Sự hiện diện của Công Luận-Bài 2:  
Cán bộ Cộng sản nằm vùng trong Trung Tâm Văn bút Việt Nam

Nguyễn Tà Cúc



            Trong bài "Sự hiện diện của Công Luận" trước đây, tôi đã trình bày về sự mâu thuẫn và ngụy biện của Phó Chủ tịch Bùi Nhật Tiến, Trung Tâm Văn bút VN, khi đòi hỏi một   "Công Luận luôn luôn đứng về phía lẽ phải, tôn trọng phẩm giá và đạo làm Người..." nhưng chính ông ta lại vi phạm nguyên tắc ấy bằng Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn bút Việt Nam, một cuốn sách mà tác giả không tuân thủ những quy luật căn bản khi trình bày một hay nhiều tài liệu kèm theo thái độ bất xứng khi bị phản bác. Sự thể đó tuy càng làm nổi bật sự không ngay thẳng của ông ta, nhưng trên hết thẩy, lại rất hữu ích khi khuyến khích người nghiên cứu xét lại nguồn gốc thành lập cũng như hoạt động của Trung Tâm VBVN hầu truy nguyên thái độ phi văn nghệ ấy.
            Cũng qua những bài vừa rồi, tôi đã chứng minh quả có bàn tay của Trùm Mật Vụ Trần Kim Tuyến trong sự thành lập Nhóm Bút Việt-Trung tâm VBVN và sau này, bàn tay của người Cộng sản qua hành động của Chủ tịch Thanh Lãng song song với thành tích của các hội viên cán bộ nằm vùng Vũ Hạnh và Nguyễn Nguyên. Cho tới nay, độc giả đã có thể so sánh địa chỉ Số 25 Đường Võ Tánh của trụ sở Nhóm Bút Việt khi nộp đơn xin thành lập trên hồ sơ với Tòa soạn báo Tự Do Số 25-27 Đường Võ Tánh của Trần Kim Tuyến-Phạm Việt Tuyền [căn cứ trên tin tức xuất hiện ngay trên nhật báo Tự Do sau khi bị sang đoạt và giao cho Phạm Việt Tuyền.]





