự khiêu khích và quấy phá của Bình Xuyên, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã re lệnh cho Bộ Tổng Tham Mưu lập kế hoạch đánh bật Bình Xuyên ra khỏi Đô Thành. Bộ Tổng Tham Mưu đã cho huy động các đơn vị sau đây để mở cuộc tấn công Bình Xuyên:

– Liên Đoàn Nhảy Dù bố trí dọc Kinh Đôi, đối diện với Chấn Hưng.

– Trung Đoàn 60 của Tướng Trình Minh Thế phụ trách khu Khánh Hội.

– Các tiểu đoàn của Phân Khu Sài Gòn – Chợ Lớn, Phân Khu Mỹ Tho và các khóa sinh Trung Tâm Huấn Luyện Quang Quang làm lực lượng yểm trợ.

Đêm 30.4.1955, Quân Đội Quốc Gia bắt đầu pháo kích vào các khu Bình Xuyên.

Ngày 1.5.1955, Liên Đoàn Dù đã chia làm hai cánh mở cuộc tấn công vào khu Bình Xuyên, một cánh tiến qua ngả Cầu Chữ Y đánh thẳng vào đại bản doanh của Bộ Tư Lệnh Bình Xuyên, và một cánh băng qua đồng ruộng tiến chiếm khu Chánh Hưng. Liên Đoàn Dù đã chiếm hai mục tiêu này một cách dễ dàng. Quân Bình Xuyên dùng 3 tàu LCVP, 4 tàu tuần tra (vedette), 15 tàu nhỏ kéo theo khoảng 30 ghe chài chạy về mương Chuối, ra sông Xoài Ráp, đến cù lao An Thới, rồi từ đó đi vào Rừng Sát.

Tướng Trình Minh Thế
Tướng Trình Minh Thế

Quân của Tướng Trình Minh Thế tiến chiếm vùng bên kia cầu Tân Thuận. Chiều 3.5.1955, Tướng Thế dùng xe jeep đi thám sát mặt trận, khi tới dốc cầu Tân Thuận thì bị bắn tử thương. Ông Nhị Lang, Cố Vấn Chính Trị của Tướng Thế cho biết lúc 7 giờ chiều, Tướng Thế đã bị một viên đạn súng Carbine bắn vào lỗ tai, xuyên qua mắt trái, tròng mắt bay mất. Một con mắt nhắm lại, hàm răng giả cũng bay mất. Các chuyên gia cho rằng người bắn viên đạn đó không thể đứng xa hơn 10 thước, có lẻ đang nấp dươi chân cầu. Đại Úy Tạ Thành Long lúc đó đang điều khiển quân ở chân cầu Tân Thuận, thấy có một chiếc Frégate (giang thuyền) đang đậu bên kia cầu, ông nghi là của Pháp đang giả vờ đậu đó để làm dấu cho quân đối phương tác xạ, ông liền ra lệnh bắn vào chiếc tàu đó. Toán điều tra tin rằng người bắn Tướng Thế đã đứng trên chiếc Frégate của Pháp đang đậu bên chân cầu.

Trong cuộc gặp gỡ Tướng Collins lúc 6 giờ chiều ngày 3.5.1955, Tướng Ély giải thích rằng chiếc giang thuyền nói trên do Pháp cung cấp cho Cảnh Sát Việt Nam và đã được Bình Xuyên xử dụng. Nhưng cơ quan điều tra tin rằng khi xẩy ra vụ bắn Tướng Thế, chiếc giang thuyền đó đang do các binh sĩ Pháp điều khiển.

NHỮNG THÙNG TIỀN VÀ VÀNG

Chiến Dịch Hoàng Diệu dẹp loạn Bình Xuyên do Đại Tá Dương Văn Minh, chỉ huy trưởng Phân Khu Sài Gòn – Chợ Lớn làm Chỉ Huy Trưởng, Trung tá Nguyễn Khánh làm Chỉ Huy Phó và Thiếu Tá Nguyễn Hữu Hạnh làm Tham Mưu Trưởng. Lực Lượng đóng vai trò then chốt là Liên Đoàn Dù. Liên Đoàn này do Đại Tá Đỗ Cao Trí làm Chỉ Huy Trưởng, còn Thiếu Tá Nguyễn Chánh Thi làm Chỉ Huy Phó.

Trong cuốn “Việt Nam một trời tâm sự”, Tướng Nguyễn Chánh Thi có kể lại:

“Khi tình hình ở đây được hoàn toàn yên ổn, tôi được quan sát tận mắt sự đào hầm giấu tiền và các bộ mặt căng thẳng của Bộ Tư Lệnh của Đại Tá Dương Văn Minh và Trung Tá Nguyễn Khánh mà đâm ra hoài nghi.