Độc giả cũng có thể xét tới tâm sự của Trần Kim Tuyến-- liên quan đến Phạm Việt Tuyền, tờ Tự Do, Trung Tâm VBVN--được thuật lại qua ba cuốn sách đã được xuất bản mà tác giả là ký giả Vĩnh Phúc và nhà báo kỳ cựu Đăng Văn Nhâm, 2 người đã phỏng vấn ông trước khi Trần Kim Tuyến qua đời. Độc giả cũng có thể chứng kiến hành động nằm vùng của Vũ Hạnh và sự ngang ngạnh của Linh mục Thanh Lãng khi biến Trung Tâm VBVN thành một nơi trú ẩn an toàn cho các cán bộ văn hóa nằm vùng Cộng sản. Hơn hết thẩy, độc giả cũng có dịp phán xét thái độ láo xược của Tổng Thư Ký Nhật Tiến khi chỉ trích Chủ tịch Vũ Hoàng Chương nặng nề trước công luận; và dĩ nhiên, thái độ kiêu ngạo của học giả Thanh Lãng khi ông nhân danh một hội những người cầm bút, vu khống chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nhiều lần. Thanh Lãng đã được dậy một bài học khi Quốc Vụ khanh Mai Thế Truyền, cũng trước công luận,  đặt Thanh Lãng trở lại vị trí của một cái "bao tử". Bởi thế, Nhật Tiến cũng nên được dậy một bài học: Ông ta phải biết tôn trọng quyền phát biểu của các nhân chứng hay những thành phần khác trong cộng đồng ông ta đã và muốn sinh hoạt, những người tạo nên Công luận. Bài học này, thật ra không có chỉ Nhật Tiến mới cần nên học.
            I-Chúng ta đi mang theo Miền Nam và Văn học Miền Nam: Người dân Miền Nam viết lịch sử Miền Nam
            Tôi nhận thấy, khi nghiên cứu về Văn học Miền Nam, đã có vài nhà văn, chỉ vì được độc giả và đồng nghiệp nuông chiều, đã trở thành mù quáng, sinh ra khinh lờn chính cộng đồng nưôi dưỡng họ. Một thí dụ tương tự như Nhật Tiến là Nhã Ca. Từ một nhà văn chỉ thuộc vào loại trung bình của Văn học Miền Nam nhưng được tán tụng một cách quá lố bởi vài đồng nghiệp không có thẩm quyền trong ngành phê bình, Nhã Ca cũng đã có một thái độ kiêu căng đến nỗi, sau 1975 và rời Miền Nam, đã phát biểu tương tự như Nhật Tiến về những người bất đồng ý kiến với một vấn đề tương tự.
            Điều đáng nói ở đây, cũng như Nhật Tiến với những cái đầu "đông đá" trong chủ trương "Trăm hoa vẫn nở trên quê hương" của ông ta, Nhã Ca lớn lối kết án "nhiều cái đầu" trong một phát biểu cực kỳ kệch cỡm về cuộc thảm sát Mậu Thân Huế tại một đại học từng nổi tiếng chống sự tham dự của chính phủ Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam:  "Vậy mà cho tới nay, tại Việt Nam cũng như tại nhiều nơi, trong nhiều cái đầu, vẫn chưa thấy nghĩ lại...."
            Tuy bà ta không nêu đích danh "nhiều nơi" ấy là tại đâu, nhưng tại Hoa Kỳ, hẳn phải có "nhiều cái đầu" của người Miền Nam. Hoa Kỳ cũng chính là nơi bà ta được hưởng tự do nhờ "nhiều cái đầu " thuộc "thế hệ" tại Miền Nam đã đổ máu để bảo vệ bà ta ăn trên ngồi chốc; sau 1975, "nhiều cái đầu" thuộc "thế hệ" ấy chạy sang tỵ nạn tại ngoại quốc lại tiếp tục gõ cửa thế giới kêu cầu cho bà ta và các nhà văn bị cầm tù khác. Tôi quả chưa thấy Nhã Ca có lời cảm ơn nào tới họ --thí dụ điển hình Trưởng Ủy ban Văn nghệ sĩ Bị Cầm tù Trung tá/nhà văn Không quân Trần Tam Tiệp, người từng cộng tác với báo Đen cùng vợ chồng Nhã Ca ở Sài gòn--mà cho tới nay, chỉ phải đọc và nghe những lời kết án đầy khinh miệt cả một thế hệ nhân dân Miền Nam, nhất là trước một cử tọa ngọai quốc. 
            Rất  nhiều người trong thế hệ này rồi ra vì không có danh như nhà- văn- Nhã -Ca mà sẽ không được thế giới biết đến nên bỏ mạng nơi chiến trường, nơi rừng sâu, nơi trại giam tù "cải tạo" hay sống ngoắc ngoải hết ngày tàn. Nhưng cái tội "tàn sát" , "tàn phá", và "chịu trách nhiệm" về một cuộc "nội chiến" với những thành tích đẫm máu rõ ràng của người Cộng sản, rồi ra họ sẽ phải gánh chịu qua lời tựa của Giải khăn sô cho Huế cách đây nửa thế kỷ và còn tiếp tục cho tới bây giờ khi Nhã Ca đăng -đàn- [biểu] diễn- thuyết tại Berkeley.
            Nếu Nhật Tiến đã nói tới  những "đầu óc" bị "đông đá" trong cộng đồng tỵ nạn  "cái cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại vốn đã từng có nhiều năm chất ngất hận thù đến độ không chấp nhận một sự suy tư nào khác hơn là sự suy tư đã đông đá trong đầu óc của họ...."[https://nhavannhattien.wordpress.com/1hanh-trinh-chu-nghia-chuong-20/] thì Nhã Ca từng lên gân biểu diễn lòng bác ái của một thứ Thị Màu hầu phỉ báng "nhiều cái đầu vẫn chưa thấy nghĩ lại". Tại sao họ phải "nghĩ lại" trong khi chính họ hay gia đình là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam?! Trong khi càng ngày, nhà cầm quyền Cộng sản càng không thể che giấu được "trách nhiệm về cuộc tàn sát Tết Mậu Thân cũng như cả cuộc nội chiến"? Trong khi họ không đồng quan điểm về việc bà ta nhập nhằng hầu đánh tráo cuộc nội chiến của Hoa Kỳ với cuộc chiến sinh tử giữa tự do và cộng sản của Miền Nam Tự Do khi bị xâm lấn bởi Miền Bắc Cộng sản với một khối Cộng sản Thế giới đứng sau. Trong khi họ không thể đồng ý với việc nạn nhân "cùng đứng trước bàn thờ ngày giỗ"  với kẻ sát nhân? Trong khi họ càng không chấp nhận thứ lý luận vu khoát "anh em một nhà bị đầy tới chỗ giết nhau, thù hận nhau" vì ai giết ai, ai thù hận ai? Nhất là trong trường hợp này, của Giải khăn sô cho Huế,  hơn 4.000 dân Huế bị thảm sát bằng nhiều cách dã man nhất? Ai giết họ? Ai thù hận họ?
             Vậy mà bà ta, đã đứng trước một cử tọa gồm nhiều sinh viên trẻ, Mỹ và Việt hay Mỹ gốc Việt; trước quan khách tại Đại học Berkeley, California, Hoa Kỳ, thản nhiên đọc một bài viết soạn sẵn, có những câu mà tôi trích thượng dẫn, như sau:
            -"Lịch sử có ghi là hai năm trước khi Nội chiến Nam Bắc Mỹ kết thúc, tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã chỉ định "một ngày tủi nhục quốc gia" cho nước Mỹ. Trong ngày này ông đã kêu gọi cả nước nhận chung "tội lỗi của chúng ta" và cùng nhau xưng tội, cầu nguyện sự tha thứ. "Ngày tủi nhục quốc gia" được công bố tại Mỹ là ngày 30 tháng 3 năm 1863. Đã hơn 150 năm. Nội chiến Hoa Kỳ chấm dứt vào vào tháng Tư năm 1865 [...] Sau Tết Ất Mùi, sang năm sẽ là Tết Bính Thân. Sắp thêm một năm Thân. Chiến tranh Việt Nam, anh em một nhà bị đầy tới chỗ giết nhau, thù hận nhau. Tháng Tư 1975 của Việt Nam- sau tháng Tư của nước Mỹ 110- thêm cả triệu người miền Nam bị thủ tiêu, tù đày, chìm dưới đáy biển. Vậy mà cho tới nay, tại Việt Nam cũng như tại nhiều nơi, trong nhiều cái đầu, vẫn chưa thấy nghĩ lạiTrong bài "Tựa Nhỏ: Viết Để Chịu Tội" mở đầu sách Giải Khăn Sô Cho Huế, tôi có viêt rằng chính thế hệ chúng ta, thế hệ của tôi phải chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát Tết Mậu Thân cũng như cả cuộc nội chiến. Tầm nhìn thế hệ không phải phân biệt tả hữu, nam bắc. Sau đó là lời mời gọi cùng đứng trước bàn thờ ngày giỗ...." [Nhã Ca, 47 Năm Sau Vụ Tàn Sát Tết Mậu Thân Giải Khăn Sô Cho Huế Tới UC Berkeley. Đăng ngày 28/02/2015- https://vietbao.com/a234271/47-nam-sau-vu-tan-sat-tet-mau-than-giai-khan-so-cho-hue-toi-uc-berkeley * Tôi in đậm và gạch dưới]
            Không lần nào đọc đến đoạn này mà tôi không phì cười khi tưởng tượng một Nhã Ca sì sụp trước "bàn thờ ngày giỗ" nhưng vẫn liếc mắt vênh váo sang "tả hữu nam bắc":  "chính thế hệ chúng ta, thế hệ của tôi phải chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát Tết Mậu Thân cũng như cả cuộc nội chiến. Tầm nhìn thế hệ không phải phân biệt tả hữu, nam bắcSau đó là lời mời gọi cùng đứng trước bàn thờ ngày giỗ "... "chính thế hệ chúng ta, thế hệ của tôi phải chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát Tết Mậu Thân cũng như cả cuộc nội chiến. Tầm nhìn thế hệ không phải phân biệt tả hữu, nam bắc. Sau đó là lời mời gọi cùng đứng trước bàn thờ ngày giỗ "... " chính thế hệ chúng ta, thế hệ của tôi phải chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát Tết Mậu Thân cũng như cả cuộc nội chiến Tầm nhìn thế hệ không phải phân biệt tả hữu, nam bắc. Sau đó là lời mời gọi cùng đứng trước bàn thờ ngày giỗ"...
            Để rồi một hồi chuông gióng lên từ chùa Thiên Mụ, Huế; hay từ đại hồng chung nơi một cảnh chùa của người Việt tỵ nạn, vang lên phẫn nộ " Thế hệ nhân dân Miền Nam phải chịu trách nhiệm về  cuộc tàn sát Tết Mậu Thân cũng như cả cuộc nội chiến ?" ..."Thế hệ nhân dân Miền Nam phải chịu trách nhiệm về  cuộc tàn sát Tết Mậu Thân cũng như cả cuộc nội chiến ?" ... "Thế hệ  nhân dân Miền Nam phải chịu trách nhiệm về  cuộc tàn sát Tết Mậu Thân cũng như cả cuộc nội chiến ?"...

           
Dĩ nhiên, theo tôi, câu "Tầm nhìn thế hệ không phải phân biệt tả hữu, nam bắc" là một câu bào chữa rất vụng, kiểu đâm lao thì phải theo lao, nhưng khó có ai quên rằng kẻ phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến và cuộc thảm sát tại Huế chính là Đảng Cộng sản và các nhân sự liên hệ, chứ chắng dính dáng gì đến hàng triệu người dân Nam hay Bắc trong cùng thế hệ với bà ta. Sau nữa, hẳn bà ta không nhớ rằng tội sát nhân là một thứ tội rất nặng, nhất là sát nhân tập thể. Hình phạt cho thứ tội ác đó có thể chỉ giản dị bằng"cùng đứng trước bàn thờ ngày giỗ" hay sao?  Ngược lại, đó là một thứ tội ác cần đưa ra Công luận Thế giới để ghi vào lịch sử Nhân loại hầu trả lại Công Lý cho nạn nhân dù có muộn màng đến đâu. Quan trọng không kém, cả Nhã Ca lẫn Nhật Tiến có quyền hòa giải hay "mời gọi" người khác "cùng đứng trước bàn thờ ngày giỗ" với kẻ sát nhân/hay đứng sau những kẻ sát nhân/hay nạn nhân/hay người dân Việt Nam; nhưng họ không thể phỉ báng người khác có những cái đầu "đông đá" hay những "cái đầu chưa thấy nghĩ lại" khi bị phản đối với chứng cớ. Tôi, một người dân Miền Nam, sẵn sàng chứng minh họ không thể tiếp tục mà không bị phản bác.
            Tôi đưa trường hợp Nhã Ca, bên cạnh trường hợp Nhật Tiến, để cho thấy lịch sử Miền Nam và văn sử Miền Nam không thể trở thành một lãnh vực độc quyền của họ. Bởi thế, chúng ta-người Miền Nam--nhất  là người Miền Nam tỵ nạn-- cần lên tiếng bằng tài liệu và/hay nhân chứng hầu không cho phép loại "nhà văn" ấy ngang nhiên khua môi múa mỏ như chỗ không người; và cũng để bảo vệ những người đã qua đời, những người thấp cổ bé miệng không thể tự bảo vệ.
            Về Trung Tâm VBVN, dù Nhật Tiến cố gắng tấn công những người đã phát biểu ngược lại, ông ta quên rằng còn những tài liệu khác từ trước 1975. Những tài liệu sau đây-- từ Trần Phong Giao và Nguiễn Ngu Í, hai người cầm bút tên tuổi mà cũng là hội viên từng đảm trách một chức vụ trong ban chấp hành của Trung Tâm VBVN--tự chúng quyết định hai điều: Thứ nhất, sự yếu kém của Trung Tâm VBVN cả về nhân sự lẫn thành tích hoạt động; và thứ hai, những lấn cấn liên quan đến cách tổ chức, tài chính, trao giải thưởng hay quá ấu trĩ khi phải đương đầu với người Cộng sản. Những tài liệu này tương phản dữ dội với các tin tức do Nhật Tiến đưa ra hay dẫn tới các khía cạnh mà ông ta không đưa được ra.  Mặt khác, sự ấu trĩ không những về tình hình văn nghệ mà còn về tình hình chính trị sẽ cho thấy có lẽ, mãi đến tận bây giờ, cả chục năm sau, ông ta cũng chưa nhận biết được đã bị cán bộ văn hóa nằm vùng Cộng sản cho "vào xiếc" một cách thê thảm như thế nào.

II-Tài liệu về TT VBVN từ Trần Phong Giao và Nguiễn Ngu Í

            Một trong những người làm thiệt hại nhất cho Trung Tâm VBVN khi lên tiếng lại là Trần Phong Giao, từng đảm nhận phần vụ Thư ký Tòa soạn cho tờ Tin Sách, Cơ quan ngôn luận của Trung Tâm VBVN, trên dưới khoảng 4 năm, nếu tôi không nhầm.  Ông chính là  Thư ký Tòa soạn tạp chí Văn rất nhiều năm, được coi như đã  gây dựng và tạo tên tuổi cho tạp chí này.  Văn học Miền Nam dành một chỗ đứng đặc biệt, trang trọng cho ông. "Thư -Trung" là một bút hiệu khác của Trần Phong Giao.
            Bởi thế, nhận xét sau đây của ông, qua một lá thư trả lời độc giả sẽ được xác nhận phần náo qua bài tường thuật của hội viên Nguiễn Ngu Í, người cũng từng giữ nhiệm vụ tương tự trong vòng 1 năm. Phát biểu của ông, dựa trên kinh nghiệm nội bộ lâu dài và có lẽ, vào sự khinh bỉ sâu xa với một hội tuy nhân danh nhà văn Việt Nam, lại được chính quyền trợ cấp nhưng không xứng đáng với sự tin cậy đó. Đây là thư trả lời của ông về thực lực rất hạn chế của Trung Tâm VBVN, về thực tế hiển nhiên đã được thành lập qua chính phủ và về một giải thưởng mà một hội viên cũng có tiếng thân Cộng trúng hai giải! Dĩ nhiên không ai phê bình ban giám khảo, lời chỉ trích này chỉ có thể dành cho cơ quan tổ chức. Nội sự kiện  một tác gia không nổi tiếng [Minh Quân] trúng 2 giải, đủ nói lên sự nhận xét chính xác của Trần Phong Giao:

            -"Các bạn Vũ Anh Κa, Quảng ngãi - Νguyễn thị Lyn, Biên-hòa. hỏi : 1). Ở Việt-Nam ta có bao nhiêu hội nhà văn đã được thành lập ? 2) Số tuổi và những hoạt động đáng kể của các hội nhà văn ấy ? 3) Địa-chỉ của Trung-tâm Văn-Bút Việt-Nam ? 4) Trong ban biên tập của Văn, có nhà văn nào là hội viên của hội kể trên không ?
            "Đáp : 1) Theo chỗ chúng tôi được biết thì hiện có 2 hội nhà văn là Hội các nhà Văn Việt Nam và Trung-tâm Văn Bút Việt-Nam.
"2) [...] Còn Hội Văn-Bút Việt-Nam là một trung tâm địa phương của Hội Văn bút Quốc tế, được thành lập từ năm 1957 qua trung gian chánh quyền thời đó.  Cho tới nay, TTVBVN có một số hoạt động lẻ tẻ như tổ chức nói chuyện, ấn hành kỷ yếu, gửi người đi tham dự các hội nghị quốc tế, tổ chức giải thưởng văn chương v.v... nhưng hoạt động rất rời rạc, không gây được thành tích cũng như tiếng vang đáng kể nào, trong nước cũng như ngoài nước. Hội này, trên danh nghĩa, đã quy tụ được một số hội viên khá đông nhưng thực tế thì số hội viên thực sự tham gia vào các công tác của hội lại chỉ có một số ít. Đó cũng chinh là một nguyên cớ chính đã khiến cho các hoạt động của hội không thâu được  những thành quả đáng kể.  3). Số 36/59 đường Cô Bắc, Sài gòn.  4) Trong Ban Biên-tập của Văn, có hai ông Vũ-đình Lưu và Nguyễn - đình Toàn, trước đây có gia nhập Trung-tâm Văn-Bút Việt-Nam, nhưng từ ba năm nay, hầu như hai ông đã không tham dự vào một công tác nào của hội đó cả.
"5). Câu hỏi chót của bạn, chúng tôi không nêu ra vì khỏi trả lời và e ngại gây ra hiểu lầm. Chỉ xin vắn tắt: a) Có uy tín lắm chứ, vì nếu không có uy tín thì tại sao chánh quyền lại giúp đỡ phương tiện cho hội đó cử người đi họp các hội nghị quốc tế với tư cách đại diện cho các nhà văn Việt-Nam ? b) Có uy tín thật không nhỉ ? Khi mà cả một cuộc thi văn chương, mặc dầu đã hoãn đi hoãn lại ngày khóa sổ cuộc thi mà rút cục cũng chỉ có năm người dự thi. (Trong 5 người này, có tới mấy người lại chính là hội viên của hội tổ chức giải thưởng ?) và sau chót giải lại được trao tặng vào tay một hội viên, vốn là "người anh em" với những ba bốn vị trong ban giám khảo ? c) tiền trao tặng giải thưởng, nếu chúng tôi không lầm, là tiền đi xin của bộ Xã-hội. d) những thắc mắc khác, qúy bạn có thể viết hỏi thẳng Trung tâm VBVN, địa chỉ kể trên ..." [Thư -Trung, Giải đáp thắc mắc bạn đọc, Văn Số 70, Ngày 15.11. 1966, trang 121-122 "

            Không chỉ Trần Phong Giao, Nguiễn Ngu Í cũng tường thuật tương tự:

            -"Để thúc đẩy và khích lệ phong trào sáng tác trong cuộc phát huy nền văn hóa dân tộc, Trung tâm Văn Bút Việt Nam tổ chức một cuộc thi  "Truyện ngắn" trong niên kì 1964-1965. Thể lệ đã đăng báo từ tháng 12 năm rồi, Và chiều thứ sáu I8-6, lúc 19 giờ, cuộc lễ trao giải được tổ chức tại hội trường phòng Thương-Mại Sàigòn. Giải Văn chương này, trước đây đã gây đôi dư luận. Một là sự cách biệt đáng kể giữa giải thưởng nhất và nhì : 15.000đ và 5.000đ. Hai là số người hưởng ứng có phần quá ít *, đối với một hội nhà văn có nhiều người danh tiếng, già có, đứng tuổi có, trẻ có, như hội Bút-Việt, đối với điều kiện dễ dãi : đề tài tự do, truyện chưa hể phổ biến, không dài quá hai chục trang đánh máy, mỗi tác giả có thể gởi hai chuyện dự thi, và nhất là đối với số tiền thưởng khá cao. Khiến tạp chí Văn có lần đã phải đặt thành vấn đề.
            Số người đến dự lễ trao giải văn chương đầu tiên này của Bút Việt không mấy đông mà cả hội viên, cũng tương đối ít. Cử tọa không tới bẩy chục người. Phải chăng vì Nội các Chiến tranh đang thành lập, không khí Chính trị và Quân sự của Thủ đô căng thẳng, khiến những gì là Văn chương không được để ý bao nhiêu ? Ban tổ chức buổi lễ đã có nhã ý cho dịch ra Anh-văn và quay rô-nê-ổ bài trình bày của người đại diện ban Tuyển trạch giải thưởng, nhưng không có quan khách nào người ngoại quốc....[...] Chấm xong, phối kiểm biệt hiệu chưa hề dùng của tác giả những truyện ngắn trúng giải với tên thật , thì mới hay rằng các bạn dự giải đã trước bạ tên tuổi mình trong làng văn rồi [...]
            "Ông Vi Huyền. Đắc, đệ nhất phó chủ tịch Bút Việt và người lớn tuổi nhất trong ban Tuyển trạch, ra trước máy vi âm tuyên bố kết quả cuộc thi và trao giải thưởng với văn bằng:
 Giải nhất: Những ngày cạn sữa của bà Minh-Quân.
Giải nhì: Làng của Tường-Linh.
Bốn giải khuyến khích
Cao cả của Châm-Vũ, Trí thơ của Lan-Giao, Tiếng sấm đầu mùa của TrầnThanh-Diêu, Gắn bó của bà Minh-Tâm
            "Vài nhận xét phớt qua : bà Minh Quân và bà Minh-Tâm cũng là một (người dự giải có quyền gửi hai truyện); phần thưởng các giải khuyến khích là những món quà văn chương..." [Nguiễn Ngu Í,  Mục "Sinh Hoạt"/ Lễ trao giải Truyện ngắn của Trung tâm Văn Bút Việt-Nam* Chú thích: Cũng theo bài tường thuật này thì chỉ có "ba mươi mốt truyện ngắn dự giải", nghĩa là tỷ số trúng giải là 1/6.]