“Trung Tá Nguyễn Khánh lúc đó chơi trò “cao bồi”, hai tay cầm hai khẩu súng lục, miệng nói: Cấm không ai được đến gần đây cả!

“Tiền!” Thật là khó coi? Chán mắt!

“Tôi lạnh lùng cho chiếc tàu của tôi trở về vị trí đóng quân, trong lòng tôi suy nghĩ miên man về thái độ cử chỉ của bọn họ. Tin ít mà ngờ nhiều.” (tr. 27 và 28).

Đại Tá Nguyễn Văn Y, cựu Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia kiêm Giám Đốc Phủ Đặc Ủy Trưởng Trung Ương Tình Báo của VNCH đã kể lại như sau:

Lúc đó ông là Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Chợ Lớn, chỉ huy Tiểu Đoàn 184. Vào khoảng tháng 5 năm 1955, sau khi đánh đuổi quân Bình Xuyên chạy vào Rừng Sát, ông đã thả các nhân viên Phòng 2 đi thăm dò ven rừng. Các nhân viên này thấy một người đang ngồi câu cá trên một chiếc xuồng ở một khu vắng, dáng điệu rất khả nghi, nên bắt về thẩm vấn. Sau nhiều cuộc tra hỏi, người này thú nhận anh ta là một cận vệ của Bảy Viễn, được phái ở lại giữ hai thùng phuy vàng và bạc đã phải nhận chìm xuống nước trước khi chạy trốn. Ông đã cho thợ lặn xuống tìm nhưng không thấy. Nhân viên Phòng 2 tiếp tục phỏng vấn, người này quả quyết nơi anh ta làm dấu đúng là nơi đã nhận 2 thùng phuy xuống. Thấy thái độ quả quyết của anh này, ông cho thợ lặn xuống mò một lần nữa, nhưng trong một khu rộng hơn. Quả nhiên, thợ lặn đã vớt được hai thùng này cách xa nơi đánh dấu khoảng 100 thước, vì bị nước cuốn trôi đi. Đây là hai thùng đựng dầu xăng loại 200 lít.

Công cuộc kiểm tra cho thấy một thùng đựng bạc giấy, còn một thùng đựng vàng. Bạc giấy toàn là loại 500$, được gói trong những bao nilon nhỏ, có nhiều bao bị nước thấm nước. Ông bảo nhân viên đem số bạc ướt phơi khô rồi đưa tất cả đi nạp vào ngân khố. Còn thùng vàng được chở đến giao cho Quân Trấn Sài Gòn do Đại Tá Dương Văn Minh làm Quân Trấn Trưởng. Tướng Nguyễn Khánh, lúc đó là Trung tá Nguyễn Khánh Chỉ Huy Phó của Đại Tá Minh, cho biết số vàng này khi giao nạp đã được bỏ vào trong hai cái rương, nhưng rồi sau đó không còn nghe Dương Văn Minh nói gì về số vàng này.

Ông Diệm đã ra lệnh điều tra vụ này. Hai người được trao nhiệm vụ điều tra là Thẩm Phán Lâm Lễ Trinh, Biện Lý Tòa Sơ Thẩm Sài Gòn, và Thiếu Tá Mai Hữu Xuân, Giám Đốc An Ninh Quân Đội. Khi ông Lâm Lễ Trinh hỏi về số vàng này, Tướng Minh đã sừng sộ và giận dữ, nói rằng ông Diệm là người bội bạc, ông đã giúp ông Diệm đánh dẹp Bình Xuyên mà còn hỏi cái gì. Còn Đại Tá Mai Hữu Xuân không dám điều tra mà chỉ làm một phúc trình nói rằng số vàng đó được coi như chiến lợi phẩm, nên để anh em chia nhau!

Ông Cao Xuân Vỹ cho biết khi ông Nguyễn Ngọc Thơ đề nghị cho Tướng Dương Văn Minh chỉ huy Chiến Địch Đinh Tiên Hoàng để bắt Ba Cụt, ông Diệm đã nói với ông Nhu: “Thôi, cho nó đi cho yên!”

Vài nét lịch sử trên đây chắc chắn đã làm nhiều người cảm thấy đau buồn, nhưng sẽ giúp chúng ta và các thế hệ kế tiếp hiểu chính xác hơn về các biến cố đã xẩy ra trên đất nước và phải tìm cách để những thảm trạng như thế đừng tiếp tục xẩy ra nữa.


Lữ Giang

Comments

Popular posts from this blog