            Dù có vài khác biệt giữa hai bài viết của Trần Phong Giao và Nguiễn Ngu Í, có một điều chắc chắn không thể chối cãi được: tình trạng luộm thuộm và có thể coi như thất bại của TT VBVN trong việc tổ chức giải thưởng này, một giải thưởng được ghi lại rất vắn tắt trong sách của Nhật Tiến [trang 63]. Đọc phần này, sẽ không ai biết Minh Quân và Minh Tâm là một. Hay biết tới các vấn đề mà Trần Phong Giao nêu lên về  sự "thành lập từ năm 1957 qua trung gian chánh quyền thời đó", "hoạt động rất rời rạc, không gây được thành tích cũng như tiếng vang đáng kể nào, trong nước cũng như ngoài nước",  và "thực tế thì số hội viên thực sự tham gia vào các công tác của hội lại chỉ có một số ít"...Theo tôi, những lý do trên cũng giải thích được tại sao TT VBVN có một ông Tổng Thư Ký-15-năm và một vài chức sắc khác cũng có thành tích tương tự.
            Bởi thế, một tài liệu khác cho thấy một số tác gia tên tuổi đã đứng ra lập Hội Nhà Văn. Theo bài tường thuật cũng của Nguiễn Ngu Í, một hội nhà văn đã được thành lập, rút từ kinh nghiệm "chưa có sức nặng trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế" của các hội đã hiện diện, kể cả TT VBVN:
            -" Hội nhà văn
            "Từ lâu, nhà báo có hội Ký giả, và anh chị em sống dưới ánh đèn sân khấu có hội Nghệ sĩ để tương trợ nhau và binh vực quyền lợi cho nhau. Chỉ có nhà văn là chưa có một hội... nhà văn. Tuy các hội Bút Việt, Liên lạc Văn hóa Á-Châu, Bảo vệ Văn hóa Tự do... đã hoạt động mấy năm nay và đã qui tụ một số nhà văn, nhưng các hội vừa kể - như tên đã nói rõ - chỉ nhắm một con đường văn hóa riêng biệt nào đó, chớ không để ý đến con nhà văn: đời sống hoặc sứ mạng của họ, như "Société des Gens de Lettres" ở Pháp, chẳng hạn. Nhận thấy điểm thiếu sót, đó ông Đào Đăng-Vỹ cùng vài nhà văn có ý định vận động trong giới anh chị em cầm bút để đi tới việc thành lập một hội nhà văn. Độ hai chục nhà văn đã gặp nhau tại Câu lạc bộ Văn hóa ngày 5 tháng 10 vừa rồi. Người tổ chức cuộc gặp gỡ này - ông Đào-Đăng-Vỹ - cố ý mời các nhà cầm bút thế hệ trước và thế hệ này, đại diện các nhóm văn nghệ hiện hữu, người trong ngành văn, ngành thơ, ngành kịch, ngành biên khảo, ngành dịch thuật..., và có đủ Bắc, Trung, Nam.
            "Mở đầu cuộc họp đầu tiên này, ông Đào-Đăng-Vỹ tỏ ý phàn nàn anh chị em đã sống và hoạt động riêng rẽ, rời rạc nên thiếu tình tương thân, thiếu nghĩa đoàn kết, thành tiếng nói của con nhà văn chưa có sức nặng trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế. Đã đến lúc những người đồng thỉnh, đồng khí, và đồng một "nghiệp" kết thành một khối.
"Mục đích của hội là :
- gây tình đoàn kết, tương thân, tương trợ giữa các nhà văn,
- binh vực quyền lợi nghề nghiệp của nhà văn về vật chất cũng như về tinh thần,
- nâng cao uy tín và sứ mạng nghề văn bằng cách khuyến khích và giúp đỡ nhau trau dồi kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, phát triển tài năng và đạo đức, - thực hiện mọi công tác đóng góp vào việc phát triển văn hóa Việt-Nam,
- liên lạc với các nhóm văn nghệ sĩ trong và ngoài nước.
            "Cuộc bàn cãi sau đó khá sôi nổi. Tình trạng các hội văn hóa được nhắc đến. Thường chỉ được nghe tên lúc mới thành lập, rồi thì im hơi lặng tiếng, và những khi cần để tiếp đón, để đưa kiến nghị, người ta mới biết các hội ấy vẫn còn! Liệu hội nhà văn rồi có theo vết xe trước và sự có mặt của nó có quả là cần thiết chăng, hoạt động của nó có trùng với các hội văn-hóa đã ra đời  và làm sao cho nó khỏi sống kiếp lửa rơm !
            "Rồi đến tên hội. Hội nhà văn Tự do ? Hội nhà văn Việt-Nam. Tên sau được đa số chấp nhận. Việc thảo điều lệ được giao cho các ông : Huỳnh-Khắc-Dụng, Đào-Đăng-Vỹ, Lam-Sơn và Thái-Văn-Kiếm. Ngày 14 tháng 11, có buổi họp lần thứ nhì để duyệt qua bản dự thảo điều lệ; ông Phạm Đình-Khiêm được ủy nhiệm xét lại bản dự thảo điều lệ vừa được sửa chữa. Và ngày 5 tháng 12, là buổi họp thứ ba để sửa chữa bản điều lệ lần chót và bầu ban chấp hành lâm thời để xúc tiến việc xin phép thành lập hội. Theo điều 14 thì ban chấp hành gồm cό :
            "- 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch, một tổng thư ký, 1 phó tổng thư ký, 1 thủ quĩ, 1 phó thủ quĩ, 2 ủy viên kiểm soát, 3 cố vấn, 6 trưởng ban (ban thâu nhận hội viên, ban nghiên cứu và sưu tầm tài liệu, ban trước tác, ban dịch thuật, ban ấn loát, xuất bản, phát hành, ban tài chánh...). Tất cả 18 nhân viên, nhưng ban Chấp hành lâm thời chỉ có 5 người, và các ông sau đây được hội nghị bầu : Đông-Hồ: chủ tịch, Vi- Huyền-Đắc, Huỳnh-Khắc-Dụng : phó chủ tịch, Đào Đăng-Vỹ: tổng-thư-ký, Thái Văn -Kiểm: thủ quĩ..." [Tân-Fong-Hiệb, "Hội Nhà văn Việt Nam"-Mục Sinh Hoạt, Bách Khoa số 119, trang 112-113 *Tân-Fong-Hiệb là bút hiệu khác của Nguiễn Ngu Í]


            Cứ nhìn vào ban Chấp hành Lâm thời của Hội Nhà Văn, người đọc cũng có thể nhận ra sự thiếu uy tín của Trung Tâm Văn bút Việt Nam vì Vi Huyền Đắc là một trong những thành viên sáng lập của Nhóm Bút Việt, tiền thân của TT VBVN, còn Đông Hồ và Đào Đăng Vỹ là hội viên. Riêng Tuần lý Huỳnh Khắc Dụng [Biện lý Tòa Sơ thẩm Ngoại hạng Sàigon], chuyên biên khảo về Luật, Nghệ thuật/ dịch giả Việt-Pháp] rất nổi tiếng với cuốn song ngữ Hát bội, Théâtre Traditionnel du Vietnam (Kim Lai ấn quán xuất bản, 1970, Sài gòn] mà cho đến nay vẫn được dùng để tra cứu về  Hát Bội Miền Nam.
            Ngoài những dấu hỏi về hoạt động văn hóa, khuyết điểm lớn nhất của Trung tâm VBVN vẫn là không tuân hành được Hiến chương Văn bút [bảo đảm quyền tự do phát biểu và tư tưởng] qua chủ trương thân Cộng [Thanh Lãng], chứa chấp cán bộ văn hóa Cộng sản nằm vùng, tạo cơ hội cho các cán bộ này phỉ báng các tác gia khác; nghĩa là không đủ bản lãnh chính trị để ngăn chận sự xâm nhập của đám cán bộ CS  khi họ ngang nhiên sử dụng TT VBVN như một hậu cứ an toàn. Tôi sẽ xét tới trường hợp Vũ Hạnh và Thế Nguyên [Trần Trọng Phủ] nhắm so sánh với phản ứng của Nhật Tiến hầu chứng minh rằng, thứ nhất, ông ta cần nên khiêm nhượng khi nhận ra ông ta có thể đã quá ấu trĩ; thứ hai, đã đến tuổi này mà còn học thêm được bất cứ bài học nào thì cũng nên lấy làm hân hạnh, nhất là khi người có lòng rộng rãi dậy cho ông ta bài học đó lại là người từng bị ông ta thóa mạ.

III- Trung Tâm Văn bút Việt Nam: Một hậu cứ an toàn cho cán bộ văn hóa Cộng sản

            1-Trường hợp Phó Tổng Thư Ký Vũ Hạnh
            Đoạn dưới đây cho thấy sự ấu trĩ về chính trị cộng thêm sự không biết phục thiện--mà lại còn viện cớ đổ sang cho nhiều người khác-- của Phó Chủ tịch Nhật Tiến về cán bộ Vũ Hạnh:
           
            -"Việc xin thả Vũ Hạnh sau khi bị Công an bắt giam, đúng là có sự can thiệp của Trung Tâm Văn Bút VN, nhưng không chỉ một mình Chủ tịch Văn Bút Thanh Lãng tự ý quyết định riêng – như dư luận vẫn nhắc tới – mà là do ý kiến của đa số  thành viên trong Ban Chấp Hành. Hồi đó Vũ Hạnh đang là một Hội viên của Văn Bút. Ông ta rất siêng năng đi họp, không một buổi họp nào của Ban Thường Vụ vào buổi tối Thứ Tư hằng tuần ở trụ sở số 107 Đoàn thị Điểm Sài Gòn mà lại vắng mặt. Công việc chính được Ban Thường Vụ giao phó cho Vũ Hạnh là hợp tác với Trần Phong Giao ( sau này là Lê Thanh Thái)  trong việc điều hành tập san Tin Sách do Văn Bút ấn hành. Thời gian đó không ai nghĩ Vũ Hạnh là một kẻ nằm vùng mà thông thường chỉ coi ông ta là một đồng nghiệp chăm chỉ, dễ chịu, chưa một lần nào góp ý hay đề nghị Văn Bút tiến hành một công tác gì có lợi cho CS. Tình văn hữu do đó có cơ hội nẩy nở và công việc của Văn Bút vẫn tiến hành một cách suông sẻ. Cho đến khi giới chức trách về an ninh xác nhận đích thị Vũ Hạnh là cán bộ CS  nằm vùng, tuy không ai cải chính nhưng cũng chẳng lấy đó làm ngạc nhiên. Phải hiểu đó là một sự buông thả dễ dãi, một căn bệnh của trí thức miền Nam ở thời kỳ đó. Trong tình cảnh miền Nam phải đối đầu với CS, sự can thiệp xin trả tự do cho Vũ Hạnh như thế tất nhiên là sai trái. Và những sai trái kiểu đó cũng đã xẩy ra ở  nhiều nơi, nhiều ngành hẳn đã góp phần không nhỏ vào sự sụp đổ miền Nam...." [Nhật Tiến, sđd]
            Quả là khôi hài cho cái lý luận "đồng nghiệp chăm chỉ, dễ chịu, chưa một lần nào góp ý hay đề nghị Văn Bút tiến hành một công tác gì có lợi cho CS" và " Tình văn hữu do đó có cơ hội nẩy nở và công việc của Văn Bút vẫn tiến hành một cách suông sẻ...." !!! Thú thật, cứ đọc lại đoạn này, tôi lại nhớ tới hôm ngồi ở nhà Nhật Tiến khi Viên Linh đặt câu hỏi hóc búa về chức Ủy viên trong Hội đồng Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Một ông Ủy viên mà ngây thơ một cách dại dột như thế thì chắc hẳn đám nằm vùng này không khỏi cười thầm. Nhiều lần. Rồi chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi rằng tại sao một tổ chức nhận tiền của chính phủ, tức là của dân, trong một chính thể chống Cộng sản, thay vì rúng động đến tận gốc mà tìm cách giải quyết ngay đến nơi đến chốn, lại có lối giải quyết lười biếng: "Cho đến khi giới chức trách về an ninh xác nhận đích thị Vũ Hạnh là cán bộ CS  nằm vùng, tuy không ai cải chính nhưng cũng chẳng lấy đó làm ngạc nhiên..." [Nhật Tiến, sđd] Thật ra, còn "ngạc nhiên" gì nữa?! Ở trong chăn thì phải biết chăn có ...người Cộng sản chứ. Lừa nhau làm gì với cái lối vất rác sang nhà hàng xóm "Và những sai trái kiểu đó cũng đã xẩy ra ở  nhiều nơi, nhiều ngành" ?! Trừ phi ông Phó lại ngây thơ kiểu Thị Màu lên chùa?!
            Ngoài sự nghiêm trọng của trường hợp Vũ Hạnh, một trường hợp khác chứng tỏ sự bị động của Phó Tiến nói riêng và Trung Tâm VBVN nói chung khi, hoặc không biết, hoặc biết rõ mà làm ngơ. Đó là trường hợp Phó Tổng thư ký Thế Nguyên-Trung Tâm VBVN, còn có bút hiệu Trần Trọng Phủ.

2-Trường hợp Phó Tổng Thư ký Thế Nguyên [Trần Trọng Phủ]

            Đây là một cán bộ Cộng sản thuộc loại gộc mà theo tôi nghĩ, đã được Cộng sản chu cấp để sinh sống, lập nhà in, đẩy mạnh nhiều tạp chí, thậm chí nhật báo, nhắm phụng sự cho cuộc chiến tranh tuyên truyền của họ. Nếu Vũ Hạnh lưu ý những tác giả như Chu Tử, nhóm Thế Nguyên mở cuộc tổng công kích vào giới nhà văn chủ nhiệm chủ bút khoa bảng tiểu tư sản, nhất là giới nhà văn người Bắc di cư, bịa đặt vấn đề "văn chương viễn mơ" để tấn công Mai Thảo, Viên Linh, Cung Trầm Tưởng...Sau lưng Thế Nguyên Trần Trọng Phủ và Đảng Cộng sản là một lực lượng nằm vùng hùng hậu như Ngô Kha, Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Vũ Hạnh với bút hiệu Cô Phương Thảo, Nguyễn Ngọc Lương  với bút hiệu Nguyễn Nguyên, Lê Nguyên Trung [tên thật Nguyễn Văn Bổng), Lữ Phương vv...
            Chính Nhật Tiến đã xác nhận sự đột nhập của "ngòi bút CS nằm vùng" Thế Nguyên Trần Trọng Phủ trong một đoạn dài sau đây:
            -"-"Những trí thức thiên tả và một số ngòi bút CS nằm vùng bắt đầu len lỏi mạnh mẽ vào sinh hoạt sách báo. Có những bài viết trên báo hay ngay cả in trong tác phẩm được phép ấn hành đã mạt sát cả một nền văn học miền Nam một cách công khai. Xin nêu chỉ một trường hợp cụ thể. Tác giả Trần Trọng Phủ trong cuốn “Vài Ý nghĩ về Văn hóa Văn Nghệ (Nghĩ Gì-tập 2) do nxb Trình Bầy in năm 1969, đã viết : (trích) .“…Chẳng có gi đáng ngạc nhiên khi thấy những tờ tạp chí như Sáng Tạo, Thế kỷ 20, Nghệ Thuật, Vấn Đề nhận được những món tiền trợ cấp lớn lao của chế độ hay là của những cơ quan ngoại quốc. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu những giải thưởng như Văn chương Toàn quốc, giải thưởng PEN, lại chỉ được trao tặng cho những nhà văn nào có khuynh hướng gần với khuynh hướng của chế độ hay đã thoát ly khỏi khung cảnh thực tế của xã hội...." [Nhật Tiến, sđd, trang 162-163/ https://nhavannhattien.wordpress.com/chuong-v-van-but-voi-doi-song-xa-hoi-chinh-tri/]
             Chỉ tiếc Phó Tiến và cả TT VBVN  hớ hênh thế nào mà tuy bị mắng công khai [Văn chương Toàn quốc, giải thưởng PEN], vẫn để cho Thế Nguyên Trần Trọng Phủ...len lỏi vào được TT VBVN. Không những len lỏi mà còn len lỏi mạnh mẽ tới chức ...Phó Tổng thư ký nữa đấy! Chưa hết, khi chính phủ VNCH, hằn biết rõ cái tổ CS này, muốn thuyên chuyển Thế Nguyên ra khỏi Sài gòn, Hội ta còn lẫm liệt kèm vào một đòi hỏi trong bản "Tuyên Bố của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam sau cuộc tiếp xúc với  Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi ngày 7-9-1974" để tiện vu khống Chính phủ VNCH cái tội ... "trả thù" "đối với cuộc tranh đấu của Văn Bút hiện nay":        
            -"5) Rút lại lệnh thuyên chuyển đối với nhà văn Thế Nguyên, Phó Tổng thư ký của Hội Văn Bút được coi như một hình thức trả thù của chính quyền đối với cuộc tranh đấu của Văn Bút hiện nay."" [Nhật Tiến, sđd]
           
            Đúng là Chuyện dài Nhân dân tự dzận. Đúng là cái "bao tử" không biết điều, không biết làm gì nên thân,  chỉ gây rối cho "cái đầu". 8 tháng sau, Việt Nam Cộng Hòa mất, hội viên VBVN từ Chủ tịch Vũ Hoàng Chương, Phó Chủ tịch Hồ Hữu Tường, Tổng Thư ký Hiếu Chân Nguyễn Hoạt tới hội viên được thuyên chuyển vào tù trừ ba ông Thanh Lãng, Nhật Tiến và Phạm Việt Tuyền. Không thấy các ông lập kiến nghị, kháng cáo vv và vv đòi rút lại lệnh thuyên chuyển ấy?!
            Khi tôi dùng chữ "hớ hênh" hay ấu trĩ" là có lý do. Một hội được cấp ngân quỹ từ chính phủ nghĩa là có bổn phận trực tiếp với người dân, lại  mang tiếng tranh đấu cho quyền tự do tư tưởng và phát biểu mà để cho một cán bộ CS đắc lực như Thế Nguyên-Trần Trọng Phủ xâm nhập, lại che chở tận tình thì hội này đúng là quá tệ. Quá tệ là vì Thế Nguyên không cần nằm vùng mà đã công khai hoạt động từ những năm cuối 60 dẫn sang đầu những năm 70. Trình bầy không phải là tờ báo đầu tiên của Thế Nguyên như chúng ta đã biết. Thế Nguyên còn thực hiện tạp chí hàng tháng Đất Nước trong phần vụ Thư ký Tòa soạn, một tạp chí do giáo sư Nguyễn Văn Trung làm chủ nhiệm. Chính Đất Nước-- số 14, Tháng 10.1969 , gần một năm sau cuộc thảm sát tại Huế-- đã làm một chủ đề về sự qua đời của Hồ Chí Minh. Đây là chứng cớ của số chủ đề đó qua bài tường thuật của Ngô Ngọc Ngũ Long, một người có thân nhân cũng nằm vùng tại Sài gòn hay vùng phụ cận:
            -"Ban biên tập đã bí mật chuẩn bị nội dung, phân công người viết, tập hợp lại trong thời gian nhanh nhất. Sau đó cho in ngay trong vòng 3 ngày tại chính nhà in ngay tòa soạn báo số 291 đường Lý Thái  Tổ, cũng là nhà riêng của anh Thế Nguyên. Báo lúc ấy phát hành khoảng 4.000 số, do các anh em tự góp vốn nhau mà làm. Công nhân in chỉ khoảng 6 người, phần lớn là người nhà, từ khâu sắp chữ đến đóng báo đều do anh em tự tay làm. In xong là cho phát hành ngay bằng đường gia đình và bạn bè, phân tán mỗi nơi một ít. Khi đã phát hành xong để tồn kho lại khoảng hơn trăm cuốn mới nộp lưu chiểu. Bộ phận kiểm duyệt lập tức cho niêm phong nhà in và tịch thu toàn bộ số tạp chí còn lại, ra lệnh cấm phát hành và tất nhiên tờ |báo bị đóng cửa. Nhưng như thế  là ta đã thành công vì số báo đã phát hành đi được gần hết. Đó là tờ “Đất nước” số 14, tháng 10-1969, được làm hoàn toàn do tinh thần tự phát của những người trí thức Sài Gòn thời ấy. Chỉ sau này khi tờ “ Đất nước” bị đóng cửa, những người chủ biên của tờ “Đối diện” và “Trình bày” mới được móc ra  chiến khu học tập...và tiếp tục cuộc  đấu tranh lâu dài của mình trong lòng địch..."[ Ngô Ngọc Ngũ Long, "Về một tạp chí ca ngợi bác Hồ viết trong lòng địch", * không rõ đăng trên báo nào sau 1975 nhưng có lẽ trên tờ Sài Gòn giải phóng vì tác giả vốn là phóng viên của tờ báo này. Hiện là hội viên Hội Nhà Văn và giữ chức Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh tại Sài gòn]
           
[joankim/ http://sachxua.net/forum/bao-tap-chi-van-hoc-mien-nam-giai-doan
-1954-1975/tap-chi-dat-nuoc/]

                Dẫn đầu mục lục ngoài bìa, chính là bài của Thế Nguyên -Trần Trọng Phủ. Nội dung bài đó ra sao, chúng ta hẳn đã rõ. Nhưng tôi trích một đoạn trong bài Nói chuyện với người đã khuất của  trí thức thiên tả vỡ mộng Lý Chánh Trung vì đoạn này sẽ liên quan trưc tiếp đến vấn đề "hòa giải", không hận thù vv... nghĩa là liên quan trực tiếp đến cái đầu "đông đá" Nhật Tiến và cái "đầu vẫn chưa thấy nghĩ lại" Nhã Ca:

            -"[...] Cho nên tôi không tiếc mà cũng không trách Cụ Hồ đã chọn con đường Cộng sản. Tôi chỉ khâm phục Cụ đã trung thành tuyệt đối với sự lựa chọn của mình. Và tôi có thể noi gương Cụ để đi tận cùng con đường của tôi, con đường mà tôi đã chọn trước lương tâm tôi, như Cụ đã làm 50 năm trước. Trong hoàn cảnh hiện tại của thế giới và của đất nước, tôi tin rằng chỉ còn một con đường để dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển, đó là con đường hòa giải: hòa giải các thành phần đối nghịch của dân tộc, chấp nhận cuộc sống chung lâu dài của các thành phần ấy trong khuôn khổ một nước Việt Nam thống nhứt nhưng đa dạng, cách mạng mà vẫn tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người. Ðối với tôi, đó là con đường duy nhứt tôi có thể chọn mà không hỗ thẹn với lương tâm, mà không phản bội những gì tôi yêu quí nhứt, trong đó có những ngày hạnh phúc ngắn ngủi mà tôi được sống dưới bức chân dung Cụ. Vì không quên được những ngày ấy, không quên được cái hình ảnh tuyệt vời của dân tộc mà tôi đã cảm nhận từ những ngày ấy, tôi muốn cho con cái tôi, con cái của tất cả những người Việt Nam được sống những ngày tương tự, nhưng lâu bền hơn. Thống nhất về mặt pháp lý chưa phải là hiệp nhất trong tình nghĩa đồng bào. Giả thử có một phe toàn thắng trong cuộc chiến tranh này thì cũng không thể tiêu diệt hết phe bên kia, do đó vẫn phải hòa giải nếu muốn hiệp nhất thật sự dân tộc. ..." [Lý Chánh Trung, sđd/ http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/5166-hv102-ni-chuyn-vi-ngi-khut.aspx]
            Theo bài báo của Ngô Ngọc Ngũ Long [viết theo lời chứng của một trong vài người thuộc Ban biên tập lúc bấy giờ] và bài của Lý Quý Chung, người đọc có thể nhận thấy 2 điều: Thứ nhất, Đảng Cộng sản đã đầu tư một cách rất hệ thống vào chính sách chiếm đoạt Miền Nam. Họ đã lôi cuốn được một số người trẻ, trí thức, lãnh đạo tôn giáo để làm việc thay cho họ một cách công khai. Hơn thế nữa, theo tôi, họ đã cung cấp tiền bạc và phương tiện như cho lập nhà in trong trường hợp Thế Nguyên. Sử dụng sự ngây thơ đến nỗi khó tin nhưng lòng kiêu ngạo không có giới hạn của vài nhân sự lãnh đạo trong các tổ chức có tính cách truyền thông, họ dễ dàng bám vào các cơ quan này tại những vị trí quan trọng nhất. Có phải Vũ Hạnh từng tham dự việc phụ trách tờ Tin Sách đó sao? Còn Thế Nguyên làm đến Phó TTK thì việc gì của TT VBVN mà anh ta lại không biết?!  Thứ hai, sau 1975, đọc lại những lời hân hoan tin tưởng của Lý Quý Chung vào sự sáng suốt [!] và hy sinh [!] của Hồ Chí Minh để mong đợi một "con đường hòa giải", thật không có gì mỉa mai hơn. Và càng mỉa mai hơn khi phải đọc những Trăm hoa vẫn nở trên quê hương và những bàn thờ sẽ không bao giờ thực hiện được vì hoa đã bị héo chết rồi, còn đâu mà bầy lên bàn thờ nữa  từ hoa thật như cô Nông Thị Xuân, người có con với Hồ Chí Minh, hay sự thật về cuộc thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế.

            Tôi thành thực hy vọng, sau khi trình bày rất rõ ràng thành tích của Thế Nguyên-Trần Trọng Phủ, Nhật Tiến sẽ tỉnh ngộ để nhận lấy trách nhiệm của một Phó chủ tịch mà không nên đổ trách nhiệm sang các ...phó thường dân trước và sau 1975.  Do đó, tôi sẵn sàng mời ông ta [cũng như Nhã Ca] lên tiếng -

NTC

Comments

Popular posts from this blog